ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 20-9-24 19:27:11
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Khi hạnh phúc đơm hoa

Báo Cà Mau (CMO) Người ta nói, U Minh mùa sa mưa là buồn nhất, có lẽ không sai. Mới dăm năm trước đây thôi, về U Minh khi lá bông súng chập chờn vượt khỏi mặt nước trong veo, cái nghèo khó cứ ẩn hiện trong từng đôi mắt đầy lo lắng. Giữa ruột rừng tràm, ai đó cứ khắc khoải về chuyện chạy từng lon gạo, bữa cơm.

Nếu Cà Mau là đất mới, thì U Minh lại là nơi mới nhất của bán đảo này, người về lập nghiệp từ khắp nơi và rừng cưu mang tất cả. Sức người đổ xuống dựng xây, mong ngóng những mùa quả ngọt. Nhịp điệu khẩn hoang, mở đất của trăm năm trước như vẫn còn được tiếp nối.

Vợ chồng, con cái cùng một chiếc xuồng đồ đạc lỉnh kỉnh ra riêng, dựng căn chòi nhỏ trên gò sậy hoang vu, tối tối một ánh đèn dầu hiu hắt. Những đứa nhỏ ra đời theo kiểu năm một, thiếu gạo, không tiền, vậy rồi bao nhiêu áp lực đè nén tạo nên những trận cãi vã liên tu bất tận, rầy rà cả lối xóm bà con. Người phụ nữ từ lõi rừng ra chợ huyện, hỏi tuổi ngang nhau nhưng nhìn tướng tá, chân tay, mặt mày ai ai cũng ái ngại. Nhưng trong cảnh mới biết thế nào, những khi người ta lo lắng cho chuyện đói no thì cái đẹp, cái hạnh phúc gia đình và nhiều thứ khác đương nhiên trở thành thứ yếu…

Vợ chồng anh Nghiệp, chị Diễm từ tay trắng đã gầy dựng được cơ ngơi đàng hoàng, nuôi dạy con cái học hành từ việc sẻ chia, gìn giữ và vun đắp hạnh phúc gia đình.

Chúng tôi về lại Ấp 15, xã Khánh Thuận những ngày đầu sa mưa. Ông Trần Văn Khoái, Bí thư Chi bộ Ấp 15, hỏi khéo: “Mấy chú về đây tính tìm hiểu chuyện gì, dân ở đây bình yên lắm, hổng có thưa kiện gì đâu”. Hiểu ý ông, chúng tôi thưa: “Tụi con về viết bài về việc xây dựng gia đình hạnh phúc, vun đắp tình làng nghĩa xóm, sự phát triển của quê hương thôi”. Tới đây ông mới cười khề khà: “Nè, hồi đó ở đây vợ chồng hục hặc, đánh lộn như cơm bữa. Có nhà hổng đánh lộn thì ăn cơm không ngon”. Từng đi bộ đội, bị thương, rồi về lại đồng đất U Minh, ông Khoái hồi nhớ về một thời chưa xa: “Vùng này trước đây khổ cực, vất vả lắm. Người ta chỉ mong đủ sống, đủ ăn. Chuyện bình đẳng giới, rồi hạnh phúc gia đình gì gì đó nó mơ hồ và người ta cũng chẳng màng tới đâu”.

Mô hình đa cây, con của ông Phan Tấn Kiệt. 

Chị Lê Thị Chuỗi, về Ấp 15 từ năm 1993, kể rằng: “Phụ nữ tụi tui ra chợ người ta biết liền, móng tay, móng chân đóng phèn vàng khè. Từ Đầm Dơi về đây lập nghiệp, con đông, nhà nghèo, ngó đâu cũng thấy vất vả, khó khăn. Thời điểm ấy sống chật vật lắm mấy chú ơi”.

Gần suốt một đời làm lụng, nuôi 5 đứa con lớn khôn, chị Chuỗi ngẫm ra rằng: “Cái nghèo nó khiến mình nặng nề, bức bối, dễ dẫn đến chuyện cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt. Nhà nào mà có người đàn ông nóng tính, rượu chè thì chuyện rầy rà như cơm bữa”. Ở giữa ruột rừng, đường sá cách trở, người phụ nữ khi bị chồng đánh đập, chửi bới thì chỉ biết nín nhịn cho qua. Cũng có những người chồng riết rồi quen miệng, quen chân, quen tay, cứ gặp khó khăn, gặp chuyện không vừa ý thì lôi vợ con ra làm nơi xả giận.

Ghé thăm gia đình anh Nghiệp (Đỗ Thanh Nghiệp) và chị Võ Thị Diễm, cũng người từ xứ khác về lập nghiệp tại Ấp 15. Chị Diễm kể: “Hồi về cất căn chòi nhỏ, vợ chồng bữa no, bữa đói, động viên nhau ráng làm ăn”. Đôi vợ chồng son gầy dựng cơ ngơi của mình từ 2 bàn tay trắng, giữa vùng đất rừng hoang tạp.

Chị Diễm tâm sự: “Được cái anh nhà lành tính, ít rượu chè, chịu khó mần ăn nên mới có được ngày hôm nay”. Còn anh Nghiệp khi nói về vợ thì chân phương hết cỡ: “Bả mần suốt, từ nhà ra đồng, từ lo con cái đến bếp núc, buôn bán, chợ búa”. Hỏi anh chị có hay giận hờn, xích mích gì không, chị hỏi lại: “Chú có gia đình chưa? Vợ chồng nào mà không có những bất đồng, quan trọng là mình giải quyết nó sao thôi”. Chị Diễm kể, có lần gặp trường hợp người vợ bị chồng đánh đến nỗi nằm một chỗ mà miệng cứ chửi ra rả, rồi kết luận nhẹ hều: “Chửi vậy mà không bị đánh cũng uổng”.

Anh Nghiệp thì dứt khoát: “Tui mà có rượu là đi ngủ, chừng nào tỉnh mới tính. Còn không thích vợ con “nhây nhây”, cằn nhằn hoài. Bả cũng hiểu ý, nên gia đình mười mấy năm qua êm ấm, chưa đánh nhau trận nào”. Có người khách tiếp thêm câu chuyện: “Có vụ vợ chồng "quánh" nhau quá trời, ông hàng xóm qua can ngăn. Hổng hiểu sao vợ chồng đang "quánh" nhau quay sang… "quánh" ông hàng xóm vì nhiều chuyện”. Những người khách tới nhà anh Nghiệp, chị Diễm cười cái rần. Riêng chị Trịnh Thị Trang, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp, thì đúc kết: “Ông bà mình nói đâu có sai, đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm mà. Nhà cửa êm ấm, làm ăn mới khấm khá, con cái ngoan hay không đều có bàn tay người phụ nữ”.

Tới đây, chị Trang cũng giới thiệu luôn Câu lạc bộ (CLB) Gia đình phát triển bền vững của ấp với 21 thành viên. Thấy chúng tôi còn băn khoăn, chị Trang cho biết: “21 thành viên là nòng cốt thôi, chớ chị em ở ấp đều được tổ chức lồng ghép sinh hoạt, tuyên truyền trong các dịp họp chi hội. Đây là ấp thứ 2 của xã Khánh Thuận (trong tổng số 15 ấp) xây dựng được mô hình này”. Chị Trang sơ lược, đây là mô hình nhằm nâng cao nhận thức về xây dựng, vun đắp hạnh phúc gia đình, thực hiện bình đẳng giới, chăm sóc sức khoẻ người phụ nữ, phát triển kinh tế gia đình và nuôi con ăn học. Từ năm 2015 đến nay, CLB đã mang lại những nhận thức mới về vai trò người phụ nữ trong gia đình và cộng đồng.

Anh Lê Quốc Khởi, Trưởng Ấp 15 và là Chủ nhiệm CLB, chia sẻ: “Mới đầu giao cho tui làm chủ nhiệm cũng ngán quá trời, đâu biết mình sẽ làm gì đâu. Sau đó quen dần, cứ 3 tháng sinh hoạt 1 lần. Bây giờ vô nền nếp rồi, nhiều anh chị muốn xin vô CLB lắm”. CLB là nơi để các thành viên giãi bày, chia sẻ những khó khăn của gia đình, tương trợ nhau trong lúc thắt ngặt, hoạn nạn, khó khăn, giúp đỡ nhau vươn lên trong kinh tế. Theo lời anh Khởi, bây giờ chuyện bạo hành gia đình, rượu chè bê tha ở Ấp 15 gần như không còn nữa. Người phụ nữ Ấp 15 ngoài chuyện chu toàn cho gia đình còn hăng hái đóng góp, san sẻ cho cộng đồng, chòm xóm.

Anh Khởi còn cho chúng tôi biết thêm nhiều thông tin tích cực của Ấp 15, đó là số hộ nghèo của ấp chỉ còn 26 hộ, đời sống bà con từng ngày khởi sắc bên rừng tràm, liếp chuối, ao cá và ruộng lúa. Ăn bữa cơm với ơ kho quẹt tép rong, cá tạp, rau thì đủ loại mọc sau vườn nhà anh Nghiệp, chúng tôi cảm nhận đủ đầy hơn một cuộc sống bình yên và tràn đầy nghĩa tình giữa đất rừng U Minh Hạ. Xung quanh chúng tôi, một cơ ngơi được gầy dựng nên từ bao mồ hôi, nước mắt của đôi vợ chồng trẻ. Những ý nghĩ thật miên man, nhưng chúng tôi tin rằng, trên đất này, giữa hạnh phúc mà anh chị xây dựng mười mấy năm qua, không điều gì là không thể.

Chị Phan Kiều Diễm, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Khánh Thuận, cho biết: “Ấp 15 là ấp thứ 2 (sau Ấp 11) của xã xây dựng được mô hình CLB. Hoạt động của CLB trên tinh thần tự giác, tự nguyện và nhiệt tình của anh chị em cơ sở. Kết quả đạt được của CLB là hết sức tích cực”. Xã Khánh Thuận từ 5 mô hình CLB được xây dựng và hoạt động đã tạo nên một hình mẫu cho việc dựng xây hạt nhân gia đình hạnh phúc, làng xóm bình yên, giàu đẹp. Theo chị Diễm, trong thời gian sớm nhất, các ấp còn lại sẽ thành lập CLB để thúc đẩy, đồng hành cùng sự phát triển của địa phương.

Ông Tư Kiệt (Phan Tấn Kiệt), hơn 70 tuổi, từ Đầm Dơi về Ấp 15 cùng với biết bao âu lo cuộc sống. Ông nói: “Cực cỡ nào cũng được, miễn là có vợ, có chồng hủ hỉ, tâm tình với nhau. Đất lành thì chim đậu mà, chỗ này tôi thấy mần ăn được, mình còn sức thì còn lao động, chớ 7, 8 đứa con có cuộc sống riêng hết rồi”.

Sớm hôm, ông Tư chăm sóc ao cá, vườn rau, chuồng trại, còn bà thì chu toàn việc nội trợ. Hỏi ông lớn tuổi rồi mà rời xa quê hương thấy có tiếc nhớ gì không, ông nói: “Chỗ nào có vợ, có chồng là có quê hương, có gắn bó ở đó thôi. Đồng vợ, đồng chồng mà”. Câu trả lời bình dị của ông làm mọi người thổn thức. Có lẽ là vậy, ở đâu có sự bền chặt của gia đình, có sự san sẻ, yêu thương, thấu hiểu, thì nơi đó hạnh phúc sẽ trổ bông./.

 Phạm Nguyên

CLB Gia đình phát triển bền vững được các cấp hội của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Cà Mau xây dựng thí điểm và nhân rộng trên khắp địa bàn tỉnh trong nhiều năm qua. Tại xã Khánh Thuận, có 5 CLB hoạt động với khoảng 150 thành viên nòng cốt.

Chị Phan Kiều Diễm thông tin: “Khánh Thuận vinh dự có mô hình CLB ở Ấp 11 và 3 cá nhân thuộc 2 ấp, 11 và 15, được vinh danh nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau trong công tác xây dựng gia đình hạnh phúc năm 2018. Hơn 1.900 hội viên phụ nữ xã Khánh Thuận đã được lồng ghép, tuyên truyền và hỗ trợ nội dung sinh hoạt tại các CLB Gia đình phát triển bền vững, tạo được hiệu ứng tích cực, sức lan toả rộng khắp”.

 

Giải quyết nhanh thủ tục cho người dân

Nỗ lực cải cách hành chính (CCHC), hướng đến sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp, chính quyền xã Khánh Lộc, huyện Trần Văn Thời tạo được niềm tin trong Nhân dân về sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước.

Rạch Gốc quyết tâm xây dựng nền hành chính văn minh

Thực hiện công tác cải cách hành chính (CCHC) gắn với chuyển đổi số, thị trấn Rạch Gốc đang dồn lực, quyết tâm cao để xây dựng nền hành chính “văn minh”, “hiện đại”, phục vụ tốt nhất cho người dân.

Hoà Mỹ - Hướng dẫn nhiệt tình, giải quyết nhanh gọn

Thời gian qua, UBND xã Hoà Mỹ, huyện Cái Nước nỗ lực thực hiện cải cách hành chính (CCHC), tạo chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp trên địa bàn.

Giải quyết toàn trình khi đăng ký, cấp biển số xe lần đầu

Thời gian qua, ngành thuế tích cực đẩy mạnh giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) cho người nộp thuế (NNT). Trong đó, giải quyết thủ tục khai, nộp lệ phí trước bạ đối với ô tô, xe máy đem lại hiệu ứng tích cực.

“Thị sát” bộ phận một cửa

Ðóng vai một người dân đến thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) tại bộ phận một cửa ở một số xã trên địa bàn tỉnh, thành viên Ðoàn Kiểm tra cải cách hành chính (CCHC) tỉnh đã ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực trong thái độ tiếp công dân của công chức. Cũng từ những chuyến “thị sát” thực tế này đã ghi nhận nhiều hạn chế nhất định.

Cải cách mạnh mẽ nền hành chính ở cơ sở

Là nơi trực tiếp làm việc với công dân, chính quyền cơ sở (xã, phường, thị trấn) trên địa bàn tỉnh không ngừng đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động. Việc xây dựng chính quyền gần dân, vì dân được thể hiện rõ nét trong thực hiện cải cách thủ tục hành chính (TTHC), xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có năng lực, trình độ, gần dân và sát dân.

Ðem lợi ích đến người dân

Thời gian qua, để nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, huyện Ðầm Dơi không chỉ rà soát, cắt giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) mà còn triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hoá phương thức chỉ đạo, điều hành và tiếp nhận, giải quyết TTHC, tăng tỷ lệ hồ sơ trực tuyến.

Nỗ lực dỡ rào cản “Chi phí không chính thức”

Ðược đánh giá là chỉ số nhạy cảm nhất trong 10 chỉ số thành phần cấu thành Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số “Chi phí không chính thức” của tỉnh Cà Mau trong năm qua mặc dù ghi nhận có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng vấn đề cải thiện đối với chỉ số này vẫn còn chậm so với mục tiêu đề ra.

Rõ người, rõ việc, rõ thời gian

“Việc cải cách hành chính (CCHC) cần rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm... để dễ kiểm tra, dễ đánh giá, dễ thúc đẩy, khơi thông nguồn lực đất nước”, đây là yêu cầu được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhắc lại nhiều lần trong các cuộc họp liên quan đến công tác CCHC với các địa phương.

Gỡ “điểm nghẽn” trong đào tạo lao động

Ðứng vị trí 52/63 tỉnh, thành cả nước, Chỉ số thành phần Ðào tạo lao động trong Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh Cà Mau được đánh giá còn nhiều hạn chế, tiêu cực. Trong đó, nhiều điểm nghẽn cần tháo gỡ về công tác đào tạo lao động, tuyển dụng lao động, chất lượng lao động qua đào tạo, hướng đến cải thiện môi trường kinh doanh, tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp (DN).