(CMO) Hôm nay (27/1), Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng bước sang ngày làm việc thứ 3, đại biểu làm việc tại hội trường, tiếp tục thảo luận các văn kiện của Đảng.Các ý kiến, bài tham luận của đại biểu thể hiện khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh trong nhiệm kỳ mới.
Ông Lê Mạnh Hùng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết đã có 107 bài tham luận gửi về Đại hội XIII. Đoàn Chủ tịch Đại hội sẽ sắp xếp để có nhiều đại biểu được trình bày tham luận, bố trí ở mức cao nhất. Do thời gian có thể không bố trí hết được thì sẽ in kỷ yếu và phát hành cho các tổ chức Đảng.
Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Đoàn Chủ tịch điều hành Đại hội. Ảnh: TTXVN
Sức mạnh Đại đoàn kết toàn dân tộc
Dưới sự chủ trì phiên thảo luận của Uỷ viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, mở đầu phiên thảo luận, tham luận sáng nay là phát biểu của đồng chí Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBMTTQVN với chủ đề: “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng hoạt động của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội”.
Đồng chí Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBMTTQVN phát biểu tham luận
Đồng chí Trần Thanh Mẫn khẳng định: Đại đoàn kết toàn dân tộc là truyền thống quý báu của dân tộc ta, được hun đúc qua hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước. Tinh thần yêu nước, trọng nhân nghĩa, đùm bọc lẫn nhau đã thấm sâu vào tình cảm và hành động của mỗi người dân đất Việt trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Đại đoàn kết toàn dân tộc đã tạo nguồn sức mạnh, lập nên những kỳ tích vẻ vang, là điều kiện cơ bản cho sự thành công sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây, cũng như công cuộc đổi mới xây dựng, phát triển đất nước ngày nay.
Theo Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ VN, thời gian tới, hoạt động của Mặt trận phải hướng mạnh về cơ sở, phát huy tốt hơn vai trò của các tổ chức thành viên, của Ban công tác Mặt trận ở hơn 100 ngàn địa bàn dân cư trong cả nước; tập hợp sức mạnh của 100 triệu đồng bào trong nước và đồng bào ta ở nước ngoài, cùng hiệp lực, quyết tâm, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII.
Xứng tầm Thủ đô văn minh, giàu đẹp
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho rằng: Trong quá trình phát triển, Thăng Long - Hà Nội có một lợi thế đặc biệt, một tiềm năng to lớn. Lợi thế, tiềm năng đó - được tạo ra từ sự hội tụ tinh hoa của cả nước. Trải qua hơn 1010 năm kể từ khi Đức vua Lý Thái Tổ ban Chiếu dời đô, Thăng Long - Hà Nội đã trở thành nơi hội tụ của các tài năng đến từ mọi miền Tổ quốc.
Lực lượng an ninh bảo vệ Đại hội XIII của Đảng
Hiện nay, Hà Nội là địa phương có tiềm lực khoa học công nghệ lớn với 80% số phòng nghiên cứu khoa học trọng điểm của cả nước nằm trên địa bàn; có 2 khu công nghiệp công nghệ cao. Hà Nội là nơi tập trung nhân tài, trí tuệ của cả nước với hơn 80% trường đại học, trung tâm nghiên cứu, học viện, 65% đội ngũ trí thức và nhà khoa học trong cả nước (gồm giáo sư, tiến sĩ). Đặc biệt, Hà Nội là địa phương sở hữu một kho tàng phong phú các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể (cả quốc tế và quốc gia) có giá trị với gần 6.000 di tích lịch sử (trong số hơn 40.000 di tích của cả nước), 1.700 di sản văn hóa phi vật thể được xếp hạng và 1.350 làng nghề truyền thống. Nhiều di sản văn hóa của Hà Nội đã trở thành hình ảnh, biểu tượng đại diện cho đất nước, con người Việt Nam.
“Với các điều kiện và lợi thế trên, Hà Nội hội tụ đầy đủ các điều kiện để xây dựng và phát triển Thủ đô văn minh hiện đại, xứng đáng là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước”. Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong khẳng định.
Xây dựng nền tài chính hiện đại
Với chủ đề: “Xây dựng và hoàn thiện nền tài chính quốc gia theo hướng hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng: Nhiệm kỳ qua, ngành Tài chính đã quán triệt và tổ chức thực hiện các nghị quyết chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ có những bước phát triển bền vững, đóng góp quan trọng vào kết quả phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước.
“Mặc dù liên tục thực hiện điều chỉnh giảm nghĩa vụ thu, cắt giảm thuế quan theo các hiệp định thương mại tự do, xóa bỏ các khoản phí, lệ phí không phù hợp, nhưng tổng thu ngân sách nhà nước cả giai đoạn 2016-2020 vẫn vượt mục tiêu đề ra và đạt khoảng 6,9 triệu tỷ đồng, tương ứng trên 25% GDP, vượt mục tiêu đề ra”, Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định.
Với những bước phát triển tương đối toàn diện ở tất cả các khâu, các lĩnh vực, ngành tài chính đã có những đóng góp quan trọng vào việc tăng cường ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao hệ số tín nhiệm quốc gia, thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, tiến bộ, công bằng xã hội, hội nhập khu vực và quốc tế, tạo nền tảng quan trọng cho việc triển khai các định hướng phát triển giai đoạn tới.
Cải cách tư pháp theo hướng gần dân
Theo Tiến sĩ Lê Hồng Quang, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Ban cán sự đảng, Bí thư Đảng ủy, Phó Chánh án Thường trực Tóa án Nhân dân tối cao: Tòa án giải quyết, xét xử các tranh chấp trong dân trên nền tảng pháp luật, nhưng không tách rời đời sống hàng ngày nên cần phải “hiểu dân” tường tận.
Thẩm phán giờ đây không những tinh thông nghiệp vụ, giỏi kỹ năng xét xử mà cần phải am tường về thực tiễn xã hội, thấu hiểu tâm tư, tình cảm, những khó khăn của người dân ở nhiều góc độ để có phương pháp giải quyết phù hợp. Từ đó, đưa ra được phán quyết công tâm, có sức thuyết phục.
Qua việc “Gần dân, hiểu dân, giúp dân” tạo nên sự tương tác đa chiều trong “học dân”. Thẩm phán trau dồi kiến thức, kỹ năng xét xử từ việc tham khảo tiền lệ pháp, tập quán pháp tốt đẹp trong dân; đối chiếu với thực định pháp để đưa ra phán quyết thấu tình, đạt lý; đồng thời làm phong phú thêm kinh nghiệm xét xử, hình thành án lệ, bổ sung cho những khoảng trống mà pháp luật chưa điều chỉnh.
Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh và hiện thực hóa mục tiêu của Chiến lược cải cách tư pháp theo Nghị quyết 49; thời gian qua, các hoạt động của Tòa án đổi mới rõ rệt theo hướng phục vụ người dân tốt hơn.
Hệ thống pháp luật được hoàn thiện hơn nhằm tăng cường tranh tụng, đảm bảo độc lập tư pháp, áp dụng thủ tục rút gọn đối với một số vụ việc đơn giản; đẩy mạnh hòa giải, đối thoại khi giải quyết các tranh chấp; hiệu chỉnh quy trình xử lý công việc để người dân tiếp cận tòa án nhanh chóng, thuận tiện…
Tp. Hồ Chí Minh quyết tâm là đầu tàu kinh tế tri thức
Trình bày tham luận với chủ đề "kinh tế trí thức", đồng chí Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP. HCM cho biết: Những năm qua, TP. HCM luôn xác định tầm quan trọng của việc phát triển kinh tế tri thức, đầu tư xây dựng những nền tảng hạ tầng cần thiết, tập trung phát triển các ngành công nghệ cao, thành lập chuỗi công viên phần mềm, công viên khoa học công nghệ... TP. HCM là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành chương trình chuyển đổi số. Thành phố cũng đang xây dựng Khu đô thị sáng tạo phía Đông gắn với thành phố Thủ Đức, thiết lập chuỗi giá trị gia tăng trên nền tảng công nghệ cao.
Theo ông Phong, để xây dựng nền kinh tế tri thức thì điều quan trọng là tạo niềm tin trong Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp; đẩy mạnh đổi mới cơ chế, chính sách liên quan, xây dựng chiến lược phát triển...
Ghi nhanh của Đỗ Chí Công ( từ Thủ đô Hà Nội)