Trong những ngày tháng Tư lịch sử, nguyên cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 962 anh hùng và cựu giáo viên, học sinh Trường Hàng hải - Cơ điện 373 và Trường Thiếu sinh quân 673 rất đỗi tự hào, vui mừng trước công trình Nhà Truyền thống về 2 ngôi trường này vừa mới hoàn thành đưa vào sử dụng. Đây là công trình ý nghĩa được xây dựng bằng tấm lòng và sự quyết tâm của những con người trân trọng giá trị lịch sử, nung nấu nguyện vọng tri ân quê hương và giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.
Trong những ngày tháng Tư lịch sử, nguyên cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 962 anh hùng và cựu giáo viên, học sinh Trường Hàng hải - Cơ điện 373 và Trường Thiếu sinh quân 673 rất đỗi tự hào, vui mừng trước công trình Nhà Truyền thống về 2 ngôi trường này vừa mới hoàn thành đưa vào sử dụng. Đây là công trình ý nghĩa được xây dựng bằng tấm lòng và sự quyết tâm của những con người trân trọng giá trị lịch sử, nung nấu nguyện vọng tri ân quê hương và giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.
Trường Cơ điện - Hàng hải 373 và Trường Thiếu sinh quân 673 được xây dựng cách nay 42 năm, tại ngọn Cái Bẹ, Tắc Ông Thầy, thuộc địa bàn xã Tân Tiến, huyện Ðầm Dơi. Ðây là 2 ngôi trường được Trung đoàn 962 “khai sinh” trong điều kiện chiến tranh diễn ra ác liệt, là chủ trương táo bạo mang tầm chiến lược lâu dài, phục vụ cho các hoạt động trên sông, trên biển của đơn vị.
Tầm nhìn chiến lược
Nhận thức đúng tầm quan trọng của chiến trường sông nước ÐBSCL và vùng biển rộng lớn của chiến trường miền Tây Nam Bộ, nhất là việc đào tạo lực lượng phục vụ công tác vận chuyển vũ khí, quân trang, nhu yếu phẩm cho chiến trường, được Bộ Tư lệnh Quân khu 9 chấp thuận, Ðoàn 962 tổ chức, xây dựng Trường Cơ điện - Hàng hải, lấy phiên hiệu 373. Song song với việc tổ chức Trường Hàng hải 373, được sự chỉ đạo của Quân khu 9 và sự giúp đỡ của tỉnh Cà Mau, vào tháng 4/1973, Trường Thiếu sinh quân 673 của Ðoàn 962 được thành lập.
Trường Thiếu sinh quân 673 - Đoàn 962, trong thời kháng chiến năm 1972. Tranh: NGÔ THANH HÙNG |
Ðại tá Khưu Ngọc Bảy, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 962, nhớ lại: “Nguồn học sinh đào tạo của 2 trường lúc bấy giờ được Ðoàn 962 tuyển chọn từ Trường Lý Tự Trọng của Khu, Trường Tiền Phong của Khu đoàn và những con em trong quân đội, thương binh, gia đình liệt sĩ. Tất cả có 450 cháu học sinh từ lớp 1 đến lớp 9. Ngoài học văn hoá, các cháu còn được học Ðiều lệnh đội ngũ, Ðiều lệnh nội vụ và thao diễn quân sự. Trong 2 năm học, 2 trường có 168 cháu được kết nạp vào Ðoàn Thanh niên lao động Hồ Chí Minh, nay là Ðoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh”.
Trong điều kiện chiến tranh, địch đánh phá ác liệt, khả năng tài chính thiếu thốn nhưng Ðoàn 962 với trách nhiệm của mình cùng với cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân ở địa phương đã bảo vệ an toàn cho các cháu yên tâm học tập. Theo đó, các khoá học được tổ chức tốt cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.
Đoàn kết vượt qua khó khăn
Tổ chức, xây dựng Trường Cơ điện - Hàng hải 373 và Trường Thiếu sinh quân 673 là quá trình Ðoàn 962 và cán bộ, giáo viên khắc phục muôn vàn khó khăn. Ðó là tổ chức lớp học trong điều kiện chiến tranh ác liệt, lại thiếu trường lớp, thiếu giáo viên, sách giáo khoa, trình độ của học sinh cũng không đều nhau. Toàn trường có 450 học sinh thì có đến 85 em khi vào trường chưa biết đọc, biết viết, số còn lại phần đông trình độ văn hoá thấp.
Ðứng trước những khó khăn, Ban Giám hiệu có nhiều biện pháp khắc phục như vận động bà con địa phương cùng góp cây lá, công sức xây dựng trường lớp; phát động phong trào thi đua nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ an toàn cho các em, cháu học sinh trong điều kiện đất nước còn chiến tranh; nhân rộng điển hình “Thầy dạy tốt, trò học giỏi”... nên chất lượng dạy và học được đảm bảo, số học sinh lên lớp ở các lớp học đạt từ 95% trở lên; riêng số ít học sinh chưa lên lớp thì được giáo viên tích cực dạy kèm để tạo điều kiện cho các cháu thi lại.
Thiếu tá Lưu Vinh Huê (Tư Ánh), nguyên Phó Giám hiệu Trường Thiếu sinh quân 673, bồi hồi nhớ lại, những ngày tháng được công tác và dạy học tại Trường Thiếu sinh quân 673 là những ngày tháng đẹp đẽ nhất, những ký ức sâu sắc nhất về tình quân - dân gắn bó keo sơn. Sự giúp đỡ của bà con đối với trường được trải dài từ xã Tân Tiến ra các xã lân cận. Ðó là các gia đình má Ba, chú thím Tư Tình, chú thím Bảy Hải, chú Thủ Tuyền, anh chị Tám Bằng, anh chị Chín Bốn, anh chị Năm Bê… và rất nhiều gia đình khác không tiếc lon gạo, con cá, con tôm, hàng tấn rau, củ, quả để chăm lo cho từng bữa cơm của thầy và trò. Có nhiều gia đình xung quanh trường nhận nuôi dưỡng, chăm sóc từ 2 đến 3 cháu; nhiều gia đình đào hầm tránh bom đạn cho học sinh để phòng khi địch càn quét.
Kỹ sư Lê Hoàng Phước, Giám đốc Viễn thông Cà Mau, cựu học sinh Trường Thiếu sinh quân 673, xúc động: “Kỷ niệm sâu sắc nhất đối với tôi là lúc Bác Dĩa (Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân Bông Văn Dĩa - PV) đến thăm trường và kể cho chúng tôi nghe chuyện đánh tàu, những câu chuyện đầy mưu trí, dũng cảm của những chiến sĩ tàu không số đối với kẻ thù”.
Nối dài nghĩa tình quân - dân
Trong kháng chiến, Nhân dân xã Tân Tiến không tiếc của cải, vật chất, kể cả sinh mạng của mình để cưu mang, đùm bọc, bảo vệ cán bộ, giáo viên, học sinh của 2 trường. Sau 40 năm ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, khi Ban liên lạc truyền thống cựu chiến binh Ðoàn 962 có nguyện vọng xây dựng Nhà lưu niệm Trường Cơ điện - Hàng hải 373 và Trường Thiếu sinh quân 673, Nhân dân nơi đây ủng hộ mạnh mẽ vật chất lẫn tinh thần.
Ðại tá Khưu Ngọc Bảy cho biết: “Khi chúng tôi cùng với chính quyền địa phương đến vận động bà con hiến đất xây dựng nhà lưu niệm thì được ủng hộ nhiệt tình. Ðó là các hộ ông Trần Văn Hổ, Trần Thành Công, ở ấp Tân Hiệp, xã Nguyễn Huân, huyện Ðầm Dơi. Ðối với tôi, mỗi lần trở về vùng đất này, cái tình, cái nghĩa của bà con thật dạt dào, thân thương”.
Ông Trần Thành Công, người tình nguyện hiến 1.000 m2 đất xây dựng nhà lưu niệm, chia sẻ: “Khi nghe các chú, các bác Ðoàn 962 nói về truyền thống lịch sử của Ðoàn 962, nói về ý nghĩa của Nhà Truyền thống Trường Cơ điện - Hàng Hải 373 và Trường Thiếu sinh quân 673, tôi rất xúc động nên muốn đóng góp chút công sức, vật chất vào việc làm ý nghĩa này”.
Ðại tá Khưu Ngọc Bảy tâm đắc: “Công trình Nhà Truyền thống Trường Cơ điện - Hàng hải 373 và Trường Thiếu sinh quân 673 được ví như mảnh ghép cuối cùng để hoàn thành “bức tranh hoành tráng” đường Hồ Chí Minh trên biển với Tượng đài Bến Vàm Lũng, Nhà tưởng niệm Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân Bông Văn Dĩa. Thành quả này là của tất cả chúng ta, những con người trân trọng giá trị lịch sử, uống nước nhớ nguồn”./.
Đỗ Chí Công