Những năm gần đây, nhiều nông hộ ở huyện Trần Văn Thời nuôi cá đồng trên ruộng lúa đạt hiệu quả kinh tế khá cao, có hộ đạt trên 50 triệu đồng/ha/năm.
Ðể khôi phục nguồn lợi cá đồng hiệu quả, đầu năm 2023, Sở Khoa học và Công nghệ đã thực hiện thí điểm dự án lúa - cá đồng, với diện tích 45 ha trên địa bàn xã Khánh Bình Tây.
Theo bà con, trước đây chỉ mua cá giống về thả thẳng ra ruộng lúa, hiệu quả không cao; với dự án này, cá đồng sẽ được nuôi 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 nuôi cá trong dèo, kết hợp cho cá ăn và xử lý tốt nguồn nước để cá sinh trưởng tốt, hạn chế nhiễm bệnh. Sau 1,5-2 tháng, khi trọng lượng cá lóc đầu nhím đạt từ 100-120 con/kg, cá trê vàng 60-80 con/kg, cá sặt rằn 60-70 con/kg sẽ kiểm đếm, phân loại và thực hiện giai đoạn 2: thả cá ra ruộng nuôi, để cá ăn thức ăn tự nhiên trên ruộng lúa đến khi thu hoạch.
Dự án này tạo tiền đề để nông dân học tập, ứng dụng, hướng tới nhân rộng việc khôi phục nguồn lợi cá đồng, đi đôi với trồng lúa hoặc kết hợp cùng cây trồng khác như bồn bồn, bông súng... giúp nông dân tăng năng suất, nâng cao thu nhập trên cùng diện tích.
3 ao dèo cá lóc, cá bổi và cá trê vàng của ông Lê Thành Long (thứ 2 từ trái sang), ấp Ðá Bạc, xã Khánh Bình Tây, được 2 tháng tuổi. Theo ông Long, cách dèo này giúp cá đạt đầu con, mạnh khoẻ trước khi thả ra môi trường tự nhiên.
Sau 1,5-2 tháng dèo nuôi trong mành lưới, kết hợp cho ăn, cá được thả ra ao đìa, ruộng lúa.
Với 2,7 ha đất sản xuất, gia đình chị Trương Hồng Bế, ấp Vồ Dơi, xã Trần Hợi, quy hoạch trồng rừng, phần đất nông nghiệp được trồng bồn bồn, chuối kết hợp nuôi cá đồng… Tổng các nguồn thu nhập 20-30 triệu đồng/tháng.
Cá bổi con dèo được 2 tháng tuổi, khoẻ mạnh, thích nghi tốt khi thả ra ruộng lúa.
Anh Giang Phong Trần (bìa phải), Khóm 3, thị trấn Trần Văn Thời, nuôi cá bổi công nghiệp 2 năm nay. Áp dụng thử nghiệm mô hình nuôi cá bổi 2 giai đoạn, hiện anh đã thả cá giống ra ruộng lúa, cá phát triển tốt.
Loan Phương - Chí Diện thực hiện