(CMO) Nhu cầu sử dụng điện ngày một tăng, việc đầu tư phát triển và hoàn thiện hạ tầng lưới điện cần tiếp tục được đẩy nhanh tiến độ. Theo đó, để các dự án sớm hoàn thành đưa vào sử dụng cần có sự phối hợp giữa ngành điện với chính quyền địa phương và người dân, nhất là trong việc bàn giao mặt bằng.
Trong năm 2021, Tổng công ty Ðiện lực miền Nam (EVN SPC) bố trí 81,712 tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách Nhà nước phân bổ 225 tỷ đồng, đầu tư cấp điện trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Mục tiêu hoàn thành đóng điện 8 công trình lưới điện phân phối với đường dây trung thế dài hơn 325 km, đường dây hạ thế dài 422 km, tổng công suất trạm biến áp phân phối tăng thêm 22.377 kVA… Ðặc biệt, dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia trên địa bàn tỉnh với đường dây trung thế dài 272 km, đường dây hạ thế dài 349,8 km, 338 trạm biến áp 11.437 kVA với tổng mức đầu tư 274,178 tỷ đồng.
Lượng đầu tư lớn đồng nghĩa với diện tích đất, các công trình kiến trúc, cây trồng… của người dân bị ảnh hưởng phải thu hồi cũng lớn theo.
Lắp đặt đường dây trung thế trên địa bàn huyện Ngọc Hiển. |
Ông Huỳnh Hữu Quang, Giám đốc Công ty Ðiện lực Cà Mau, cho biết, UBND tỉnh đang chỉ đạo các sở, ban, ngành thực hiện quyết liệt công tác bồi thường giải phóng mặt bằng cho các dự án. Tiếp tục hỗ trợ, vận động Nhân dân thực hiện công tác giải phóng mặt bằng; bố trí đất hành lang tuyến đường dây để ngành điện thi công xây dựng hệ thống lưới điện phân phối do EVN SPC và các công ty điện lực thực hiện.
Tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm của tỉnh Cà Mau 5 năm gần đây trung bình 6% năm. Giai đoạn 2021-2025, khối lượng đầu tư lưới điện trên địa bàn tỉnh rất nhiều. Do đó, việc bố trí quỹ đất theo các công trình điện đã được duyệt trong quy hoạch, là một nhân tố vô cùng quan trọng góp phần đẩy nhanh tiến độ các dự án, kịp thời cấp điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Ông Quang cho biết thêm, hiện nay nhu cầu đầu tư cho lưới điện rất lớn, đặc biệt là đầu tư cho khu vực nông thôn. Trong khi đó, nguồn vốn đầu tư xây dựng của EVN SPC rất khó khăn, nên rất mong địa phương hỗ trợ trong việc huy động nguồn vốn đầu tư lưới điện từ ngân sách của tỉnh, vốn ứng trước của địa phương, của khách hàng và vốn vay các tổ chức tín dụng địa phương... để bổ sung nguồn vốn đầu tư còn thiếu trong giai đoạn 2021-2025 của EVN SPC.
Ngoài ra, các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương cần tiếp tục quán triệt và thực hiện chủ trương Nhân dân tham gia đầu tư xây dựng nông thôn mới để các hộ dân tích cực hơn nữa trong việc tự giải toả cây cối trong hành lang an toàn lưới điện và củng cố, đầu tư đường dây sau công tơ đảm bảo kỹ thuật an toàn theo quy định.
“Ðiều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng, không chỉ góp phần đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án đầu tư phát triển hạ tầng lưới điện mà còn đảm bảo an toàn, tiết kiệm trong quá trình sử dụng điện của người dân”, ông Quang nhận định./.
Phan Ngọc Ẩn