(CMO) Cùng với âm nhạc, mỹ thuật, thể dục là 1 trong 3 môn học năng khiếu hiện nay được các trường học tổ chức giảng dạy. Tuy nhiên, môn học này có thật sự đạt được chất lượng như mong muốn hay vẫn là sự trăn trở của nhà trường.
Phó hiệu trưởng Trường THPT Hồ Thị Kỷ (Phường 2, TP. Cà Mau) Nguyễn Văn Bàng thẳng thắn nhìn nhận: “Hoạt động giáo dục thể chất đảm bảo theo sự phân phối và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Song, nhìn chung việc giảng dạy bộ môn thể dục của nhà trường những năm qua chưa đạt chất lượng như mong muốn”.
Giờ học võ thuật của học sinh trường THPT Hồ Thị Kỷ. |
Hiệu trưởng trường THCS Võ Thị Sáu (Phường 6, TP. Cà Mau) Tạ Đức Hùng cho biết: “Tình trạng thể chất của học sinh trong trường ngày càng yếu, nguyên nhân chính là do các em ít vận động. Mỗi khi đến mùa nắng nóng, phòng y tế của trường liên tục bị quá tải. Công tác giáo dục thể chất của nhà trường phụ thuộc phần lớn vào cơ sở vật chất. Sân trường chính và các khoảng sân nhỏ trong khuôn viên chỉ chứa tối đa mỗi lớp khoảng 40 học sinh, nên chỉ tạm dạy lý thuyết, muốn chuyên sâu phải dạy chéo buổi”.
Hiện nay, môn thể dục được giảng dạy 2 tiết/tuần. Thực hiện Đề án “Tổng thể phát triển thể chất, thể thao trường học giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2025” của Bộ GD&ĐT, thời gian qua, hoạt động giáo dục thể chất trong nhà trường ngày càng được đổi mới và đa dạng. Nhà trường chủ động lựa chọn môn thể thao, đưa các môn như võ thuật cổ truyền Việt Nam vào giảng dạy, tăng cường dạy bơi lội cho học sinh vào chương trình giáo dục thể chất.
Bên cạnh đó, thực hiện văn bản của Sở GD&ĐT, hiện nay ngoài các tiết học thể dục chính khoá, nhà trường còn bố trí cho học sinh tập thể dục buổi sáng và thể dục giữa giờ. Ngoài ra, lồng ghép các trò chơi, hoạt động hướng về thể chất vào trong môn học, giúp học sinh giảm bớt áp lực căng thẳng từ học tập. Qua đó, học sinh ý thức tầm quan trọng của rèn luyện thể chất.
Tuy nhiên, thực tế nhiều năm qua, trong tâm lý của học sinh thì giáo dục thể chất, rèn luyện sức khoẻ vẫn chưa trở thành nhu cầu tự thân của mỗi học sinh. Như vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến chất lượng giảng dạy môn thể dục thời gian qua vẫn chưa phát huy được hiệu quả như mong muốn?
Thầy Nguyễn Tiến Toàn, giáo viên dạy thể dục trường THPT Hồ Thị Kỷ, chia sẻ: “Thể dục là môn học thuộc về năng khiếu vận động nên nếu học sinh không có đam mê, sở thích sẽ không mặn mà. Bên cạnh đó, do phải học trong khuôn viên của trường chật hẹp, xung quanh là các lớp học chính khoá nên các em không thể thực hiện đầy đủ các hoạt động theo đúng bài bản, kỹ thuật. Ngoài ra, một số thiết bị chưa thật sự đảm bảo như các môn nhảy cao, nhảy xa…”.
Thầy Nguyễn Văn Bàng chia sẻ: "Việc học của học sinh hiện nay đã quá tải, nhiều nội dung kiến thức làm các em bị áp lực và căng thẳng. Ngoài ra, việc đổi mới cách cho điểm bằng hình thức đánh giá bằng chữ "đạt" và "chưa đạt" dẫn đến khó khăn cho thầy cô và hạn chế ý thức học tập của học sinh”.
Bên cạnh cơ sở vật chất, hầu hết giáo viên dạy thể dục ở cấp tiểu học đều là giáo viên chủ nhiệm, chưa có giáo viên chuyên môn như các môn năng khiếu còn lại. Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (Phường 9, TP. Cà Mau) hiện không có giáo viên chuyên dạy thể dục, giáo viên chủ nhiệm trực tiếp giảng dạy cho các em. Để dạy môn bơi lội, nhà trường phải thuê thêm 2 giáo viên chuyên môn. Đây là vấn đề khó về nhân lực của nhà trường.
Sức khoẻ là vàng. Có sức khoẻ thì mới có thể học tập và làm việc tốt. Nâng cao chất lượng công tác giáo dục thể chất và thể thao trường học cần tích hợp nhiều hơn nữa các hoạt động, đáp ứng nhu cầu đa dạng, tạo động lực và hứng thú học tập cho học sinh./.
Kim Chi