ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 3-5-25 13:57:18
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Khắc khoải đồng đội ơi!

Báo Cà Mau (CMO) Có những mất mát đau thương đã bật thành lời thơ, ý nhạc. Ðó cũng là tiếng lòng của những người đồng đội dành cho đồng đội mình.

“Tôi gọi mãi sao đồng đội không thưa. Mà mưa cứ rơi, gió cứ gào cứ thét. Mà cứ thẳng hàng ngang hàng dọc. Hết giặc rồi sao không dậy mà vui...”. Cách đây mấy năm, tình cờ tôi được nghe những câu hát này ở loa truyền thanh trên đường. Hình như đó là dịp tri ân các anh hùng liệt sĩ. Tự nhiên thấy lòng xốn xang, se thắt.

Về nhà mở mạng tìm hiểu được biết, đó là bài "Ðồng đội ơi", thơ của Trương Vĩnh Tuấn, nhạc Nguyễn Giang. Cả hai đều là những người lính, từng tham gia chiến đấu trên chiến trường miền Trung - Tây Nguyên đạn bom ác liệt ngày nào. Hoà bình, họ may mắn còn sống trở về, thế nhưng lòng vẫn đau đáu nỗi nhớ thương những người đồng đội thân yêu đã mãi ra đi vì đất nước.

Có sở trường về chữ nghĩa, Trương Vĩnh Tuấn đã bày tỏ nỗi niềm qua những câu thơ. Còn Nguyễn Giang, một lần tình cờ bắt gặp những tâm tình ấy, cứ ngỡ đó là lời lẽ viết cho mình, nói hộ lòng mình nên lập tức phổ nhạc bài thơ. Cây nhang thắp lên vái lạy đồng đội vừa tàn, khói hương còn bảng lảng thì bài hát đã hoàn thành. Và có lẽ, vì nói được nỗi đau thương mất mát của những người lính bước ra từ cuộc chiến mà bài hát nhanh chóng lan truyền rộng rãi trong các cựu chiến binh trên khắp mọi miền đất nước.

Tôi nhiều lần nghe đi nghe lại bài hát mà cảm xúc vẫn trào dâng. Tiếng gọi “Ðồng đội ơi” cứ cất lên thiết tha, da diết. Cùng với đó là điệp khúc “Tôi gọi mãi” vang trong vô vọng, nghe cứa lòng, trĩu nặng. “Tôi gọi mãi sao đồng đội không thưa”; “Tôi gọi mãi sao không ai trả lời”... Không gian thì “Lạnh trắng một màu cắt da cắt thịt”. “Tổ quốc sum vầy các anh đâu hết. Cứ vô tình hay rong hay chơi?”. Có lẽ tác giả cũng nát lòng khi dùng câu trách yêu thương “Cứ vô tình hay rong hay chơi?”. Trách mà trái tim thì đau, mắt thì ràn rụa nước.

Tổ quốc đã trải qua bao mất mát đau thương bởi chiến tranh, vì vậy hơn ai hết, những người lính còn may mắn trở về càng thấm thía giá trị của hoà bình. Và họ càng không thể quên đồng đội mình, những người đồng cam cộng khổ, đối đầu với bom đạn, hiểm nguy, thậm chí dành phần hy sinh để cho mình được sống. Vì vậy họ cư xử có nghĩa, có tình, có nhân cách, thuỷ chung. “Ðồng đội ơi! Dù năm tháng không nguôi. Xin hãy để cho tôi được khóc. Với những ngôi mộ có tên không tên hàng ngang hàng dọc. Vì chúng tôi là đồng đội của nhau”. Từng câu, từng lời bài hát cứ như xoáy vào lòng người, đan kết thành nỗi xót xa, khắc khoải.

Những ngày tháng 4 lịch sử vừa qua, tôi may mắn có dịp tới Quảng Trị, nơi được mệnh danh là vùng đất lửa với sự khốc liệt nhất trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Nơi dù nằm ở khúc eo miền Trung, diện tích không lớn lắm nhưng có tới 72 nghĩa trang liệt sĩ, trong đó có đến 2 nghĩa trang liệt sĩ tầm cỡ quốc gia, là Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn và Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Ðường 9, với hơn 20 ngàn ngôi mộ của các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì độc lập, tự do, vì sự tồn vong của Tổ quốc, được quy tập về yên nghỉ nơi này. Rồi còn cầu Hiền Lương, Thành cổ Quảng Trị, dòng sông Thạch Hãn… mỗi địa danh đều in đậm dấu tích đạn bom và nỗi mất mát đau thương của hàng vạn chiến sĩ, đồng bào.

Dòng sông Thạch Hãn - Nghĩa trang không bia mộ, nơi rất nhiều chiến sĩ hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ Thành cổ Quảng Trị “Mùa hè đỏ lửa” năm 1972. Ảnh: NP

Hôm đến viếng Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, bỗng lặng người trong xúc động. Cả khu vực xa tít, mênh mông với hơn 10 ngàn ngôi mộ “có tên không tên hàng ngang hàng dọc” trắng xoá một màu! Rải rác khắp nghĩa trang, thấp thoáng nhiều cựu chiến binh trong màu áo lính. Có tiếng khấn vái rì rầm, có những cánh tay quệt ngang đôi dòng nước mắt. Chợt trong đầu, thanh âm bài hát ấy lại vang lên: “... Ðồng đội ơi! Chiều trắng xoá những linh hồn trắng. Mây trắng bay và bướm trắng chập chờn. Hương khói trắng, lòng ta trắng lặng. Ðồng đội ơi, chớp bể mưa nguồn!”. Cứ cảm giác cả bài hát ấy là cho nơi đây và những đồng đội này. Lòng rưng rưng, thổn thức...

Các cựu chiến binh bùi ngùi thắp nhang tưởng nhớ đồng đội ở Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn. Ảnh: Thanh Chi

 

Có một điều thêm cảm kích khi tìm hiểu về bài hát "Ðồng đội ơi" nữa là, một lần bắt gặp được bài hát này, cựu chiến binh Lê Bá Dương, người luôn nặng lòng với đồng đội và có những câu thơ làm tan chảy lòng người: “Ðò lên Thạch Hãn, ơi... chèo nhẹ/Ðáy sông còn đó bạn tôi nằm/Có tuổi đôi mươi thành sóng nước/Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm”, người mà tháng 7 hàng năm lại kết bè thả hoa tưởng nhớ những đồng đội đã hy sinh trên dòng sông Thạch Hãn, đã tìm gặp Nhà thơ Trương Vĩnh Tuấn. Và họ cùng mang bài hát ấy lên đầu nguồn sông Thạch Hãn thả xuống, như nén nhang lòng để tưởng nhớ những đồng đội không mộ trên dòng sông.

Những nhạc sĩ, nhà thơ là người lính như Nguyễn Giang, Trương Vĩnh Tuấn, Lê Bá Dương... từ chỗ không quen biết, nhưng cùng một nỗi niềm mà xích lại gần nhau. Các ông đã dùng thơ, dùng nhạc để cất lên tiếng lòng gởi nỗi nhớ thương về đồng đội. Và chắc ở nơi “chớp bể, mưa nguồn”, phiêu diêu vạn nẻo, linh hồn đồng đội cũng ấm áp đôi phần.

Một chút tâm tình, như nén hương lòng thành kính anh linh các anh hùng liệt sĩ trong những ngày tri ân tháng 7./.

 

Trang Thăm

 

Món quà ký ức

Trong căn nhà đơn sơ trên đường Lý Văn Lâm (Phường 1, TP Cà Mau), cựu chiến binh (CCB) Lâm Anh Lữ cầm trên tay cuốn “Kỷ yếu Ban Liên lạc Thị đội Cà Mau và Huyện đội Châu Thành” vừa in xong, mắt ánh lên niềm vui và xúc động: “Cuối cùng thì cũng hoàn thành. Mừng lắm!”. Gương mặt rạng ngời, tay ông run run lật từng trang sách còn thơm nồng mùi giấy mới...

Nhớ ngày tiếp quản Cà Mau

Ngày 30/4, ngày lịch sử trọng đại của dân tộc, ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam khỏi ách thống trị của bọn xâm lược và bè lũ tay sai, ngày mà triệu triệu người Việt Nam vỡ oà hạnh phúc.

50 năm - Bản hùng ca bất diệt

“Đại thắng mùa xuân năm 1975 là bản anh hùng ca bất diệt, là chiến công vĩ đại nhất trong lịch sử hào hùng dựng nước và giữ nước của dân tộc ta dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Chiến thắng đó đã chấm dứt hơn 100 năm đô hộ, xâm lược của chủ nghĩa thực dân, đế quốc”, đồng chí Nguyễn Hồ Hải - Bí thư Tỉnh Uỷ nêu tại buổi Họp mặt Kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ngày 26/4.

Học sinh miền Nam đặc biệt

Trong ký ức của các thế hệ học sinh miền Nam (HSMN) tập kết ra Bắc, luôn có hình ảnh hai gương mặt rất đặc biệt, đó là hai chị em người da đen Irene và Monique. Trong suốt những năm tháng học tập, bạn bè chỉ biết họ được Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nuôi dưỡng, còn gốc gác cụ thể thì ít người rõ.

Tự hào lịch sử, khơi mở tương lai

Cách đây 50 năm, dưới sự lãnh đạo của Ðảng ta, cả dân tộc đã làm nên Ðại thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ðây là mốc son chói lọi của cách mạng Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh, như Văn kiện Ðại hội lần thứ IV của Ðảng (1977) tổng kết: “Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi của Nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người và đi sâu vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc”.

Ngày 30/4/1975 Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử toàn thắng

Thực hiện mệnh lệnh của bộ tư lệnh chiến dịch, đêm 29, rạng sáng 30/4/1975, các binh đoàn chủ lực trên từng hướng đồng loạt tiến công vào nội đô, đánh chiếm các mục tiêu then chốt của chiến dịch.

Nhớ ngày lịch sử vẻ vang

Năm mươi năm được sống trong độc lập tự do, hưởng hạnh phúc cùng toàn dân tộc, tôi luôn biết ơn và trân trọng những gì mà người chiến sĩ cách mạng trên mọi mặt trận đã cống hiến, hy sinh để giành lại hoà bình, ấm no hôm nay.

"Báu vật" của gia đình

Gần 30 năm qua, kể từ khi người cha thân yêu qua đời, ông Nguyễn Thanh Phong (Ba Phong), sinh năm 1951, ngụ Khóm 2, thị trấn Thới Bình, huyện Thới Bình, vẫn cất giữ cẩn thận những "báu vật" của gia đình. Ðó là những tấm huân chương quý giá do Ðảng, Nhà nước tặng thưởng cha ông - cụ Nguyễn Văn Lỳ, ghi nhận thành tích đóng góp trong sự nghiệp cách mạng, bảo vệ Tổ quốc.

Nơi nhắc nhớ, tri ân những anh hùng

Ðối với người dân ở thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển cũng như người dân Cà Mau, Di tích Bến Vàm Lũng là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống, cũng là nơi thể hiện lòng tri ân những người anh hùng hiên ngang mở đường, góp sức làm nên những chiến công hiển hách. Ðể ngày nay, trước thời khắc đón nhận Bằng xếp hạng Di tích Lịch sử Quốc gia đặc biệt Ðường Hồ Chí Minh trên biển, người dân Cà Mau hướng về đây với cảm xúc tự hào và lòng biết ơn sâu sắc.

Về nơi con tàu đầu tiên cập bến

Những ngày tháng Tư lịch sử này, giữa niềm vui chung hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, lòng người dân Rạch Gốc - Tân Ân lại rộn ràng hơn, bởi cái tin bến Vàm Lũng chuẩn bị đón nhận bằng Di tích Quốc gia đặc biệt. Với họ, những con người của vùng đất đã góp phần cùng Phan Ngọc Hiển làm nên Khởi nghĩa Hòn Khoai lịch sử năm 1940 này, ký ức một thời từng gắn bó ruột rà, máu thịt với Ðoàn 962 như sống dậy, đằm thắm yêu thương, chen lẫn tự hào.