(CMO) Ðầm Thị Tường là địa danh gắn với lịch sử mở đất của Cà Mau. Ðây là đầm nước lợ độc nhất vô nhị của cả khu vực đồng bằng sông Cửu Long, được mệnh danh là "biển hồ" ngay giữa lòng vùng đất cực Nam Tổ quốc.
Đầm Thị Tường là vựa cá tôm nuôi nấng không biết bao nhiêu thế hệ con người, là thành luỹ chở che cho cách mạng suốt hai cuộc trường kỳ kháng chiến, là niềm tự hào, nỗi nhớ niềm thương với những ai gắn bó máu thịt. Mặc nhiên, nhiều người nghĩ rằng (và luôn nói như thế), đầm Thị Tường là địa điểm mà du khách về Cà Mau không thể bỏ qua, với muôn vàn điều kỳ thú. Thế nhưng, cả hệ sinh thái, không gian và cơ sở hạ tầng vùng xung quanh đầm Thị Tường còn rất nhiều điều phải trăn trở. Ðể hồi sinh lại đầm Thị Tường, du lịch trở thành một lựa chọn không thể phù hợp hơn.
Ðầm Thị Tường với giấc mơ lớn về phát triển du lịch. |
Nhớ tiếc một thời
“Cá tôm bây giờ còn có bao nhiêu đâu”, ông Sáu Nhờ (Huỳnh Văn Nhờ), người có mảnh đất hương hoả ven đầm Thị Tường, thuộc ấp Xẻo Ðước, xã Phú Mỹ, huyện Phú Tân, thở dài.
Theo hồi nhớ của ông Sáu Nhờ, ngày trước cá tôm ở đầm nhiều không thể tả nổi. Ông Sáu cười buồn: “Mấy loại bây giờ mà người ta kêu là đặc sản của đầm Thị Tường, trước đây có ai ăn đâu, bởi còn nhiều loại ngon hơn như cá vược, cá dứa, cá mú...”. Trước đây, dân ven đầm đánh bắt cá tôm bằng những cách truyền thống như giăng lưới, chài, dựng đăng chong đèn..., chủ yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt, thế nên chính ông Sáu Nhờ cũng đinh ninh rằng “cá tôm xứ này ăn biết đời nào cho hết”. Vậy mà ngó đi ngó lại, ông Sáu Nhờ bỗng hốt hoảng và thương tiếc đứt ruột cái ngày xưa ấy.
Ông Ba Hùng (Phan Tấn Hùng), được coi là người tiên phong làm du lịch ở đầm Thị Tường, trong nỗi niềm riêng cũng âu lo: “Hồi trước, người ta đi chài một buổi là khẳm xuồng, bây giờ thì muốn tiệt giống hết rồi”. Thả mắt ra mặt đầm mênh mông, ông Ba Hùng nói: “Mấy chỗ cặm cây, lá dừa nước là người ta nuôi sò, nuôi cá. Còn dàn ma trận lú bát quái, con lớn, con nhỏ gì cũng khó thoát. Chưa kể, có bận, người ta còn lén dùng kích điện để đánh bắt ở đây”. Là người làm du lịch, ông Ba Hùng mạnh dạn nói rằng “cách làm hiện nay chỉ tạm bợ thôi, chưa ăn thua đâu. Muốn đầm Thị Tường trở lại đúng vị thế của mình, cần nhiều thứ lắm”.
Tình trạng tận thu, tận diệt hệ sinh thái đầm Thị Tường do bức bách mưu sinh của người dân đã tác động ghê gớm, lâu dài. Theo báo cáo của UBND tỉnh Cà Mau, đầm Thị Tường tiếp giáp với ba huyện là Cái Nước, Phú Tân và Trần Văn Thời. Có hơn 150 hộ dân sống, khai thác, sử dụng đất, mặt nước đầm Thị Tường thuộc hai huyện Phú Tân và Trần Văn Thời.
Ông Nguyễn Minh Luân, Phó chủ tịch UBND tỉnh, cho rằng: “Mọi tính toán cho đầm Thị Tường đều phải gắn bó hài hoà giữa phát triển và bảo vệ, mang tính bền vững, khôi phục lại vẻ đẹp trù phú của nơi đây. Riêng du lịch, hiện nay, các hoạt động phục vụ du lịch tại khu vực đầm còn nhỏ lẻ, tự phát, chưa có tour tuyến. Nguồn lợi thuỷ hải sản, cảnh quan của đầm Thị Tường, tình trạng bồi lắng... đều là những vấn đề phải tính đến”.
Về giao thông, trước đây, về đầm Thị Tường chỉ có tuyến ô tô độc đạo từ Quốc lộ 1 về Khu căn cứ Tỉnh uỷ tại Xẻo Ðước. Dù gắn liền với nhiều lời quảng bá, giới thiệu, nhưng theo những người cố cựu ở ven đầm, làm du lịch chủ yếu là chở khách bằng xuồng, vỏ ra chòi ngoài mặt đầm ăn uống rồi trở về. Người đến vì hiếu kỳ, khi về thì thường mang theo những nuối tiếc. Vòng quanh hơn 700 ha ven đầm, đường bộ chủ yếu là lộ nông thôn, có đoạn chỉ ngang khoảng 1 m. Người dân hầu như đã lợt lạt ý nghĩ, rằng một ngày nào đó đầm Thị Tường sẽ là điểm đến du lịch đặc sắc của quê hương mình.
Cuộc sống người dân vùng đầm Thị Tường chủ yếu dựa vào khai thác nguồn lợi thuỷ hải sản, hoạt động du lịch nhỏ lẻ. |
Giấc mơ lớn
Ông Võ Trường Giang, Chủ tịch UBND huyện Phú Tân, cho rằng: “Ðể phát triển du lịch, đầm Thị Tường phải có nhà đầu tư chiến lược đủ tầm, có tâm. Với Nhân dân vùng quanh đầm, cũng phải gắn cuộc sống mình với đầm, bằng mọi cách phải tái tạo lại hệ sinh thái, không gian, khắc phục tình trạng bồi lắng...”.
Khi khảo sát thực tế, toàn diện khu vực đầm Thị Tường, ông Nguyễn Tiến Hải, Uỷ viên BCH Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HÐND tỉnh, đã khẳng định: “Ðầm Thị Tường là dự án trọng điểm phát triển du lịch của tỉnh Cà Mau, phát triển du lịch đồng thời cũng là vực dậy diện mạo kinh tế - xã hội của toàn vùng quanh đầm, là để người dân cùng làm, cùng thụ hưởng”.
Về cái nhìn toàn cục, đầm Thị Tường sẽ được cập nhật quy hoạch bảo tồn dự trữ thiên nhiên; làm rõ các phân khu chức năng (khu chức năng bảo vệ nghiêm ngặt, phục hồi sinh thái, hành chính - dịch vụ). Trên cơ sở đó, định hướng các khu vui chơi giải trí, bổ sung ý tưởng các hoạt động phát triển du lịch, loại hình vui chơi giải trí phù hợp, nhằm phát huy tiềm năng du lịch đặc thù miền sông nước của đầm Thị Tường, kết hợp phục hồi, phát triển nguồn lợi thuỷ sản tự nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái và bảo tồn đa dạng sinh học.
Các trục tuyến giao thông được nghiên cứu bổ sung định hướng kết nối giao thông đảm bảo tổ chức các hoạt động phát triển du lịch. Hiện nay, tuyến giao thông nối bờ Nam Sông Ðốc với đầm Thị Tường đã thông xe, nhưng về lâu dài, các trục - tuyến, sự liên kết giữa các khu vực quanh đầm Thị Tường đều phải được tính toán đầu tư đồng bộ, phù hợp. Ðồng thời, có phương án nạo vét, điều tiết nước kết hợp xử lý rác thải (phù hợp với điều kiện thuỷ triều) tại cửa Mỹ Bình; nghiên cứu bố trí vùng đệm ven đầm để tạo mỹ quan, đảm bảo vệ sinh môi trường.
Dự án đầm Thị Tường đang trong giai đoạn mời gọi các nhà đầu tư, kỳ vọng rất lớn, như lời ông Nguyễn Trường Sơn, Phó chủ tịch UBND xã Phú Mỹ: “Nếu được đầu tư đúng tầm, đầm Thị Tường sẽ là điểm du lịch có sức hút lớn của Cà Mau, bởi ngoài vẻ đẹp tự nhiên, đây còn là căn cứ địa cách mạng với các di tích lịch sử - văn hoá. Bà con ven đầm cũng đã xây dựng được vùng đệm vườn cây trái, nếu tính toán thành điểm đến du lịch sinh thái, homestay thì rất thích hợp. Du lịch được coi là hy vọng lớn của địa phương, mục tiêu là để cho người dân hưởng lợi”.
Trong tính toán, đầm Thị Tường sẽ là điểm đến du lịch của nhiều loại hình, sản phẩm, trong đó chiến lược là du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái - trải nghiệm, du lịch homestay... Du lịch phải đảm bảo đồng thời việc bảo tồn, tái tạo hệ sinh thái đầm Thị Tường. Ðiều quan trọng nữa là làm sao để người dân hiểu, đồng thuận với chủ trương này, cùng làm, cùng hưởng lợi. Những người chủ của đầm Thị Tường phải là người đầu tiên và là người quyết định tương lai của “biển hồ” Cà Mau.
Hồi sinh đầm Thị Tường - giấc mơ lớn sẽ trở thành hiện thực!
Phạm Hải Nguyên