Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang phục hồi sau đại dịch, việc khơi thông nguồn vốn tín dụng đóng vai trò then chốt giúp doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tại tỉnh Cà Mau, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam chi nhánh Cà Mau đã triển khai nhiều giải pháp để tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng cho các doanh nghiệp và người dân, từ đó hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
- Nhân văn nguồn vốn tín dụng ưu đãi
- Tín dụng chính sách xã hội giúp gần 36 ngàn hộ thoát nghèo
- Cầu nối lan toả tín dụng chính sách
- Hơn 733.000 tỷ đồng cho vay tín dụng chính sách xã hội
Theo ông Liêu Trí Tài, Phó giám đốc phụ trách NHNN chi nhánh Cà Mau, chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NÐ-CP của Chính phủ đã đạt được những kết quả đáng kể. Tính đến ngày 31/12/2023, luỹ kế doanh số cho vay được hỗ trợ lãi suất trên toàn tỉnh đạt khoảng 2.672 tỷ đồng cho 8 khách hàng, với số tiền lãi đã hỗ trợ hơn 13,68 tỷ đồng.
Theo Nghị quyết 33/NQ-CP, gói tín dụng 120 ngàn tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ đã được triển khai. UBND tỉnh Cà Mau đã công bố danh mục dự án nhà ở xã hội, trong đó có Dự án Nhà ở xã hội phường Tân Xuyên, TP Cà Mau, với diện tích 3,44 ha, quy mô 237 căn, tổng mức đầu tư 108 tỷ đồng. Các ngân hàng thương mại trên địa bàn đã chủ động tiếp cận và cho vay các dự án này.
Thông tư số 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng gặp khó khăn cũng đã được triển khai hiệu quả. Ðến ngày 2/6, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho 608 khách hàng, với doanh số khoảng 1.444 tỷ đồng. Riêng lĩnh vực thuỷ sản có 263 khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ với doanh số đạt khoảng 784 tỷ đồng.
Các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh triển khai nhiều giải pháp để tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp và người dân.
Các chi nhánh ngân hàng thương mại đã triển khai chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thuỷ sản với doanh số giải ngân luỹ kế đạt khoảng 3.597 tỷ đồng, chiếm 12% tổng quy mô của gói tín dụng 30 ngàn tỷ đồng của cả nước, hỗ trợ 31 khách hàng vay vốn.
NHNN Chi nhánh Cà Mau đã phối hợp với các sở, ban, ngành tổ chức Hội nghị kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp nhằm kịp thời nắm bắt những khó khăn và tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp. Ðến nay, các chi nhánh ngân hàng thương mại đã cam kết cho vay mới đạt gần 1.142 tỷ đồng và dư nợ cho vay đạt trên 355 tỷ đồng cho 58 khách hàng.
Ông Mạch Quốc Phong, Giám đốc KienlongBank Cà Mau, cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, KienlongBank đã triển khai nhiều gói vay và chương trình ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn; gói vay “Lãi 0 đồng - Thông nguồn vốn” hỗ trợ khách hàng cá nhân đẩy mạnh sản xuất, phát triển nông nghiệp, nông thôn và phục vụ nhu cầu vay vốn tiêu dùng, đời sống. Chương trình "Ðặc quyền ưu đãi" với quy mô 3 ngàn tỷ đồng và Chương trình “Ưu đãi cực sốc - Tăng tốc kinh doanh” cũng đã được triển khai, giúp nhiều doanh nghiệp cải thiện sản xuất và phát triển kinh doanh. Theo đó, doanh nghiệp được linh hoạt lựa chọn nhiều gói vay, với thời gian ưu đãi cố định từ 3-18 tháng cùng với mức lãi suất hấp dẫn từ 0%. Chương trình này hiện vẫn đang triển khai để hỗ trợ khách hàng tại tỉnh Cà Mau.
Bên cạnh việc triển khai các gói vay dành cho từng phân khúc khách hàng, KienlongBank Cà Mau còn triển khai hỗ trợ khách hàng ở một số lĩnh vực liên quan như giảm hoặc miễn phí chuyển tiền, phí quản lý tài khoản cho các khách hàng cá nhân và doanh nghiệp theo từng thời kỳ.
KienlongBank Cà Mau luôn chủ động triển khai nhiều gói tín dụng ưu đãi phù hợp với nhu cầu và điều kiện của khách hàng.
Ông Mạch Quốc Phong chia sẻ: "Tại Cà Mau, KienlongBank, với 1 chi nhánh và 3 phòng giao dịch trực thuộc, đã hỗ trợ hiệu quả cho khách hàng, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất, dịch vụ và nông nghiệp. Nhiều khách hàng đã ổn định kinh tế, vượt qua khó khăn và đóng góp vào sự phát triển kinh tế địa phương".
Việc khơi thông nguồn vốn tín dụng tại tỉnh Cà Mau không chỉ giúp doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn mà còn góp phần vào sự phát triển bền vững của địa phương. Tuy nhiên, theo nhận định của ông Liêu Trí Tài, tình hình doanh nghiệp trong tỉnh còn gặp không ít khó khăn, một số doanh nghiệp giảm quy mô hoạt động, thu hẹp sản xuất nên không có nhu cầu vay vốn mặc dù lãi suất của các ngân hàng đã giảm, do đó dư nợ tín dụng trong tỉnh 6 tháng đầu năm tăng không nhiều. Thời gian tới, NHNN chi nhánh Cà Mau và các ngân hàng thương mại trên địa bàn sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp hiệu quả, đảm bảo nguồn vốn tín dụng được sử dụng đúng mục đích và đem lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng./.
Phúc Duy