(CMO) Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo, kinh tế khó khăn nên từ nhỏ Bùi Phương Quỳnh, sinh năm 1986, giáo viên Trường THCS Quách Phẩm Bắc, huyện Ðầm Dơi đã nỗ lực hết mình để thực hiện ước mơ có nghề nghiệp ổn định, đỡ gánh nặng cho gia đình và thoả sức với niềm đam mê.
Tốt nghiệp THPT năm 2004, nhưng vì kinh tế khó khăn, không đủ điều kiện đi học khi xa nhà, Quỳnh chọn thi vào Trường Ðại học Ðồng Tháp (học tại Trường Cao đẳng Sư phạm Cà Mau, 2 trường liên kết đào tạo).
Phương Quỳnh chia sẻ: “Tôi theo học ngành Sư phạm Mỹ thuật như một cái duyên, bởi từ nhỏ đến năm học cấp 3, tôi có năng khiếu hát, tích cực tham gia các phong trào văn nghệ của trường, nên ban đầu dự kiến theo ngành Sư phạm Âm nhạc. Trong quá trình ôn thi đại học, thấy người anh học cùng trường chăm chú bên khung vẽ, tôi cảm thấy thú vị, theo học lóm, rồi quyết định thi vào ngành Sư phạm Mỹ thuật”.
Năm 2009, tốt nghiệp đại học, Quỳnh xin về dạy tại Trường THCS Long Hoà (xã Tân Tiến, huyện Ðầm Dơi). Chiếc xe đạp và kiến thức có được là hành trang gắn bó với nghề giáo, cùng Phương Quỳnh vượt gần 40 km mỗi ngày. Năm 2010, cô giáo Quỳnh xin chuyển công tác về Trường THCS Quách Phẩm Bắc đến nay. Có thời điểm ngành giáo dục tinh giảm biên chế, để đảm bảo yêu cầu nhiệm vụ tại đơn vị, Phương Quỳnh cùng lúc phải đảm nhiệm công việc văn phòng, vừa đứng lớp và kinh doanh Online để đảm bảo chi phí sinh hoạt cho gia đình. Quỳnh dành thời gian rảnh để vẽ, đưa vào tranh những hình ảnh quê hương, gắn với cuộc sống sinh hoạt, gần gũi với cuộc sống đời thường.
Cô giáo Phương Quỳnh bên khung vẽ. |
Thầy Hồ Quốc Cần, Hiệu trưởng Trường THCS Quách Phẩm Bắc, nhận xét: "Cô Quỳnh là giáo viên rất nhiệt tình, tận tâm, luôn vượt khó để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Ðặc biệt, trong vai trò là giáo viên chủ nhiệm, cô Quỳnh rất sâu sát từng hoàn cảnh học sinh, để kịp thời động viên, giúp đỡ các em, nhất là học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Trong chuyên môn nghiệp vụ, cô Quỳnh ngoài phụ trách môn Mỹ thuật, còn có ý tưởng vẽ các bức tranh xoay quanh cuộc sống, đất và người Cà Mau, rất gần gũi, ý nghĩa. Nhà trường tin tưởng giao cô vẽ những bức tranh thiên nhiên, cuộc sống đời thường treo trong khuôn viên trường, để học sinh trải nghiệm, học tập, cảm nhận cuộc sống và đặc trưng quê hương Cà Mau".
Tác phẩm “Nghề hàng đáy”, với hình ảnh gắn liền cuộc sống thời tuổi thơ Phương Quỳnh, cha mẹ cô chính là những nhân vật trong tranh. |
Ðến nay, Quỳnh đã có trên 10 bức tranh vẽ những hình ảnh quen thuộc này. Vui hơn khi tranh của Phương Quỳnh được bạn bè nước ngoài rất trân trọng đặt mua và thầy cô trong giới hoạ sĩ khen ngợi, đó là sự động viên lớn để Quỳnh tiếp tục phấn đấu, vẽ nhiều hơn nữa.
Phương Quỳnh cho biết thêm: “Trong cuộc sống, tôi luôn học Bác Hồ ở nhân cách sống giản dị, khiêm nhường. Tôi luôn nỗ lực học mỗi ngày: học thầy, học bạn bè, học những người giỏi và cả những người kiên nhẫn. Nguyện vọng sắp tới là truyền được cảm hứng nghệ thuật, niềm đam mê đến học sinh, thông qua các bức tranh về đất và người Cà Mau, để các em cảm nhận được vẻ đẹp và tự hào hơn về quê hương mình”.
Không những thế, cô giáo trẻ Phương Quỳnh còn có tấm lòng thiện nguyện với dự định rất đáng trân trọng. Cô Quỳnh cho biết: “Sắp tới tôi sẽ dùng tiền bán tranh lập quỹ mua xe đạp tặng học sinh nghèo hiếu học của trường, nếu được nguồn quỹ lớn hơn sẽ mở rộng quy mô trên địa bàn. Bởi trước đây tôi đã từng trải qua những khó khăn, gian nan trong cuộc sống nên thấu hiểu và rất vui khi được chia sẻ cùng các em học sinh có hoàn cảnh tương tự mình ngày trước”. Những nỗ lực vượt khó của cô Quỳnh để có kết quả hôm nay, cả những dự định cho tương lai thật đáng quý và trân trọng./.
Loan Phương