(CMO) Hỏi: Việc phân bổ số lượng đại biểu Quốc hội được bầu ở mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (TƯ) do cơ quan nào dự kiến và theo căn cứ nào?
Trả lời: Uỷ ban Thường vụ Quốc hội là cơ quan có thẩm quyền phân bổ số lượng đại biểu Quốc hội được bầu ở mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ. Việc phân bổ số lượng đại biểu Quốc hội được bầu ở mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ được xác định theo các căn cứ sau:
Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ có ít nhất 3 đại biểu cư trú và làm việc tại địa phương.
Số lượng đại biểu tiếp theo được tính theo số dân và đặc điểm của mỗi địa phương, bảo đảm tổng số đại biểu Quốc hội dự kiến được bầu là 500 người.
Bảo đảm mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ có ít nhất là 6 đại biểu Quốc hội.
Dự kiến phân bổ đại biểu TƯ ứng cử ở địa phương được thực hiện theo nguyên tắc sau đây:
Ðoàn đại biểu Quốc hội có 6 đại biểu thì có 2 đại biểu TƯ.
Ðoàn đại biểu Quốc hội có 7 đại biểu thì có 3 đại biểu TƯ.
Ðoàn đại biểu Quốc hội có 8 đại biểu thì có 3-4 đại biểu TƯ.
Ðoàn đại biểu Quốc hội có 9 đại biểu thì có 4 đại biểu TƯ.
Ðoàn đại biểu Quốc hội có 11-14 đại biểu thì có 5-7 đại biểu TƯ.
Ðoàn đại biểu Quốc hội có 29-30 đại biểu thì có 14-15 đại biểu TƯ.
Hỏi: Tổ chức của HÐND cấp tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026 có điểm gì mới?
Trả lời: Căn cứ quy định của Luật số 47/2019/QH14 được Quốc hội thông qua ngày 22/11/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương thì tổ chức của HÐND cấp tỉnh, nhiệm kỳ 2021-2026, có sự thay đổi so với nhiệm kỳ 2016-2021 về số lượng đại biểu HÐND, số lượng cấp phó và cơ cấu của Thường trực HÐND. Cụ thể như sau:
Về số lượng đại biểu HÐND: Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định tỉnh miền núi, vùng cao có từ 500.000 dân trở xuống được bầu 50 đại biểu; có trên 500.000 dân thì cứ thêm 50.000 dân được bầu thêm 1 đại biểu, nhưng tổng số không quá 75 đại biểu (giảm 10 đại biểu).
Tỉnh không thuộc trường hợp nêu trên có từ 1 triệu dân trở xuống được bầu 50 đại biểu; có trên 1 triệu dân thì cứ thêm 70.000 dân được bầu thêm 1 đại biểu, nhưng tổng số không quá 85 đại biểu (giảm 10 đại biểu).
Thành phố trực thuộc TƯ có từ 1 triệu dân trở xuống được bầu 50 đại biểu; có trên 1 triệu dân thì cứ thêm 60.000 dân được bầu thêm 1 đại biểu, nhưng tổng số không quá 85 đại biểu (giảm 10 đại biểu).
TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh được bầu 95 đại biểu (giảm 10 đại biểu).
Về cơ cấu Thường trực HÐND: Thường trực HÐND cấp tỉnh gồm Chủ tịch HÐND, Phó chủ tịch HÐND, các uỷ viên là trưởng ban của HÐND cấp tỉnh. Như vậy, trong cơ cấu của HÐND cấp tỉnh không có chức danh chánh văn phòng HÐND.
Về số lượng cấp phó: Trường hợp chủ tịch HÐND cấp tỉnh là đại biểu HÐND hoạt động chuyên trách thì có 1 phó chủ tịch HÐND; trường hợp chủ tịch HÐND cấp tỉnh là đại biểu HÐND hoạt động không chuyên trách thì có 2 phó chủ tịch HÐND. Phó chủ tịch HÐND cấp tỉnh là đại biểu HÐND hoạt động chuyên trách.
Thanh Phương giới thiệu
(Còn tiếp )