Hành lang ven biển phía Nam là tuyến đường nối liền 3 quốc gia thuộc tiểu vùng sông Mê Kông (Việt Nam, Campuchia và Thái Lan), với tổng chiều dài gần 1.000 km. Trên địa phận nước ta, tuyến đường này bắt đầu từ cửa khẩu Xà Xía (Hà Tiên - Kiên Giang), đi qua nhiều khu vực quan trọng và kết thúc giai đoạn I có điểm cuối đấu nối với tuyến đường Võ Văn Kiệt (xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình). Đường Võ Văn Kiệt được đấu nối với đường Ngô Quyền (phường 9, TP Cà Mau) để đi vào Quốc lộ 1.
Hành lang ven biển phía Nam là tuyến đường nối liền 3 quốc gia thuộc tiểu vùng sông Mê Kông (Việt Nam, Campuchia và Thái Lan), với tổng chiều dài gần 1.000 km. Trên địa phận nước ta, tuyến đường này bắt đầu từ cửa khẩu Xà Xía (Hà Tiên - Kiên Giang), đi qua nhiều khu vực quan trọng và kết thúc giai đoạn I có điểm cuối đấu nối với tuyến đường Võ Văn Kiệt (xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình). Đường Võ Văn Kiệt được đấu nối với đường Ngô Quyền (phường 9, TP Cà Mau) để đi vào Quốc lộ 1.
Tỉnh uỷ viên, Bí thư Huyện uỷ Thới Bình Hồ Xuân Việt nhận định, đường hành lang ven biển mở ra nhiều thuận lợi cho việc lưu thông, giao thương. Đây là lợi thế hết sức quan trọng cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của huyện nói riêng và của cả tỉnh Cà Mau nói chung.
Cơ hội phát triển mới
Trên địa phận tỉnh Cà Mau, huyện Thới Bình là địa bàn chủ yếu tuyến đường hành lang ven biển phía Nam đi qua, với chiều dài 42,3 km, vẽ thành đường vòng cung đi qua 5 xã và 1 thị trấn, điểm bắt đầu từ cầu Ngã Bát (nơi giáp ranh giữa xã Biển Bạch với tỉnh Kiên Giang) băng qua những vuông tôm, rẫy mía, cánh đồng lúa dọc theo dòng sông Trẹm và xuyên vào trung tâm thị trấn Thới Bình rồi kết nối với TP Cà Mau.
Nông dân trên địa bàn huyện Thới Bình được hưởng lợi từ tuyến đường hành lang ven biển phía Nam. (Trong ảnh: Học sinh xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình trên đường đến trường). Ảnh: H. DIỆU |
Chính vì thế, trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016-2020), Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XII (nhiệm kỳ 2015-2020) và một số chương trình, kế hoạch khác, Huyện uỷ Thới Bình đã đề ra nhiều giải pháp để khai thác và phát huy lợi thế mà tuyến đường hành lang ven biển phía Nam đem lại. Tuyến đường này sẽ tạo điều kiện thuận lợi đối với việc mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm do người dân trong huyện sản xuất; đồng thời, sẽ thu hút nguồn nguyên liệu từ bên ngoài vào các cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của huyện.
Bí thư Huyện uỷ Thới Bình Hồ Xuân Việt thông tin, huyện đã tiến hành quy hoạch lại sản xuất, bố trí cơ cấu ngành, nghề, các loại giống cây trồng, vật nuôi hợp lý; đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu khoa học - công nghệ; tăng cường hợp tác, liên kết trong sản xuất, hình thành nhiều cánh đồng lớn, nhất là cánh đồng lúa - tôm kết hợp (tôm càng xanh, tôm sú...); thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất nhằm tạo ra chuỗi giá trị sản xuất bền vững liên kết với các tỉnh, thành trong khu vực ĐBSCL. Riêng đối với xã Hồ Thị Kỷ, hướng tới, huyện sẽ tiến hành quy hoạch lại theo hướng phát triển mạnh về thương mại, dịch vụ và công nghiệp, trở thành vệ tinh cho TP Cà Mau. Gắn liền với quy hoạch, bố trí lại sản xuất, huyện tiến hành sắp xếp, bố trí lại cơ cấu lao động theo hướng đào tạo, bồi dưỡng nguồn lao động có chất lượng, gắn liền với nhu cầu thực tế của huyện và phù hợp với yêu cầu của nền sản xuất hàng hoá chất lượng cao.
Song song đó, tuyến đường hành lang có tính kết nối giữa các địa phương với nhau rất cao, mở ra cho Thới Bình tiềm năng lớn để phát triển các ngành thương mại, dịch vụ, du lịch... Huyện đã quy hoạch xây dựng khu trung tâm thương mại Thới Bình tại thị trấn Thới Bình; quy hoạch nâng cấp chợ Thới Bình đạt tiêu chí chợ loại I, làm đầu mối tiếp nhận và phân phối hàng hoá, dịch vụ trong toàn huyện; quy hoạch nâng cấp chợ Trí Phải đạt tiêu chí chợ loại II để kết nối với huyện Vĩnh Thuận (tỉnh Kiên Giang) và chợ Tân Lộc kết nối với TP Cà Mau.
Từ nay đến năm 2020, Thới Bình sẽ xây dựng thêm 6 chợ ở trung tâm 6 xã để tạo thành mạng lưới thương mại, dịch vụ tương đối hoàn chỉnh kết nối liên hoàn với mạng lưới thương mại, dịch vụ trong toàn tỉnh và các huyện bạn. Ngoài ra, dọc hai bên tuyến đường hành lang, Thới Bình sẽ khuyến khích người dân đăng ký mở các điểm kinh doanh thương mại, dịch vụ phù hợp với điều kiện phát triển của huyện.
Phát triển các lợi thế, tiềm năng
Tuyến đường hành lang ven biển kết nối với trục đường thuỷ Cà Mau - Cần Thơ, Cà Mau - Kiên Giang đem lại lợi thế rất lớn để phát triển dịch vụ vận tải. Huyện Thới Bình đề xuất quy hoạch xây dựng bến tàu ở thị trấn Thới Bình để làm điểm xếp dỡ hàng hoá và lên xuống hành khách nhằm kết nối giữa đường thuỷ và đường bộ, hoà mạng với các cảng sông, cảng biển trong toàn tỉnh. Tuyến đường hành lang sẽ rút ngắn đáng kể lộ trình từ Cà Mau đi Kiên Giang và ngược lại, huyện sẽ khai thác lợi thế này để phát triển dịch vụ vận tải trên tuyến Cà Mau - Kiên Giang đạt hiệu quả.
Theo ông Hồ Xuân Việt, tuyến đường hành lang ven biển là nền tảng để phát triển mạnh du lịch. Vì thế, huyện sẽ khôi phục và phát triển vườn dâu ở xã Biển Bạch, vườn chim ở xã Biển Bạch Đông, làng nghề thủ công đan đát ở xã Tân Bằng, dệt chiếu ở xã Tân Lộc và một số vườn cây ăn trái...
Ngoài ra, để phát triển du lịch văn hoá - lịch sử, du lịch tâm linh, huyện Thới Bình sẽ phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành trùng tu, nâng cấp, mở rộng Đền thờ Vua Hùng, Phủ thờ Bác Hồ, khu di tích cây vú sữa miền Nam; triển khai xây dựng đề án bảo tồn khu phố Thới Bình thành khu phố cổ... Đồng thời, tích cực phối hợp thực hiện dự án phục dựng Khu Căn cứ Xứ uỷ Nam Bộ - Trung ương Cục miền Nam (cuối năm 1949 - đầu năm 1955) trên địa bàn huyện. Tại các địa điểm này, huyện đã xây dựng các tuyến đường ô-tô kết nối thông suốt với đường hành lang, sẵn sàng đón du khách đến tham quan, nghiên cứu, tìm hiểu lịch sử - văn hoá, sinh hoạt tâm linh...
Đường hành lang ven biển phía Nam xuyên qua ấp Xóm Sở, xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình. Ảnh: H.DIỆU |
Dù không nằm trong quy hoạch phát triển công nghiệp của tỉnh, nhưng tuyến đường hành lang đi qua đã mở ra cơ hội để phát triển lĩnh vực này tại huyện Thới Bình. Phát huy lợi thế dọc tuyến đường hành lang, hiện nay, huyện đã quy hoạch một số cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ có quy mô nhỏ và vừa như: cụm công nghiệp - dịch vụ (khóm 4 và khóm 9, thị trấn Thới Bình); khu vực bờ sông Tắc Thủ (xã Hồ Thị Kỷ) và một số khu vực khác. Đặc biệt, đường hành lang ven biển đoạn đi qua thị trấn Thới Bình có chiều dài 1,4 km sẽ là trục chính để mở rộng và phát triển thị trấn Thới Bình hướng đến trở thành thị xã vào năm 2020.
Tuyến đường hành lang ven biển phía Nam đi qua địa bàn huyện Thới Bình đã giải quyết một bước quan trọng về giao thông đi lại của người dân trong huyện, nhất là các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số; tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các loại hình dịch vụ, thương mại, du lịch, góp phần nâng cao đời sống mọi mặt cho người dân trong tương lai không xa./.
Nguyễn Văn Đô