Giữa tháng 10 âm lịch, anh Trần Hoàng Diệu, ấp Cái Cấm, xã Đông Hưng, huyện Cái Nước bắt đầu cải tạo vuông nuôi tôm theo đúng quy trình kỹ thuật. Vụ nuôi vừa qua, anh Diệu thu về trên 100 triệu đồng. Không chỉ anh Diệu mà tất cả 37 hộ dân trong cánh đồng mẫu (CĐM) nuôi tôm quảng canh cải tiến (QCCT) cùng với 13 hộ đăng ký mới hiện nay đang chạy đua với thời gian. Nguồn nước mặn đã về, quan trọng hơn là cho kịp thu hoạch vào dịp Tết Nguyên đán năm nay.
Giữa tháng 10 âm lịch, anh Trần Hoàng Diệu, ấp Cái Cấm, xã Đông Hưng, huyện Cái Nước bắt đầu cải tạo vuông nuôi tôm theo đúng quy trình kỹ thuật. Vụ nuôi vừa qua, anh Diệu thu về trên 100 triệu đồng. Không chỉ anh Diệu mà tất cả 37 hộ dân trong cánh đồng mẫu (CĐM) nuôi tôm quảng canh cải tiến (QCCT) cùng với 13 hộ đăng ký mới hiện nay đang chạy đua với thời gian. Nguồn nước mặn đã về, quan trọng hơn là cho kịp thu hoạch vào dịp Tết Nguyên đán năm nay.
Kỹ sư Đặng Văn Nhi, phụ trách khuyến nông - khuyến ngư (KNKN) địa bàn xã Đông Hưng, nhớ lại, khi có thông tin Trung tâm KNKN tỉnh thực hiện 1 mô hình CĐM đối với tôm QCCT trên địa bàn huyện, anh đã nhanh chân đăng ký với Phòng NN&PTNT, đặt vấn đề với UBND xã và được các cấp ủng hộ thực hiện. Thế là có 37 hộ dân ấp Cái Cấm cùng hớn hở ghi tên và thực hiện thành công sau 3 tháng triển khai mô hình này.
Nông dân trong cánh đồng mẫu ấp Cái Cấm, xã Đông Hưng trao đổi kỹ thuật, giúp vụ nuôi thắng lợi. |
“Tuy nhiên, điều đáng ghi nhận là 37 hộ dân này không nằm trong danh sách thực hiện mô hình CĐM điểm của Trung tâm KNKN tỉnh. Nhưng với sự quyết tâm của lãnh đạo UBND xã, sự nỗ lực của chi bộ ấp, 37 hộ dân này đã thực hiện thành công. Bởi nền tảng kỹ thuật nuôi tôm QCCT từ lâu, được người dân nơi đây thực hiện khá thành công và thành công hơn khi được nâng cao về quy trình kỹ thuật từ CĐM này”, Kỹ sư Đặng Văn Nhi thông tin.
Khi tham gia vào CĐM, các hộ dân có sự liên kết, trao đổi kỹ thuật, giúp đỡ, chia sẻ lẫn nhau tại hiện trường, tự bảo vệ quyền lợi cho nhau khi hộ có tôm bị dịch bệnh. Quá trình cải tạo và sên vét đều thực hiện đồng loạt, tránh ảnh hưởng môi trường nuôi. Từ sự đồng lòng trong thả giống, cùng nắm bắt, thực hiện kỹ thuật theo quy trình của CĐM, mỗi hộ thu nhập trên 100 triệu đồng/vụ (so với trước khi thực hiện mô hình chỉ trên dưới 45 triệu đồng).
Việc CĐM thực hiện hiệu quả ngay trong mùa nghịch (mùa mưa gần như không thuận lợi cho tôm sú phát triển tốt), càng tạo lòng tin hơn đối với những hộ trong CĐM. Đồng thời, qua đó thu hút những hộ nuôi ngoài mô hình tự nguyện đăng ký tham gia. Từ 37 hộ thực hiện vụ nuôi vừa qua hiện đã đăng ký thêm 13 hộ mới, nâng tổng số 50 hộ, được chia làm 2 tổ.
Chị Phan Mỹ Phượng tiên phong tham gia sản xuất CĐM, năng suất tôm nuôi thu về trên 650 kg/ha. |
Ông Nguyễn Thanh Giảng, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Cái Nước, nhận định: “Trong 4 năm qua, mô hình nuôi tôm QCCT được người dân thực hiện và duy trì hiệu quả cao, từng bước tạo nền tảng vững chắc về kỹ thuật. Cũng từ đó, khi tham gia vào CĐM tại ấp Cái Cấm, người dân tiếp thu, nắm bắt và phát huy được việc ứng dụng kỹ thuật mới. Đó chính là yếu tố giúp mô hình CĐM này thành công như đã qua”.
Đang vào vụ chính nuôi tôm QCCT nên trong CĐM của 5 ấp (Cái Cấm, Nhà Thính A, Phong Lưu, Cái Giếng và Giá Ngự), bà con đang tất bật triển khai, cải tạo vuông nuôi, liên hệ công ty giống, thuốc và thức ăn… Bí thư Chi bộ ấp Cái Cấm Phan Mỹ Phượng cho biết thêm: “Năm nào vào mùa nước mặn người dân nơi đây cũng trúng đậm vụ tôm. Có thu nhập cao nên năm nào bà con cũng ăn Tết sung túc, vui vẻ”.
Phó Chủ tịch UBND xã Đông Hưng Tiêu Quang Khái cho biết: “Sản xuất theo CĐM đã trở thành tập quán sản xuất, thói quen của nông dân trong xã. Đến mùa vụ là những hộ đã thực hiện mô hình này chủ động cùng nhau cải tạo, thuốc cá, bón vôi… chờ ngày họp thống nhất chọn công ty tôm giống có uy tín để thả đồng loạt. Theo đó, nhờ có kỹ thuật và có vốn, nhiều hộ dân đã phát triển lên mô hình nuôi tôm công nghiệp bước đầu cho thành công lớn, góp phần đa dạng hoá mô hình nuôi, nâng cao thu nhập”./.
Bài và ảnh: Diệu Lữ