(CMO) Tại hội thảo khoa học “Khai thác lợi thế phát triển du lịch nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Cà Mau”, ông Mai Hữu Chinh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật tỉnh cho rằng, muốn phát triển du lịch nông nghiệp (DLNN) phải có quy hoạch cụ thể; có chính sách hỗ trợ, nhất là hỗ trợ nguồn vốn dài hạn, tạo điều kiện cho người dân trả dần. Bên cạnh đó, cần có tổ chức chuyên nghiệp, sát sao cơ sở để giúp người dân liên kết phát triển du lịch. Trong phát triển DLNN phải dựa vào tiềm năng, lợi thế và sản phẩm mang tính chất đặc thù…
Hội thảo do Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật tỉnh phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch phối hợp tổ chức vào sáng ngày 23/12.
Ông Mai Hữu Chinh, Chủ tịch Liên hiệp Các hội Khoa học - Kỹ thuật phát biểu tại hội thảo. |
Với tiềm năng, lợi thế thiên nhiên ưu đãi, Cà Mau chính là vùng đất tiềm năng để phát triển sản phẩm du lịch gắn liền với thiên nhiên, hướng đến loại hình du lịch sinh thái, du lịch biển đảo,.... Vì vậy, du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, và DLNN là một trong những “bàn đạp” thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nông nghiệp. Tỉnh Cà Mau kỳ vọng DLNN sẽ là động lực giúp địa phương bứt phá đi lên, góp phần phát triển bền vững ngành nông nghiệp trong tương lai.
Thời gian qua, việc phát triển du lịch gắn nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh được tập trung đầu tư và phát triển thông qua loại hình du lịch cộng đồng. Hiện toàn tỉnh có 23 điểm du lịch sinh thái cộng đồng như: các điểm du lịch cộng đồng ở Đất Mũi, điểm dừng chân Tư Tỵ (huyện Ngọc Hiển); Vườn chim Tư Sự (huyện Thới Bình); điểm du lịch Mười Ngọt, Hương Tràm, vườn dâu Ba Liêm, Hoa rừng U Minh (huyện U Minh)…
Hội thảo nhằm ghi nhận đóng góp của các cơ quan quản lý, nhà khoa học, các đơn vị kinh doanh du lịch, từ đó đề xuất những giải pháp đột phá để phát triển du lịch nông nghiệp bền vững, góp phần nâng cao chất lượng đời sống cho người dân Cà Mau. |
Tuy nhiên, theo ông Tiêu Minh Tiên, Phó giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch thì du lịch cộng đồng, DLNN của tỉnh chưa thật sự phát triển, tiềm năng chưa được phát huy, hoạt động còn rời rạc, tự phát, sản phẩm du lịch còn đơn điệu, chưa gắn kết các doanh nghiệp lữ hành nên nguồn khách đến các địa bàn du lịch cộng đồng nông nghiệp còn ít và không ổn định.
Ông Nguyễn Văn Quân, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông tin, tỉnh Cà Mau hiện có 101 sản phẩm OCOP, trong đó có 3 sản phẩm đạt 4 sao và 103 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu các cấp, là tiềm năng lớn về sản phẩm du lịch nông thôn. Tuy nhiên, cần hỗ trợ phát triển các chuỗi giá trị nông sản trên cơ sở đa dạng hóa các hình thức liên kết, hợp tác giữa kinh tế hộ gia đình với doanh nghiệp, kinh tế hộ gia đình được tổ chức trong hợp tác xã, tổ hợp tác với doanh nghiệp nông nghiệp... Đồng thời, liên kết mạnh mẽ giữa các địa phương trong khu vực ĐBSCL cũng như TP Hồ Chí Minh để xây dựng những tuyến du lịch, sản phẩm du lịch đặc trưng của từng vùng, miền, kết hợp quảng bá sản phẩm du lịch của địa phương.
Đại biểu tham luận, đề xuất nhiều giải pháp để phát triển du lịch nông nghiệp. |
Tại hội thảo, đại biểu đã tham luận, thảo luận về thực trạng và giải pháp khai thác lợi thế phát triển DLNN trên địa bàn tỉnh; khai thác lợi thế ngành nông nghiệp để phát triển du lịch bền vững; kinh nghiệm quốc tế trong phát triển DLNN và bài học kinh nghiệm cho tỉnh Cà Mau; đa dạng hoá các sản phẩm nông nghiệp, góp phần phát triển bền vững DLNN; thực trạng và bài học kinh nghiệm trong phát triển DLNN ở một số tỉnh khu vực ĐBSCL…
Cùng với phân tích làm rõ những thuận lợi, khó khăn, hội thảo đã đề xuất nhiều giải pháp như: Cần đánh giá đầy đủ về mô hình, loại hình DLNN trên địa bàn tỉnh, từ đó xây dựng quy hoạch, đề ra chính sách hỗ trợ phát triển hợp lý, đầy đủ hơn, nếu thấy phù hợp thì nhân rộng. Đa dạng hóa các sản phẩm DLNN, tập trung vào các đặc sản, sản phẩm truyền thống phù hợp với điều kiện sản xuất, giá trị văn hóa địa phương, đặc biệt là sản phẩm các làng nghề, nghề truyền thống. Đẩy mạnh sự liên kết chặt chẽ giữa các bên liên quan (bà con nông dân, doanh nghiệp lữ hành, chính quyền địa phương, cơ quan quản lý du lịch - nông nghiệp - thương mại…) trong mô hình phát triển DLNN./.
Mộng Thường