(CMO) Không còn bao lâu nữa sẽ bước vào năm học mới. Trở lại mái trường, được gặp thầy cô giáo, bạn bè là niềm vui của các em nhỏ. Nhưng đối với những trẻ em nghèo, hoàn cảnh khó khăn có lẽ sẽ là một mùa bắt đầu những nỗi lo toan.
Ngày hè của trẻ em nghèo vùng quê
Sống trong căn nhà trọ nhỏ, sức khoẻ không ổn định nên 2 mẹ con em Trần Quế Trân, xã Khánh Hội, huyện U Minh phải chật vật bươn chải bằng nghề giặt quần áo mướn và đi lượm ve chai. Trân kể: “Trên đường đến trường, chỗ nào có ve chai thì con để ý, khi tan học thì hai mẹ con đến lượm”. Còn ngày hè, không có điều kiện vui chơi hay học thêm, 2 mẹ con em cũng quanh quẩn mưu sinh nhờ vào công việc thu nhập ít ỏi này.
Em Nguyễn Loan Anh, Ấp 8, xã Khánh Hội, huyện U Minh, mồ côi cha mẹ và sống cùng cậu mợ từ nhỏ. |
Nhà nghèo, không có nghề nghiệp ổn định nhưng mẹ Trân vẫn cố gắng cho em đến trường. Căn phòng trọ chẳng món đồ đạc gì có giá trị. Chỉ có đống ve chai ít ỏi được gom cẩn thận vào bao để trong góc nhà. Gương mặt ngây thơ, có vẻ em cũng chưa hiểu được những nỗi khó nhọc trên hành trình mưu sinh của 2 mẹ con. Trân cho hay: “Năm nay con vào lớp 4. Ngày hè con phụ mẹ đi lụm ve chai. Ngày nào mẹ khoẻ thì đi lượm ở xa. Để dành đủ tiền vô học mẹ mua quần áo mới cho con”. Tuy không được vui chơi như những đứa trẻ có điều kiện khác nhưng cô học trò nghèo vẫn vui vẻ, thấy những ngày hè của mình thật bổ ích vì được cùng mẹ rong ruổi kiếm từng đồng tiền trên các nẻo đường.
Không phải bươn chải kiếm sống qua ngày như Trân nhưng với Loan Anh (Nguyễn Loan Anh, Ấp 8, xã Khánh Hội) cũng không mấy phần may mắn. Loan Anh là cô gái nhỏ mồ côi cha mẹ, sống cùng bà ngoại và cậu mợ từ nhỏ. Tuổi thơ thiếu thốn cả tình thương gia đình và vật chất, song em luôn cố gắng nỗ lực trong học tập. Nhiều năm liền em đều là học sinh ngoan, có thành tích học tập khá của trường.
Không giống như nhiều trẻ em thành thị được đi học tiếng Anh, học các lớp năng khiếu như vẽ, ca hát, đến những khu vui chơi…, trẻ em nghèo vùng nông thôn như Loan Anh bắt đầu những ngày hè thật đơn giản. Loan Anh cho hay: “Em dành thời gian phụ giúp công việc nhà cùng mợ, lúc thư thả em tìm sách vở cũ để đọc lại, chuẩn bị cho năm học mới tốt hơn”. Ngoài ra, những trò chơi trẻ con ở vùng quê như trốn tìm, thẩy đá… không còn xa lạ gì nữa đối với mấy chị em Loan Anh.
Dáng người nhỏ nhắn rất nhiều so với cái tuổi 13 nhưng đôi mắt luôn sáng ngời và trong trẻo, cô học trò nhỏ chỉ nói về những ước muốn tươi đẹp: “Con ước mơ được đi học để sau này được làm cô giáo”.
Ước mơ vào năm học mới
Năm nay Loan Anh vào lớp 6, cũng giống như Trân, hy vọng những gánh nặng mưu sinh của một gia đình nghèo sẽ là động lực giúp các em có thêm ý chí, nghị lực thực hiện được mơ ước. Căn nhà đang sửa lại còn dang dở, một bên là đứa cháu sắp vào lớp 6, bên là đứa con sắp vào mẫu giáo, chị Lư Thị Loan, mợ của Loan Anh, bộc bạch: “Vào năm học mới, các cháu được bà con thương cho bộ sách, ít tiền tôi mừng lắm. Năm nào không được hỗ trợ thì cũng phải ráng lo cho tụi nhỏ đi học”.
Những bộ sách giáo khoa, quần áo không còn tươi mới, mỗi khi vào năm học mới ai cho gì tận dụng được là sử dụng. Học sinh nghèo vùng quê là như thế. Chỉ mong sao có được tấm áo lành lặn đến trường.
Chợt nhớ lời nói của bé Loan Anh: “Cậu con chưa đủ tiền mua tập. Năm nay con lên lớp 6 là chuyển cấp nên không mặc lại được quần áo cũ. Mợ nói cậu đi làm dành đủ tiền sẽ mua quần áo mới cho con đi học”.
Vậy là năm học mới lại sắp bắt đầu. Đối với những gia đình có điều kiện, có lẽ sẽ chuẩn bị tươm tất để các em được đón chào năm học mới. Nhưng đâu đó với những học sinh nghèo thì vẫn còn nhiều nỗi lo toan, không biết năm học mới này các em có được đến trường hay không.
Chị Nguyễn Việt Trinh, Huyện đoàn U Minh, cho hay: “Mỗi năm khoảng giữa tháng 7 đến khi vào học, đơn vị sẽ có chương trình tiếp sức đến trường. Mong các tổ chức, cá nhân có tấm lòng chia sẻ có thể hỗ trợ các em về dụng cụ học tập, tập, sách giáo khoa, xe đạp, quần áo… để các em học sinh nghèo, hoàn cảnh khó khăn có thêm điều kiện tiếp tục thực hiện ước mơ đến trường”./.
An Kỳ