(CMO) Thời gian qua, bên cạnh các doanh nghiệp (DN) tuân thủ tốt pháp luật về thuế, vẫn còn một số DN luôn tìm cách gian lận, mua bán hoá đơn không hợp pháp nhằm trốn thuế, chiếm đoạt tiền hoàn thuế từ ngân sách Nhà nước. Ðể xử lý triệt để vấn đề này, cần có giải pháp hữu hiệu, thiết thực hơn.
Công chức Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả Chi cục Thuế khu II tiếp nhận hồ sơ khai thuế của người nộp thuế.
Ông Bùi Quốc Khánh, Trưởng phòng Tuyên truyền - Hỗ trợ người nộp thuế, Cục Thuế tỉnh, cho biết: “Vừa qua, Tổng cục Thuế rà soát, phát hiện một số đối tượng sử dụng chứng minh thư/căn cước công dân (CCCD) giả để thành lập mới hoặc mua lại DN ngừng hoạt động nhằm bán hoá đơn không hợp pháp cho các DN, làm giảm nghĩa vụ thuế đối với ngân sách Nhà nước. Cụ thể, phát hiện 524 DN bán hoá đơn không hợp pháp, hoá đơn khống. Ðây là một trong các hành vi bị nghiêm cấm, được quy định tại khoản 7, Ðiều 6, Luật Quản lý thuế”.
Theo đó, ngành thuế tỉnh rà soát các trường hợp liên quan các DN này để xử lý. “Trong 524 DN vi phạm trên, chủ yếu thuộc địa bàn Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, các thành phố lớn. Tuy nhiên, các DN này phát hành hoá đơn nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Trên cơ sở hoá đơn đó, Cục Thuế rà soát, xem xét, đơn vị nào có liên quan tới hoá đơn của các DN trên thì mời làm việc để giải trình, nếu vi phạm thì tiến hành quy trình xử lý theo quy định”, ông Bùi Quốc Khánh cho biết thêm.
Riêng với Cà Mau, đã qua, ngành thuế tỉnh theo dõi, quản lý sát sao, ghi nhận hiện chưa có trường hợp nào xác định mua bán hoá đơn bất hợp pháp. Chủ yếu là những DN có rủi ro về hoá đơn, các DN bán hàng rồi bỏ địa chỉ kinh doanh đã đăng ký với cơ quan thuế, không còn hoạt động. Ðối với những trường hợp này, ngành thuế ban hành thông báo để các đơn vị, DN khác không sử dụng hoá đơn của DN đó. Trong trường hợp lượng hoá đơn lớn thì chuyển thông tin qua cơ quan công an điều tra.
Tuy nhiên, trường hợp DN có rủi ro về hoá đơn ở Cà Mau không lớn. Từ đầu năm đến nay, ngành thuế tỉnh đã ban hành khoảng 30 công văn thông báo về vấn đề này, chủ yếu ở Chi cục Thuế khu vực II (TP Cà Mau và huyện Ðầm Dơi).
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, ngành thuế quản lý hoá đơn khoảng 8 ngàn DN. Công chức thuế thường xuyên theo dõi, xem DN có lập hoá đơn bất thường hay không, nếu có dấu hiệu rủi ro, nghi vấn, sẽ mời cung cấp thông tin, giải trình. Ðối với DN ngoài tỉnh, xuất hoá đơn về địa phương rất nhiều. Ngành thuế đang bước đầu rà soát, báo cáo, song, khối lượng công việc rất lớn, mất nhiều thời gian.
“Công tác quản lý hoá đơn hiện nay rất khó, các DN rất dễ lập hoá đơn khống, mình vẫn “chạy theo đuôi”. Hiện ứng dụng cũ quản lý hoá đơn DN chưa hạn chế được vấn đề này, không thể chặn được việc xuất hoá đơn khống”, ông Nguyễn Thanh Tòng, Phó trưởng phòng Thanh tra - Kiểm tra số 2, Cục Thuế tỉnh, lý giải.
Trong khi chờ đợi các ứng dụng mới để quản lý chặt chẽ hơn hoá đơn, sắp tới, ngành thuế tỉnh tiếp tục tăng cường quản lý, nếu có dấu hiệu khả nghi sẽ tiến hành các bước kiểm tra sâu hơn, nhằm kịp thời ngăn chặn, xử lý những hành vi vi phạm, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, hạn chế thất thoát ngân sách.
Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH quy định trách nhiệm, quyền lợi của người nộp thuế liên quan đến hoá đơn như sau: Trường hợp người mua hàng hoá, dịch vụ sử dụng hoá đơn, chứng từ không hợp pháp chứng minh được lỗi vi phạm sử dụng hoá đơn không hợp pháp thuộc về bên bán hàng thì bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế theo quy định tại Ðiều 142, Luật Quản lý thuế. Trường hợp phát hiện người nộp thuế sử dụng hoá đơn không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hoá đơn thì bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế theo quy định tại Ðiều 143, Luật Quản lý thuế.
Hồng Nhung