Được đánh giá là đơn vị điển hình trong toàn huyện Cái Nước về hoạt động giúp nhau phát triển kinh tế từ Quỹ Tương trợ công đoàn (QTTCĐ), đến nay, nguồn vốn tương trợ công đoàn tại CĐCS xã Lương Thế Trân, huyện Cái Nước được đoàn viên đóng góp gần 200 triệu đồng, giải quyết cho 42 lượt đoàn viên vay để giải quyết khó khăn. Phong trào này đã phát huy hiệu quả, nhận được sự quan tâm của tất cả đoàn viên, tạo được lòng tin với tổ chức công đoàn.
Được đánh giá là đơn vị điển hình trong toàn huyện Cái Nước về hoạt động giúp nhau phát triển kinh tế từ Quỹ Tương trợ công đoàn (QTTCĐ), đến nay, nguồn vốn tương trợ công đoàn tại CĐCS xã Lương Thế Trân, huyện Cái Nước được đoàn viên đóng góp gần 200 triệu đồng, giải quyết cho 42 lượt đoàn viên vay để giải quyết khó khăn. Phong trào này đã phát huy hiệu quả, nhận được sự quan tâm của tất cả đoàn viên, tạo được lòng tin với tổ chức công đoàn.
Phó Chủ tịch CÐCS xã Lương Thế Trân Hồ Việt Khải cho biết: CÐCS của xã có 47 đoàn viên. Lúc đầu do đoàn viên chưa hiểu được mục đích của việc đóng góp quỹ, đồng thời, họ cũng không biết quyền lợi mà họ sẽ được hưởng nên vận động QTTCÐ gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng nhờ được giải thích nên từ đó, họ dần hiểu, tin tưởng vào tổ chức công đoàn và tự nguyện đóng góp. Hình thức thực hiện: Hằng tháng, mỗi đoàn viên đóng 100.000 đồng, khi đoàn viên gặp khó khăn có nhu cầu vay vốn sẽ trình bày với BCH công đoàn, đồng thời đưa ra phương thức sử dụng nguồn vốn hiệu quả sẽ được xét cho vay từ 3-5 triệu đồng với mức lãi suất 0,5% và cam kết sau 1 năm phải trả vốn. Nếu đoàn viên nào chuyển công tác hoặc nghỉ hưu, sẽ được hoàn trả lại số tiền họ đã đóng góp.
Nhờ được hỗ trợ vay vốn tương trợ công đoàn, anh Trần Văn Thi, ấp Hoà Trung, xã Lương Thế Trân áp dụng mô hình nuôi trăn mỗi năm thu nhập thêm gần 20 triệu đồng. |
Nguồn vốn tương trợ công đoàn của xã thực sự phát huy được hiệu quả khoảng 3 năm gần đây. Phần lớn những đoàn viên được vay vốn đều sử dụng vào việc phát triển sản xuất như đầu tư vào các mô hình nuôi tôm, cua, cá, trăn… Ðiển hình như mô hình nuôi trăn của anh Trần Văn Thi, ấp Hoà Trung, người được vay 5 triệu đồng từ nguồn QTTCÐ. Sau khi được vay vốn, anh phát triển mô hình nuôi trăn. Năm 2014, anh bán 10 con trăn thịt thu nhập gần 20 triệu đồng. Hiện tại, anh còn 1 con trăn giống, 13 con trăn được hơn 2 tháng tuổi. Anh Thi phấn khởi: "Với đồng lương eo hẹp cộng với 7 công vuông gia đình cho khó có thể đảm bảo cuộc sống 3 người trong gia đình. Nhờ nguồn vốn này tôi đã phát triển kinh tế thêm, từ đó có thể an tâm công tác”.
Vợ chồng anh Huỳnh Văn Lợi và chị Tô Diễm Kiều cùng công tác tại xã Lương Thế Trân, với nguồn thu nhập từ đồng lương còn thấp, cuộc sống tạm đủ qua ngày. Nhưng từ khi đứa con nhỏ ra đời thì kinh tế của anh chị gặp nhiều khó khăn. Nhờ được vay 5 triệu đồng từ vốn tương trợ công đoàn, anh Lợi nuôi trăn và nuôi thêm vịt để làm thức ăn cho trăn. Hiện anh có 4 con trăn nuôi được 1 năm đang để giống và 5 trăn con được hơn 2 tháng. Anh Lợi bộc bạch: “Tôi chọn nuôi trăn không mất nhiều thời gian chăm sóc, hơn nữa hiệu quả kinh tế cao. Mỗi con trăn con có thể bán được khoảng 400.000 đồng, nếu không thì có thể để nuôi khoảng 7-8 tháng bán trăn thịt được trên 1 triệu đồng/con”.
Việc tạo nguồn QTTCÐ và hỗ trợ cho cán bộ, công chức có thu nhập thấp vay phát triển kinh tế gia đình của CÐCS xã Lương Thế Trân đã tạo việc làm cũng như thu nhập thêm cho những cán bộ, công nhân viên có đời sống khó khăn, giúp họ phần nào ổn định cuộc sống. Ðây là cách làm hay, thiết thực cần được phát huy ở các công đoàn cơ sở./.
Bài và ảnh: Hồng Phượng