Hiện tỉnh Cà Mau có hơn 2.900 người đang nhiễm HIV, trong đó, có 1.078 người chuyển sang AIDS. Người nhiễm hiện nay tập trung ở nhóm tuổi từ 20-29. Ðường lây nhiễm chính là quan hệ tình dục không an toàn, tỷ lệ người nhiễm nam và nữ gần bằng nhau.
Mặc dù tỉnh có nhiều nỗ lực nhưng người nhiễm HIV/AIDS ở Cà Mau vẫn chưa được khống chế, thể hiện số người phát hiện nhiễm trong năm 2015 là 181 người (trung bình mỗi tháng phát hiện 15 người nhiễm HIV). Ðến cuối năm 2015, toàn tỉnh có 99% xã, phường, thị trấn và 100% huyện, thành phố đã phát hiện có người nhiễm HIV.
Khó khăn
Ðộ bao phủ của các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh vẫn ở mức độ thấp. Bác sĩ Nguyễn Trung Nhân, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết: "Công tác phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế như sự phân biệt, kỳ thị vẫn còn. Chương trình bơm kim tiêm chỉ mới đạt từ 60-70% số đối tượng. Chương trình bao cao su chỉ mới đạt trung bình từ 50-60% số đối tượng. Riêng chương trình điều trị nghiện các chất thuốc phiện bằng Methadone thì đến đầu tháng 10/2016 mới đủ điều kiện triển khai. Kinh phí triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS vẫn còn thiếu, vì thế là sẽ có nhiều khó khăn trong giai đoạn tới".
Tuần hành hưởng ứng ngày Thế giới phòng, chống HIV/AIDS (1/12) tại TP Cà Mau. Ảnh: KHÁNH PHƯƠNG |
Chương trình cung cấp dịch vụ điều trị HIV/AIDS bằng ARV mới chỉ thực hiện được 3/9 huyện, thành phố. Triển khai dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang cũng mới thực hiện được 2/9 huyện, thành phố.
Như vậy, so với 2 mục tiêu quan trọng nhất liên quan đến HIV, tỉnh rất khó có thể đạt được trong năm 2016 là: giảm 50% số người nhiễm HIV mới do lây truyền qua đường tình dục không an toàn; phổ cập điều trị cho 70% người lớn nhiễm HIV và 95% trẻ em nhiễm HIV đủ tiêu chuẩn điều trị bằng thuốc ARV. Vì tỷ lệ bao phủ của chương trình điều trị ARV đến cuối năm 2016 mới đạt được 33%”.
Năm 2014, các dự án quốc tế đồng loạt cắt giảm từ 50-70%, do thiếu kinh phí nên nhiều hoạt động phải đình trệ. Ðến năm 2015, Dự án Quỹ toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS không còn hỗ trợ kinh phí hoạt động, chỉ cấp thuốc ARV duy trì điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS. Người nhiễm HIV/AIDS có thẻ BHYT chỉ được thanh toán chi phí một số dịch vụ điều trị nội trú. Việc tổ chức khám, chữa bệnh để thanh toán các dịch vụ điều trị ngoại trú cho bệnh nhân AIDS hầu như chưa thực hiện được.
Thực hiện nhiều giải pháp
Uớc tính tổng nhu cầu kinh phí cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh giai đoạn 2017-2020 khoảng 38 tỷ đồng. Ðược biết, tổng kinh phí có thể huy động được từ các nguồn hiện có trong giai đoạn 2017-2020 là 18 tỷ đồng, chỉ đáp ứng được 47% tổng nhu cầu kinh phí cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn này.
UBND tỉnh có Kế hoạch số 74/KH-UBND ngày 31/10/2016 về thực hiện Ðề án “Bảo đảm tài chính cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh Cà Mau giai đoạn 2017-2020”. Mục tiêu là đảo đảm nguồn tài chính bền vững cho việc thực hiện thành công các mục tiêu của kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030. Theo đó, tăng dần tỷ lệ chi tiêu cho phòng, chống HIV/AIDS từ ngân sách, tiến tới ngân sách Nhà nước ở tỉnh bảo đảm được nhu cầu kinh phí cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại tỉnh.
Các giải pháp được triển khai là phát huy vai trò chủ động và trách nhiệm trong đầu tư cho phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh. Xây dựng và ban hành các cơ chế chính sách về vai trò, trách nhiệm của các địa phương, đơn vị trong việc lập kế hoạch và phân bố ngân sách cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại tỉnh.
Xác định mục tiêu, nhiệm vụ phòng, chống HIV/AIÐS là một trong những mục tiêu ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đơn vị, tiến tới đưa các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS thành các hoạt động thường xuyên, liên tục trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Huy động kinh phí kết dư quỹ khám, chữa bệnh BHYT hằng năm để mua BHYT cho người nhiễm HIV/AIDS khi họ không có khả năng tự chi trả. Huy động sự tham gia đóng góp kinh phí của các doanh nghiệp cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Huy động kinh phí từ các tổ chức xã hội.
Tăng cường chi trả các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS bằng nguồn đóng góp của người sử dụng dịch vụ chăm sóc, điều trị HIV/AIDS; hoàn thiện các hướng dẫn nhằm cụ thể hoá chính sách bảo đảm quyền lợi và trách nhiệm của người nhiễm HIV khi tham gia BHYT. Ðẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, vận động và hỗ trợ người nhiễm HIV tham gia BHYT.
Phối hợp với các sở, ngành, đoàn thể và cơ quan đầu mối phòng, chống HIV/AIDS tại địa phương chủ động tự thí điểm và mở rộng triển khai tiếp thị xã hội bao cao su, bơm kim tiêm và các vật tư phòng, chống HIV/AIDS./.
Ðặng Duẩn