(CMO) Cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn, trang thiết bị dạy học thiếu, việc đầu tư sửa chữa chỉ mang tính nhất thời, chưa đáp ứng được nhu cầu lâu dài; khó khăn bố trí việc làm cho đội ngũ giáo viên thuộc diện dôi dư sau khi sắp xếp trường lớp… là những ghi nhận của Ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh trong buổi khảo sát về kết quả thực hiện chủ trương sắp xếp trường lớp, giáo viên trên địa bàn huyện Thới Bình vào ngày 10/5.
Đoàn giám sát Ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh đã khảo sát các trường mầm non, tiểu học và THCS trên địa bàn 2 xã: Tân Lộc và Hồ Thị Kỷ. (Trong ảnh: Đoàn khảo sát trường THCS Tân Lợi, xã Hồ Thị Kỷ). |
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Hiệu trưởng trường Tiểu học Tân Lộc, trăn trở: “Toàn trường hiện có 11 phòng học nhưng đến 18 lớp, buộc nhà trường phải sắp xếp thời khoá biểu xen kẽ các lớp. Ngoài ra, hiện nay diện tích phòng học rất nhỏ, không đúng quy cách, bàn ghế sắp xếp trong lớp rất chặt, hầu hết đều kéo đến bục giảng. Rất khó cho hoạt động học tập trong lớp. Nhà xe và nhà vệ sinh thì quá tải. Trường đề xuất thêm 15 phòng học thì mới đảm bảo đáp ứng được nhu cầu giảng dạy”.
Tình trạng phòng học không đúng quy cách, quá tải ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục (Ảnh chụp tại trường Tiểu học Tân Lộc, xã Tân Lộc). |
Về vấn đề sắp xếp giáo viên dôi dư, nhiều trường cũng bày tỏ sự trăn trở. Ông Lê Hoàng Ẩn, Hiệu trưởng trường THCS Tân Lợi (xã Hồ Thị Kỷ) cho biết: “Trong lần sắp xếp trường lớp, giáo viên vừa qua, trường dôi dư 4 giáo viên, đã điều chuyển đi 2 giáo viên, sắp xếp vị trí mới cho 2 giáo viên là quản lý thiết bị và y tế. Do không đúng chuyên môn nên công tác của những giáo viên này cũng còn hạn chế. Cần có phương án mở các lớp bồi dưỡng cho những giáo viên này để bồi dưỡng chuyên môn”.
Ông Nguyễn Văn Các, Hiệu trưởng trường THCS Tân Lộc, cho hay: “Với những giáo viên dôi dư, trường đã vận động 3 giáo viên qua làm vị trí nhân viên văn thư, y tế học đường…nhưng do không phù hợp vị trí, mất nhiều khoản phụ cấp rất thiệt cho giáo viên”.
“Lộ trình sắp xếp đến năm 2020 cấp TH và THCS sẽ không còn điểm lẻ. Phòng GD&ĐT đã xin tách 17 lớp nhưng chỉ cho tách 2 lớp nên nhiều trường còn tồn tại tình trạng lớp 45 học sinh. Kiến nghị cần có văn bản chỉ đạo tổng thể toàn tỉnh về thực trạng phòng học và bố trí học sinh cho phù hợp”, ông Nguyễn Thanh Hận, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thới Bình cho biết.
Bà Ngô Ngọc Khuê, Trưởng Ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh, cho rằng: “Đối với những lớp mầm non phải học ghép trường Tiểu học nếu không thể gộp thì phòng GD&ĐT xem xét đầu tư trang thiết bị để đảm bảo công tác giảng dạy. Những khó khăn, hạn chế còn tồn tại về cơ sở vật chất và sắp xếp giáo viên dôi dư, Ban sẽ sớm báo cáo và đề xuất, từng bước tháo gỡ khó khăn chung”./.
Kim Chi