(CMO) Những bài học được rút ra từ các câu chuyện về Bác được cụ thể hoá thành những hành động, việc làm nhỏ nhưng mang lại ý nghĩa thiết thực, giúp học sinh có thêm lý tưởng phấn đấu, phát huy hơn nữa tinh thần tự học… là những hiệu quả từ phong trào học tập theo tư tưởng, phong cách, đạo đức Hồ Chí Minh trong nhà trường thời gian qua.
Tại trường THPT Đầm Dơi, học Bác đã lan toả và trở thành phong trào xuyên suốt, được nhà trường triển khai đến các em trước cờ và trong kế hoạch chủ nhiệm của giáo viên. Liên tục trong 3 năm qua nhà trường đã phát động và đưa phong trào này phát triển hơn nữa thông qua cuộc thi kể chuyện về Bác. Các mẩu chuyện như Bác Hồ với tự học, Bác Hồ với thanh niên học sinh, Bác Hồ với thiếu niên nhi đồng, Bác Hồ với tư tưởng yêu nước… thường xuyên được nhà trường giới thiệu đến học sinh.
Tiết kiệm vì bạn nghèo là phong trào xuyên suốt trong năm học giúp học sinh rèn luyện tinh thần đoàn kết, yêu thương. |
Từng đạt giải nhất cuộc thi kể chuyện về Bác do nhà trường tổ chức, là một trong những tuyên truyền viên về phong trào học Bác, em Lê Huỳnh Gia Minh, lớp 12A2, chia sẻ: “Điều em học được ở Bác nhiều nhất thông qua những câu chuyện chính là lòng yêu thương, sự khiêm tốn, lối sống giản dị và lý tưởng sống của Bác. Theo em nghĩ, các bạn trẻ hiện nay ít dành thời gian đọc sách, các mẩu chuyện kể về Bác. Đôi khi còn mất đi những đức tính tốt đẹp mà mình nên có. Cho nên những câu chuyện kể về Bác, những cuộc thi tuyên truyền về những đức tính tốt đẹp của Bác cũng sẽ ít nhiều để lại những bài học tốt đẹp cho các bạn”.
Ngoài những mẩu chuyện về Bác được tìm trên mạng, hay thông qua các mẫu sách trên thư viện, nhà trường rất chú trọng việc nêu gương thông qua hoạt động nêu gương trên bảng vàng, phong trào "Sao học tập" để các em thấy được tầm quan trọng của sự tự học và rèn luyện, một bài học quan trọng học tập ở Bác… Những hình thức nêu gương này tác động rất lớn đến ý thức cố gắng, rèn luyện của học sinh trong học tập, trong các mối quan hệ, biết sống chan hoà với bạn bè, biết giúp đỡ người khác, giúp đỡ các bạn có hoàn cảnh khó khăn có thêm điều kiện đến trường.
Từng rất nhiều lần là "Sao học tập" của trường, em Văn Minh Lến, lớp 12A1, cho biết: “Em rất thích phong trào học tập theo Bác vì phong trào này được nhà trường cụ thể hoá thành những hành động rất thiết thực và lợi ích. Bản thân em luôn đạt thành tích tốt trong học tập nhờ phần rất lớn vào quá trình tự học, tự rèn luyện. Đây là một trong những điều các thầy cô luôn nhắc đến khi kể chuyện về Bác”.
Đối với đội ngũ giáo viên, học Bác là một trong những động lực để các thầy cô tìm tòi, học hỏi không ngừng. Mỗi hoạt động, mỗi câu chuyện kể cho học sinh nghe cũng chính là một lần các thầy cô có thêm bài học quý giá. Không chỉ lồng ghép ở môn học, hiện nay các giáo viên chủ nhiệm còn phụ trách môn ngoài giờ lên lớp. Trong môn ngoài giờ lên lớp giáo viên chủ nhiệm có một quyển sách là Bác Hồ và những câu chuyện đạo đức". Quyển sách này dành cho cả 3 khối, mỗi tiết học ngoại khoá sẽ có một câu chuyện về Bác được giáo viên kể và học sinh sẽ rút ra bài học từ câu chuyện đó.
Cô Lê Thị Hằng, giáo viên dạy môn Lịch sử, cho biết: “Lợi thế của mình là giảng dạy môn Lịch sử nên rất dễ lồng ghép các mẫu chuyện về Bác vào các bài dạy lịch sử. Đối với bản thân mình phải học tập và rèn luyện để có ý thức và hành động đúng đắn thì mới là tấm gương để tuyên truyền đến học sinh của mình”.
Thầy Phạm Việt Hưng, Bí thư Chi bộ, Phó hiệu trưởng trường THPT Đầm Dơi, cho hay: “Từ khi triển khai đến nay, phong trào học tập theo Bác đã tác động lớn đến ý thức và hành động hàng ngày của đội ngũ giáo viên cũng như các em học sinh. Quan niệm của nhà trường là học Bác không phải là việc gì đó xa xôi mà chính là những công việc hàng ngày như giúp đỡ bạn bè, đoàn kết gắn bó, yêu thương, hỗ trợ nhau trong học tập, trong sinh hoạt…”./.
Kim Chi