(CMO) Tiến sĩ Nguyễn Minh Luân, Giám đốc Sở GD&ĐT Cà Mau nhấn mạnh, công tác rà soát, sắp xếp trường, lớp học là công việc khẩn trương, nhất là trong thời điểm các cấp, các ngành thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017, Hội nghị lần thứ Sáu, Ban Chấp hành Trung ương khoá XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập.
Do đó, Sở GD&ĐT, UBND huyện, TP. Cà Mau khẩn trương, chủ động xây dựng kế hoạch, thời gian thực hiện cụ thể để sắp xếp trường, lớp, học sinh (theo thẩm quyền và phân cấp quản lý) đúng tinh thần chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh. Theo đó, việc sắp xếp giáo viên sẽ được thực hiện hết sức cẩn trọng, minh bạch, phù hợp. Đối với những trường hợp chưa sắp xếp được ngay, cần phải đào tạo, bồi dưỡng thì thực hiện theo lộ trình. Đối với các trường hợp giáo viên được địa phương tự ký hợp đồng thì địa phương xem xét, chấm dứt hợp đồng theo quy định.
Thu dần điểm lẻ là điều kiện cần thiết để nâng cao chất lượng dạy và học. |
Tính đến cuối năm học 2017-2018, toàn tỉnh có 121 trường mầm non (tăng 1 trường so với đầu năm học); với hơn 34.600 học sinh; có 303 điểm lẻ (409 lớp, 10.285 cháu). Biên chế được giao 2.013; biên chế hiện có 1.770. Cấp tiểu học hiện có 254 trường (giảm 2 trường so với đầu năm học); điểm lẻ 328; số học sinh hơn 108.000 em; biên chế được giao 7.165; biên chế hiện có 7.104. Cấp THCS có 119 trường; với 12 điểm lẻ; có hơn 64.000 học sinh; biên chế được giao 4.079; biên chế hiện có 3.987, cấp THPT (trực thuộc có 33 trường, với hơn 33.000 học sinh; biên chế được giao 1.903; biên chế hiện có 1.822.
- Hiện nay, việc rà soát, sắp xếp trường lớp, học sinh và giáo viên ra sao, thưa ông?
TS. Nguyễn Minh Luân: Việc rà soát, sắp xếp trường lớp, học sinh và giáo viên được thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại Thông báo số 475/TB-UBND ngày 18/5/2018. Cụ thể: lấy sĩ số học sinh theo tỷ lệ bình quân làm chuẩn, học sinh cấp tiểu học 33 em/lớp, học sinh cấp trung học 42 em/lớp. Việc sắp xếp lớp học đầu cấp thực hiện khi có kết quả tuyển sinh đầu cấp. Sau khi sắp xếp lớp học sẽ tính hệ số giáo viên đối với từng cấp học theo định mức quy định. Cách thực hiện là xem xét cụ thể từng trường, từng huyện, thành phố, có xem xét đến điều kiện cụ thể số lượng học sinh từng bậc học, cấp học một cách linh hoạt, không cứng nhắc, máy móc. Hoàn thành trong tháng 7/2018.
- Hiện toàn tỉnh còn rất nhiều điểm lẻ, nhất là vùng sâu, vùng xa, vậy ngành đã có lộ trình thu hẹp dần các điểm lẻ ra sao để từ nay đến năm 2021 cơ bản sắp xếp quy mô trường lớp, giáo viên theo ý kiến chỉ đạo của Phó bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Phạm Bạch Đằng tại cuộc họp ngày 11/6 vừa qua?
TS. Nguyễn Minh Luân: Thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của đồng chí Phó bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Phạm Bạch Đằng tại cuộc họp ngày 11/6 vừa qua, ngành giáo dục đã và đang thực hiện rà soát, sắp xếp trường, lớp, giáo viên… Việc xoá điểm trường lẻ theo quan điểm chỉ giữ lại những điểm trường lẻ khối mầm non và cấp tiểu học do quá xa điểm trường trung tâm và điều kiện giao thông đi lại quá khó khăn; việc xoá những điểm trường lẻ mục đích là để đầu tư có trọng tâm, chất lượng giáo dục được cải thiện tốt hơn. Những điểm trường lẻ còn lại, sau khi được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt sẽ sắp xếp sĩ số học sinh/lớp cho phù hợp.
Đối với những điểm trường lẻ chưa thể xoá được do cơ sở vật chất của trường trung tâm hoặc điều kiện giao thông không đảm bảo, Sở GD&ĐT sẽ tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch xoá điểm trường lẻ đến năm 2021. Trên cơ sở đó, UBND huyện, thành phố xây dựng kế hoạch thực hiện cho phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương. Ban hành trước ngày 20/7/2018.
- Theo phương án sắp xếp giáo viên dôi dư của UBND tỉnh, các địa phương đã có thuận lợi, khó khăn trong công tác này ra sao? Đồng thời, có đề xuất, kiến nghị gì không, thưa ông?
TS. Nguyễn Minh Luân: Cả hệ thống chính trị quan tâm, kinh tế - xã hội phát triển đã tác động tích cực đến quá trình sắp xếp như: giao thông đi lại thuận lợi, trình độ dân trí được nâng lên, phụ huynh hiện nay quan tâm việc học tập của con em tốt hơn; chính sách cho giáo dục có nhiều ưu đãi, sự bình đẳng trong hưởng thụ chính sách, dịch vụ giáo dục giữa các đối tượng học sinh có nhiều tiến bộ; công tác xã hội hoá giáo dục tiếp tục mang lại hiệu quả và ý nghĩa thiết thực. Cụ thể như: hỗ trợ học bổng, phương tiện đi lại, dụng cụ học tập, sửa chữa, mua sắm nhỏ… Từ những yếu tố thuận lợi trên, đã đến lúc ngành cần sắp xếp lại quy mô trường, lớp, nhất là gom những điểm trường lẻ về điểm trường trung tâm để đầu tư có trọng tâm, quy mô, chất lượng được cải thiện tốt hơn.
Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là chưa biết được số lượng học sinh đầu cấp, các lớp: 1, 6, 10 nên việc sắp xếp số lượng học sinh/lớp và hệ số giáo viên mang tính tương đối, sẽ còn điều chỉnh mới có số liệu chính thức vào tháng 8/2018. Bên cạnh đó, số giáo viên dôi dư, việc giải quyết việc làm sẽ là áp lực rất lớn đối với ngành và địa phương. Nếu chúng ta không thận trọng khi giải quyết cho thấu tình, đạt lý sẽ dẫn đến điểm nóng trong giáo dục. Thời gian sắp xếp trong tháng 6, thời điểm giáo viên nghỉ hè (ngày 1/7/2018 sẽ thôi trả lương cho số giáo viên hợp đồng) là rất hạn hẹp, trong khi ngành giáo dục đang tập trung cho kỳ thi THPT quốc gia.
Như vậy, sau kết quả sắp xếp trường, lớp, giáo viên theo chỉ đạo của UBND tỉnh, cần xem xét lại việc phân bổ biên chế, vị trí việc làm cho phù hợp. Trường hợp biên chế chưa tuyển dụng hết chỉ tiêu thì giao cho ngành giáo dục khẩn trương tuyển dụng theo quy định. Đề nghị thời gian cắt hợp đồng đối với giáo viên hợp đồng ngoài biên chế đến ngày 1/9/2018, sau khi có kết quả tuyển sinh đầu cấp và ổn định tổ chức lớp học (trong đó có 210 giáo viên và 54 nhân viên) tại các trường học trực thuộc Sở GD&ĐT).
- Nhân đây, xin ông cho biết tình hình sửa chữa trường lớp trong dịp hè này để đảm bảo điều kiện tốt nhất cho năm học mới 2018-2019?
TS. Nguyễn Minh Luân: Sở GD&ĐT đã chủ động chỉ đạo các đơn vị, trường học trong toàn tỉnh tổ chức kiểm tra, rà soát hiện trạng cơ sở vật chất trường lớp từng đơn vị để sở tổng hợp báo cáo và tham mưu UBND tỉnh xin chủ trương và bố trí nguồn vốn để sửa chữa, mua sắm trang thiết bị bổ sung phục vụ năm học 2018-2019. Tuy nhiên, nhu cầu sửa chữa trường, lớp rất lớn, nhưng do nguồn kinh phí của tỉnh rất khó khăn nên trước mắt là ưu tiên sửa chữa, mua sắm trang thiết bị thật sự cần thiết (đáp ứng khoảng 50%) nhu cầu thực hiện trong dịp hè để đảm bảo phục vụ tốt công tác dạy và học trong năm học mới.
- Để năm học mới 2018-2019 diễn ra tốt, thắng lợi, ông có yêu cầu, kiến nghị ra sao đối với các địa phương?
TS. Nguyễn Minh Luân: Để năm học 2018-2019 diễn ra tốt đẹp, thắng lợi, ngành giáo dục mong muốn các ngành, các cấp tiếp tục quan tâm, hỗ trợ, đồng hành cùng ngành như thời gian qua. Qua đó, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
- Xin cảm ơn ông!./.
Băng Thanh