(CMO) Khoa học xã hội - môn thi cuối cùng của kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 có 5.109 thí sinh dự thi, với 218 phòng thi, vắng 76 thí sinh, đạt 99,47%. Duy nhất tại điểm thi CO2 trường THPT Hồ Thị Kỷ không có thí sinh dự thi môn này; điểm thi THCS Võ Thị Sáu các thí sinh không đăng ký thi môn GDCD.
Tại điểm thi C08, thi xong môn thi cuối cùng tổ hợp môn Khoa học xã hội gồm Lịch sử, Địa lý, Giáo dục Công dân của kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, mỗi môn gồm 40 câu theo hình thức trắc nghiệm thi trong vòng 50 phút, đa số thí sinh nhận xét đề thi năm nay vừa sức, câu hỏi được sắp xếp từ dễ tới khó, riêng môn Lịch sử làm khó nhiều thí sinh, một số câu mở gắn với yêu cầu vận dụng kiến thức thực tiễn.
Em Đặng Thị Oanh, học sinh lớp 12C4, trường THPT U Minh, vui vẻ nói: “Đề thi khá là vừa sức, dễ làm đối với học sinh. Hầu hết chúng em đều làm đủ thời gian. Em thấy môn Sử là khó nhất, còn Địa Lý và Giáo dục công dân dễ làm bài. Riêng môn Địa Lý vận dụng nhiều kiến thức trong Atlat nên chúng em dễ dàng có đáp án đúng. Em tự tin mình được 8 điểm”.
Vận dụng tốt Atlat, nhiều thí sinh tự tin đạt điểm cao môn Địa lý. Ảnh: Thảo Mơ |
Còn em Lư Nhựt Đoàn, học sinh lớp 12C3, trường THPT Khánh Lâm, lo lắng: “Môn Lịch sử đưa ra nhiều đáp án gần giống nhau nên khó phân biệt. chia đều kiến thức ở các giai đoạn đòi hỏi mình phải ôn tập kỹ, nhất là các kiến thức giai đoạn 1945-1975. Có một số câu hỏi khó ở chiến tranh lạnh và chiến tranh đặc biệt em không làm được. Em nghĩ mình được khoảng 6 điểm”.
Thầy Trần Xuân Đức, giáo viên dạy Sử trường THPT Khánh Lâm, cho rằng: “Đề Sử năm nay độ phân hoá cao, không thiên về lý thuyết suông mà đòi hỏi thí sinh phải đi sâu tìm hiểu, phân tích vấn đề. Đề thi có những câu thuộc dạng nâng cao nhưng mức độ cũng thuộc dạng vừa phải, không quá khó. Trong đó, có 2 câu dễ gây nhầm lẫn đối với thí sinh. Với đề thi Sử năm nay, các em dễ dàng lấy được điểm 6, còn điểm khá giỏi thì sẽ không nhiều vì thí sinh dễ nhầm lẫn các đáp án”.
Tại điểm thi C12, THPT Đầm Dơi có 15 thí sinh đăng kí dự thi tổ hợp Khoa học xã hội, còn tại điểm thi C13, THPT Thái Thanh Hoà có 445 (100%) thí sinh đăng kí.
Kết thúc buổi thi, các thí sinh đều “thở phào nhẹ nhõm”. Em Hồ Thuý Vy, trường THPT Đầm Dơi, cho biết: em thấy đề thi môn GDCD năm nay rất dễ, khả năng làm được hơn 70%. Thời tiết nóng nực làm em cảm thấy hơi căng thẳng.
Em Lê Ngọc Thật, trường THPT Thái Thanh Hoà chia sẻ: em tự tin với môn GDCD nhất, môn Sử chắc chỉ đúng được tầm 50%.
Thầy Trương Mạnh, giáo viên dạy môn Lịch sử, trường THPT Thái Thanh Hoà, thông tin: điểm thi sẽ dao động trong khoảng 5-6 là nhiều. Đề Sử bám sát chương trình, có sự phân hoá, nhưng có nhiều câu hỏi cũng mang tính chất “gây nhiễu” thí sinh.
Thầy Trần Minh Trực, giáo viên dạy môn GDCD trường THPT Đầm Dơi, chia sẻ: Đề thi GDCD năm nay có tính phân hoá cao. Nếu ôn tập kỹ học sinh trung bình có thể dễ dàng làm được từ 50-60%.
Các em thí sinh trao đổi với giáo viên bộ môn của mình về đáp án. Ảnh: Thảo Linh |
Tại điểm thi C05 Trường THCS-THPT Lý Văn Lâm có 737 đăng ký dự thi tổ hợp môn Khoa học xã hội, có 3 thí sinh vắng.
Đa số thí sinh ở điểm thi này đều phấn khởi khi bước ra khỏi phòng vì đề thi 3 môn tổ hợp tương đối "dễ thở" so với các môn thi trước đó.
Thí sinh tại điểm thi THCS-THPT Lý Văn Lâm phấn khởi vì đề thi "dễ thở". Ảnh: Hằng My. |
Em Hứa Phương Thuỳ, trường THPT Cà Mau, phấn khởi: "Môn GDCD em tự tin khoảng 70% trả lời đúng. Dù là môn thi cuối, em vẫn không gặp lúng túng, áp lực vì đề thi "dễ thở". Chỉ có môn Lịch sử đề hơi dài và nhiều câu có kiến thức mở nhưng em vẫn hoàn thành tốt".
Em Nguyễn Chí Thức, học sinh trường THPT Tắc Vân, cũng cho rằng: "Đề khá ổn nên em tự tin khoảng trên 60%. Nếu để thi tốt nghiệp thì các em dễ dàng vượt qua 5 điểm nhưng để lấy điểm xét Đại học, Cao đẳng thì em phải vận dụng nhiều kiến thức vì câu hỏi có sự liên hệ giữa chương trình lớp 11 và lớp 12".
Tại điểm thi, mọi công tác thi đã được diễn ra an toàn, nghiêm túc cho đến hết môn thi cuối cùng.
Nhóm Phóng viên