(CMO) Trong 6 tháng đầu năm, ngành du lịch Cà Mau đón gần 800.000 lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghỉ dưỡng tại các cơ sở dịch vụ nhà hàng, khách sạn, các điểm di tích, danh lam thắng cảnh, đặc biệt là Khu Du lịch Đất Mũi và rừng tràm U Minh Hạ.
Tổ chức thành công nhiều sự kiện
Nửa đầu năm nay, du lịch Cà Mau có nhiều khởi sắc. Theo ông Tiêu Minh Tiên, Phó giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL), lượng du khách đến với Cà Mau nhiều nhất là trong dịp Tết, lễ 30/4, hè. Đây là tín hiệu khả quan đối với ngành du lịch tỉnh. Trong bối cảnh thích ứng với dịch Covid-19, ngành du lịch đã nỗ lực quảng bá hình ảnh vùng đất và con người Cà Mau thông qua các kênh truyền thông báo, đài, trang Web du lịch Cà Mau và các trang mạng xã hội (Facebook, Fanpage “Du lịch Mũi Cà Mau”); Cổng thông tin du lịch Cà Mau (ứng dụng công nghệ số hỗ trợ khách du lịch; hỗ trợ các hộ du lịch cộng đồng… cũng như việc chuyển đổi số các điểm du lịch trọng điểm trên địa bàn), đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ du lịch của địa phương.
Để thực hiện nhiệm vụ phục hồi, phát triển du lịch trong điều kiện bình thường mới, ngành du lịch đã phối hợp với các ngành, địa phương tổ chức thành công các sự kiện trong Chương trình “Cà Mau - Điểm đến 2022” như: Lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc, Lễ hội Tri ân Quốc Tổ, Ngày hội Bánh dân gian Nam Bộ, sự kiện “Hương rừng U Minh” và một số hoạt động gắn kết sự kiện “Cà Mau - Điểm đến năm 2022” như: tổ chức không gian văn hoá nghệ thuật; tổ chức đoàn Famtrip với gần 40 phóng viên tham gia khảo sát điểm đến du lịch Cà Mau... Các hoạt động đã mang lại hiệu ứng tích cực, thu hút đông đảo người dân địa phương cùng du khách trong, ngoài tỉnh tham gia; các phóng viên báo, đài đưa tin quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh du lịch của tỉnh. Đồng thời, qua đó còn góp phần bảo tồn những nét văn hoá đặc trưng về con người, vùng đất Cà Mau...
Hoạt động đi bộ xuyên rừng trong chuỗi sự kiện “Hương rừng U Minh” vừa qua thu hút nhiều du khách trong và ngoài tỉnh tham gia. |
Nâng cao chất lượng phục vụ
Để khôi phục hoạt động du lịch sau ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngành du lịch Cà Mau cũng như các nhà du lịch, cơ sở kinh doanh nhà hàng, khách sạn… đã tung ra nhiều chương trình kích cầu để thu hút khách du lịch.
Ông Trần Xuân Trường, Trưởng phòng Quản lý du lịch, Sở VH-TT&DL, cho biết, các doanh nghiệp du lịch đã chủ động làm mới, nâng cao chất lượng dịch vụ, tung ra những gói sản phẩm mới với giá ưu đãi kích thích nhu cầu du lịch của người dân, du khách. Bên cạnh đó, Sở VH-TT&DL tăng cường hỗ trợ phát triển doanh nghiệp ngành du lịch trên toàn tỉnh, đặc biệt là các cơ sở lưu trú nhằm duy trì tiêu chuẩn đã được công nhận, xếp hạng và đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch. Các cơ sở kinh doanh lưu trú, các khu, điểm du lịch tăng cường trang thiết bị; đẩy mạnh xây dựng phát triển sản phẩm, không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ, tinh thần trách nhiệm và văn hoá giao tiếp để phục vụ tốt khách du lịch.
Công tác quản lý Nhà nước về du lịch tiếp tục được duy trì, trong 6 tháng đầu năm đã tổ chức kiểm tra, công nhận 1 cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch. Hiện tại, tỉnh có 83 cơ sở lưu trú du lịch với 2.650 phòng (trong đó có 17 cơ sở được thẩm định xếp hạng từ 1-5 sao với 942 phòng và 41 cơ sở được công nhận đủ điều kiện phục vụ khách du lịch với 938 phòng). Toàn tỉnh có 23 khu, điểm và hộ du lịch cộng đồng, 2 khu được công nhận là khu du lịch cấp tỉnh; 1 điểm tham quan Khu Di tích lịch sử quốc gia hòn Đá Bạc. Tỉnh có 11 đơn vị hoạt động kinh doanh lữ hành (trong đó có 8 công ty lữ hành nội địa đã được cấp giấy phép kinh doanh; 1 văn phòng đại diện của Công ty Du lịch Bến Thành; 2 chi nhánh của công ty du lịch khác). Ngoài ra, ngành tăng cường phối hợp với các địa phương trong tỉnh tiếp tục đầu tư, hỗ trợ phát triển làng nghề truyền thống, mở rộng dịch vụ ăn uống, mua sắm phục vụ khách tham quan du lịch. Trên địa bàn tỉnh có hệ thống trung tâm mua sắm, khu vui chơi giải trí tại TP Cà Mau, 1 điểm dừng chân và 12 điểm bán hàng đặc sản Cà Mau, cơ bản đáp ứng nhu cầu phục vụ du khách.
Du khách trải nghiệm chụp đìa bắt cá ở rừng U Minh Hạ. |
Hướng đến 1,2 triệu lượt khách
Ông Trần Xuân Trường cho biết thêm, với đà phục hồi và phát triển du lịch như hiện nay, ngành du lịch Cà Mau phấn đấu đến cuối năm đạt 1,2 triệu lượt khách (tăng 78% so với cùng kỳ năm 2021), trong đó khách quốc tế 2.000 lượt, tổng doanh thu đạt 1.500 tỷ đồng; công suất sử dụng phòng đạt 60%... “Con số này rất khả quan, vì từ đây đến cuối năm còn nhiều sự kiện văn hoá, thể thao và du lịch hấp dẫn nằm trong các hoạt động chuỗi sự kiện “Cà Mau - Điểm đến 2022” như: tập trung thực hiện phục hồi du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, tổ chức nhiều hoạt động kích cầu thu hút khách du lịch, nhất là trong các dịp lễ 2/9, Ngày hội Cua Cà Mau, Ngày hội ẩm thực Đất Mũi, Chương trình cầu truyền hình Lễ Thượng cờ thống nhất non sông; Giải Đất Mũi Marathon "Kết nối đường Hồ Chí Minh huyền thoại"…”, ông Trường tin tưởng.
Du lịch Cà Mau phấn đấu đến cuối năm đạt 1,2 triệu lượt khách, tổng doanh thu đạt 1.500 tỷ đồng.
Ngành du lịch Cà Mau cũng đã và đang thực hiện và phát huy hiệu quả các chương trình ký kết hợp tác trong lĩnh vực quản lý Nhà nước, quảng bá xúc tiến du lịch với một số tỉnh trong cụm liên kết, như: Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam - VITM Hanoi 2022; Ngày hội Du lịch TP Hồ Chí Minh lần 18; Hội nghị triển khai Kế hoạch phối hợp thực hiện chương trình liên kết, hợp tác phát triển du lịch TP Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành ĐBSCL năm 2022 (tại Bạc Liêu); chuỗi các sự kiện tại Diễn đàn Kết nối du lịch giữa TP Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành ĐBSCL lần 2 (tại Đồng Tháp)...
Bên cạnh đó, ngành du lịch Cà Mau cùng với ngành du lịch Ninh Bình, Bạc Liêu ký kết chương trình hợp tác phát triển giai đoạn 2022-2025, trong đó đã xác định nhiều nội dung hợp tác phát triển du lịch. Qua đó, góp phần triển khai mở cửa lại hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh theo hướng kết nối, phát triển cùng với các tỉnh, thành trong cả nước để thu hút khách du lịch trong thời gian tới./.
Huỳnh Lâm