(CMO) Sau ngày thống nhất đất nước, Minh Hải là một trong những tỉnh có phong trào văn hoá - văn nghệ hoạt động hết sức sôi nổi, tạo nên tiếng vang của khu vực miền Tây Nam bộ. Kế thừa những tinh hoa của Đoàn Văn công Giải phóng, Đoàn Cải lương Hương Tràm với những vở diễn nức lòng người; nếu Đoàn ca múa Tam Giang với nhiều thể loại nghệ thuật đem đến sự phong phú và thoả mãn nhu cầu thưởng thức nghệ thuật cho khán giả thì Đoàn Kịch nói Minh Hải đã mang về một làn gió mới, cùng với hai "người anh lớn" làm nên sự đa dạng cũng như góp vào vườn hoa nghệ thuật tỉnh nhà nhiều màu sắc rực rỡ.
Ngược dòng thời gian tìm về những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, khi kịch nói của cả nước đã dần lớn mạnh trở thành trào lưu. Các đơn vị nghệ thuật từ Trung ương đến địa phương đã có một bước nhìn nhận mới về loại hình nghệ thuật trẻ, mang tính bác học và dễ chuyển tải được hơi thở của thời đại. Minh Hải giai đoạn ấy cũng như những tỉnh bạn khác chưa có sự xuất hiện của sân khấu kịch thực sự, có chăng chỉ là những vở kịch ngắn, tiểu phẩm hài kịch trong đoàn ca múa hay xa hơn là của Đoàn Văn công giải phóng biểu diễn.
Nhận thấy được những giá trị loại hình nghệ thuật biểu diễn này mang lại, cũng như đã đến lúc cần phải có một sân khấu kịch mang tính chuyên nghiệp để phục vụ quần chúng nhân dân, lãnh đạo tỉnh đã xây dựng một ban vận động và ra sức đi tìm nhân sự để thành lập đoàn. Năm 1986, Đoàn Kịch nói Minh Hải ra đời, mang bản chất của Đoàn Văn công giải phóng với trách nhiệm là biểu diễn nghệ thuật đi đôi với tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị và hoạt động bằng nguồn kinh phí của Nhà nước.
Diễn viên Khánh Hồng (ở giữa hàng đầu) vai vua I-Ô-Xíp-Xa Rat trong vở “Lời phán truyền của những vì sao”. Ảnh: Lâm Nguyễn |
Lực lượng của Đoàn Kịch nói Minh Hải giai đoạn này ngoài những lãnh đạo có tầm như Nghệ sĩ Lệ Minh (nghệ sĩ kỳ cựu của Đoàn Văn công Giải phóng và Đoàn Cải lương Hương Tràm), Trọng Sơn, Vưu Nghị Lực, Khánh Hồng cùng dàn diễn viên trẻ của tỉnh nhà có thể kể đến như Thanh Triều, Chí Dũng, Hoàng Vinh..., những cái tên mới của Sài Gòn như Hữu Châu, Hồng Đào, Mai Phương, Tường Thuỵ, Vũ Tín, Phan Hùng, Ánh Thoa... Họ là những diễn viên trẻ hội đủ các yếu tố tài và sắc vừa mới tốt nghiệp ngành kịch nói trường Nghệ thuật sân khấu II (nay là trường Đại học Sân khấu điện ảnh TP Hồ Chí Minh) được mời về đầu quân và trở thành lực lượng cốt cán góp phần tạo nên điểm nhấn cho một đoàn nghệ thuật còn khá non trẻ.
"Mùa hè ở biển" (Tác giả Xuân Trình, Đạo diễn Võ Thanh Phong dàn dựng) là vở diễn đầu tiên của đoàn ra mắt ngay sau đó đã nhanh chóng thu hút khán giả với tính chất hài kịch trữ tình mang nội dung phản ánh xoay quanh sự lạc hậu trước nhu cầu đổi mới của xã hội. Đặc biệt, vai Đoàn Xoa của Nghệ sĩ Hữu Châu (và sau này là Nghệ sĩ Khánh Hồng) đã lột tả xuất sắc nhân vật. Thành công của vở kịch này như một bước tiến mở đường để một loạt các vở kịch khác được dàn dựng và trình làng như: "Dư luận quần chúng" (Rô-ma-ni-a), "Lời phán truyền của những vì sao" (kịch Nga), "Ngụ ngôn năm 2000" (Lê Hoàng) , "Tôi đi tìm tôi" (Sỹ Hanh)... cùng những vở ngắn. Đoàn kịch lưu diễn khắp các tỉnh miền Tây và đi đến đâu đều nhận được sự thương mến, ủng hộ nhất định. Khán giả đến với kịch không ồ ạt như cải lương, nhưng vẫn đủ để nghệ thuật có thể thăng hoa và ngày một trau chuốt hơn.
Diễn viên Tường Thuỵ (vai vua A Bát ) và Diễn viên Ánh Thoa (vai hoàng hậu Xa-Li-Ma) trong vở kịch “Lời phán truyền của những vì sao”.Ảnh: Lâm Nguyễn |
Nói về sự ủng hộ, đón nhận của công chúng đối với loại hình nghệ thuật kịch nói, Nghệ sĩ Lệ Minh, nguyên Phó trưởng Đoàn kịch nói Minh Hải, nhìn nhận: "Tuy chỉ tồn tại một thời gian ngắn nhưng đoàn đã gặt hái nhiều thành công. Những cái tên, những vở diễn dần được công chúng biết đến. Tình yêu đối với kịch nói Minh Hải là tình yêu nghệ thuật đáng trân trọng, với những vai diễn thật hay, thật đẹp của những anh chị em diễn viên".
Điều ấn tượng và đặc trưng lớn nhất mà Đoàn Kịch nói Minh Hải mang đến, theo đánh giá chung, có lẽ chính là sức trẻ, cái hồn nhiên trong nghệ thuật của tập thể anh chị em diễn viên được học chính quy trường lớp, mang nét diễn mới mẻ, khoẻ khoắn và luôn có một khí thế hừng hực yêu nghề để làm nên một sân khấu "sạch" với tính chuyên nghiệp cao. Tiếp đến là sự khéo léo trong việc lựa chọn kịch bản hay cùng sự dàn dựng của những đạo diễn tài hoa như NSƯT Trần Minh Ngọc, NSƯT Đoàn Bá, NSƯT Hữu Luân... tạo nên những vở diễn với nội dung có giá trị tác động trực tiếp đến cuộc sống, cách quản lý, lãnh đạo và đặt ra những vấn đề trực diện xã hội, phần nào giúp người xem thoả mãn thèm muốn, khao khát của thời đại lúc bấy giờ.
Một cảnh trong vở kịch “Lời phán truyền của những vì sao”. Ảnh: Lâm Nguyễn |
Từng là diễn viên trụ cột, luôn sát cánh với đoàn, gắn với nhiều vai diễn hay như Đoàn Xoa (Mùa hè của biển), I-ô-xíp Xa Rát (Lời phán truyền của những vì sao) hay Kích-La-ru (Dư luận quần chúng), cựu diễn viên Nguyễn Khánh Hồng, nguyên Phó trưởng Đoàn kịch Minh Hải, hiện là Trưởng Phòng Văn hoá - Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Cà Mau, luôn nhớ về "đại gia đình" ngày cũ. Ở đó, từ lãnh đạo đến diễn viên một lòng đoàn kết, không hề nghĩ đến quyền lợi riêng tư mà chỉ cố gắng tập trung hết mình để cho ra đời những vở diễn có tâm, đáp lại lòng mong đợi của khán giả. Anh tâm sự: "Cứ hễ nhắc đến đoàn kịch là có rất nhiều cái để nhớ. Nhớ những khó khăn nhưng anh em luôn thương yêu để vượt qua. Có lẽ cái hồn nhiên của tuổi trẻ đã dẹp được hết mọi rắc rối, trở ngại. Chỉ thương là mình không thể lo được cho anh em về mặt đời sống vật chất để yên tâm làm nghề cũng như có thể duy trì đoàn kịch lâu dài...".
Đầu năm 1990, vì những lý do kể trên, đoàn đành phải ngừng hoạt động và sau đó sáp nhập về Đoàn Ca múa Tam Giang của tỉnh trong sự nuối tiếc của nhiều người, kể cả khán giả và giới chuyên môn. Dù chỉ xuất hiện trong thời gian khá ngắn, khoảng 4 năm, nhưng dấu ấn cùng những tiếng vang của đoàn vẫn để lại những dư âm khó phai mờ. Và rồi nhiều năm sau đó, mỗi khi nhắc về dòng chảy sân khấu của tỉnh nhà, người ta lại thoáng hoài niệm khi nhắc về đoàn kịch nói tên tuổi một thời ấy./.
Hoàng Phúc