(CMO) Tuyến lộ huyết mạch về trung tâm huyện U Minh giờ được mở rộng, láng nhựa phẳng phiu. Dọc theo tuyến ấy, nhà cửa, hàng quán của người dân xây dựng khang trang, những khu đất lau sậy um tùm xưa kia nay phủ một màu xanh bạt ngàn của rừng kinh tế.
Lâm phần rừng tràm huyện U Minh có tổng diện tích hơn 43.600 ha, tập trung phần lớn trên địa bàn các xã Khánh An, Khánh Lâm, Khánh Thuận, Nguyễn Phích. Trong tổng số hơn 30.000 ha đã phủ xanh cây rừng, có tới hơn 29.183 ha là rừng sản xuất, phần lớn giao khoán cho hộ dân canh tác theo Nghị định 181/2004/NĐ-CP, trung bình mỗi hộ từ 5-7 ha.
Hầu hết những hộ đã thu hoạch cây tràm chuyển sang kê liếp để trồng rừng thâm canh. Riêng keo lai, đến nay đã phát triển được gần 8.000 ha. Trong thời gian chờ cây lớn để khai thác, thay vì trồng lúa như trước, nhiều hộ trồng hoa màu và cây ăn trái lấy ngắn nuôi dài.
Chị Dương Thị Thu Phương, xã Nguyễn Phích, phấn khởi khoe: "Gia đình tôi vừa khai thác 2 ha rừng keo lai, lãi gần 200 triệu đồng. Với số tiền này, một phần tôi đầu tư trồng lại rừng và xây dựng căn nhà mới cho kịp Tết".
Cây keo lai là 1 trong 6 ngành hàng được ưu tiên trong đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. |
Gia đình ông Phan Thành Đông có 7 ha đất rừng ở Ấp 12, xã Nguyễn Phích. Trên phần đất này, ông dành 5 ha kê liếp trồng tràm và keo lai, phần còn lại trồng chuối và cây ăn trái. Ngoài cây rừng, sau 1 năm trồng và chăm sóc, cây chuối cho huê lợi trừ các khoản còn lãi 50 triệu đồng. Ông Đông chia sẻ, giao thông thông suốt nên thương lái đến tận nhà mua, mỗi ký chuối 3.000 đồng, bắp chuối 5.000 đồng. Đó là nguồn thu phụ nhưng đều đặn, bền vững để trang trải chi phí hằng ngày.
Giao thông thuận lợi, nông sản của cư dân miệt rừng U Minh Hạ bán được giá cao; việc vận chuyển lâm sản thuận tiện hơn nhiều so với trước.
Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ Trần Văn Hiếu cho biết: “Hạ tầng nông thôn được đầu tư ngày càng hoàn thiện, tạo sự kết nối thị trường gỗ trong và ngoài tỉnh. Trước đây, mỗi năm người dân trên toàn lâm phần mất gần 100 tỷ đồng vận chuyển lâm sản từ nơi khai thác ra ngoài bìa rừng tiêu thụ. Đó là chưa kể việc vận chuyển qua nhiều công đoạn, mất nhiều thời gian làm gỗ bị hao nhót. Khi chi phí đầu tư cho sản xuất giảm, lợi nhuận của người dân được tăng lên”.
Ông Hiếu cho biết thêm, trên cả nước không có vùng đất nào thích hợp cho trồng cây keo lai như đất rừng U Minh Hạ. Đất đai màu mỡ, chu kỳ trồng và khai thác được rút ngắn. Cây gỗ đạt đường kính từ 15 cm trở lên, bên trong lõi cây có màu vàng bạch kim óng ánh, rất thích hợp cho việc làm đồ thủ công mỹ nghệ xuất khẩu, được nhiều nước trên thế giới ưa chuộng. Hiện nay, nhiều công ty, xí nghiệp ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ đến mua gỗ keo lai của Cà Mau. Với lợi thế đó, cây gỗ rừng Cà Mau có được đầu ra ổn định hơn.
Bà Trần Thị Ánh Nga, Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Thuý Sơn, thông tin: "Toàn bộ rừng keo lai của công ty đã được các đối tác đến đặt cọc thu mua, dù mới trồng từ 1-2 năm tuổi. Từ năm 2011 đến nay, chúng tôi thực hiện dự án thuê đất trồng rừng keo lai và cây bản địa trên diện tích 710 ha tại xã Khánh Thuận. Diện tích rừng của công ty đang quản lý rất hiệu quả cả về mặt kinh tế và môi trường. Ở tầng cao là keo lai và cây tràm bản địa, tầng thấp là cây đinh lăng và mấm linh chi, tầng mặt nước nuôi trồng thuỷ sản, mỗi héc-ta cho thu nhập gần 300 triệu đồng/năm, vốn đầu tư lại không cao".
Cây keo lai được xác định là một trong các ngành hàng kinh tế chủ lực thuộc đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện U Minh.
Phó chủ tịch UBND huyện U Minh Ngô Thanh Điền cho biết, thời gian gần đây giá cây tràm liên tục tăng, hiện đang ở mức từ 100-120 triệu đồng/ha, cây keo lai từ 150-200 triệu đồng/ha sau 5 năm trồng. Với mức giá trên, sau khi trừ các khoản chi phí, bình quân mỗi héc-ta, người trồng còn lời khoảng 80% giá trị. Nhiều hộ dân trên lâm phần rừng tràm giờ không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu từ rừng.
Huyện cũng đã xin chủ trương UBND tỉnh cho phép chuyển đổi khoảng 840 ha đất nông nghiệp giao khoán trong dân sản xuất không hiệu quả để chuyển sang trồng rừng thâm canh, đặc biệt là phát triển rừng keo lai gỗ lớn để nâng cao giá trị kinh tế. Dự kiến đến năm 2020, có trên 20% sản phẩm gỗ keo lai được khai thác từ rừng trồng tại huyện U Minh có đường kính trên 15 cm cung cấp cho chế biến đồ mỹ nghệ xuất khẩu.
"Tuy nhiên, trước khó khăn về nguồn vốn đầu tư cải tạo trồng rừng keo lai, UBND huyện chỉ đạo chính quyền địa phương vận động người dân trên địa bàn hợp tác với Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ triển khai mô hình trồng rừng keo lai theo hình thức ăn chia. Về lâu dài, huyện sẽ phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng tìm thị trường và tiếp thị sản phẩm; đa dạng hoá các sản phẩm từ keo lai, tìm kiếm thị trường xuất khẩu tiềm năng, tạo đầu ra ổn định lâu dài cho ngành hàng keo lai trên vùng đất U Minh Hạ", ông Ngô Thanh Điền cho biết thêm.
Giờ đây, người dân xem việc trồng và bảo vệ rừng như bảo vệ những gì thiết thân nhất đối với cuộc đời mình. Bởi giá trị kinh tế rừng đã được khẳng định, hứa hẹn tương lai tươi sáng hơn cho người dân trên lâm phần U Minh Hạ.
|
Trung Đỉnh