(CMO) Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu HÐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đã được ấn định là Chủ nhật, ngày 23/5/2021. Hội đồng bầu cử quốc gia tổ chức biên soạn cuốn sách “Hỏi - đáp về bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu HÐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026”. Báo Cà Mau xin trích đăng những câu hỏi, đáp về bầu cử Quốc hội và HÐND các cấp để cử tri tìm hiểu, nắm bắt.
Hỏi: Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu HÐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 có ý nghĩa chính trị như thế nào?
Trả lời: Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HÐND là một trong những quyền chính trị cơ bản của công dân đã được Hiến pháp ghi nhận. Bầu cử là phương thức thể hiện ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (XHCN) nói chung và thành lập cơ quan quyền lực Nhà nước ở Trung ương và địa phương nói riêng.
Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu HÐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 được tổ chức cùng một ngày trên phạm vi cả nước. Ðây là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, diễn ra sau thành công của Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Ðảng, gắn liền với công tác cán bộ, liên quan đến trách nhiệm của các cấp, các ngành; là nơi để cử tri phát huy quyền làm chủ của công dân, lựa chọn bầu ra những người tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của mình trong Quốc hội và HÐND các cấp nhiệm kỳ mới, góp phần tích cực vào việc xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam.
Hỏi: Ðại biểu Quốc hội, đại biểu HÐND phải đáp ứng những tiêu chuẩn gì?
Trả lời: Ðại biểu Quốc hội phải đáp ứng các tiêu chuẩn được quy định tại Ðiều 22 của Luật Tổ chức Quốc hội, đại biểu HÐND phải đáp ứng các tiêu chuẩn được quy định Ðiều 7 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Ðó là:
Trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam.
Có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
Có trình độ văn hoá, chuyên môn, có đủ năng lực, sức khoẻ, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ.
Liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến của Nhân dân, được Nhân dân tín nhiệm.
Có điều kiện tham gia hoạt động của Quốc hội, HÐND.
Hỏi: Quyền bầu cử là gì? Quyền ứng cử là gì?
Trả lời: Quyền bầu cử là quyền cơ bản của công dân theo quy định của pháp luật trong việc được lựa chọn người đại biểu của mình vào cơ quan quyền lực Nhà nước. Quyền bầu cử bao gồm việc giới thiệu người ứng cử và bỏ phiếu bầu cử để lựa chọn người đại diện cho mình tại Quốc hội và HÐND các cấp.
Quyền ứng cử là quyền cơ bản của công dân khi đáp ứng đủ các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của pháp luật thì có thể thể hiện nguyện vọng của mình được ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu HÐND.
Ðiều 22 của Hiến pháp và Ðiều 2 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HÐND quy định: Tính đến ngày bầu cử được công bố, công dân nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đủ 18 tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ 21 tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, HÐND các cấp.
Thanh Phương giới thiệu
(Còn tiếp )