(CMO) Thời điểm hiện tại, học sinh tại các trường THPT trên địa bàn tỉnh đang bước vào giai đoạn kiểm tra giữa kỳ năm học 2021-2022. Ðây cũng là lần đầu tiên việc kiểm tra định kỳ được các trường thực hiện bằng hình thức Online. Ngoài việc đảm bảo đường truyền như trong mọi buổi học, một thách thức mới cho thầy cô giáo và các nhà trường là việc đảm bảo công bằng, khách quan nhưng cũng không gây áp lực, nặng nề cho học sinh.
Chị Lê Thị Nhiên (Phường 6, TP Cà Mau) lo lắng khi con chuẩn bị làm bài kiểm tra giữa kỳ. Con chị năm nay học cuối cấp THPT, vì thế, mỗi kỳ thi, đánh giá rất quan trọng bởi điểm số, xếp loại có ý nghĩa quyết định để xét tuyển vào đại học.
“Tôi lo không biết thi Online có thực sự đảm bảo an toàn, khách quan khi không có sự giám sát của giáo viên. Hy vọng trong quá trình thi không xảy ra sự cố về mạng để con thuận lợi làm bài”, chị Nhiên trăn trở.
Vì là lần đầu thực hiện hình thức kiểm tra giữa kỳ Online, Trường THPT Nguyễn Việt Khái (TP Cà Mau) có sự chuẩn bị cẩn thận từ trước, nhưng cũng không tránh khỏi khó khăn, thách thức cho các thầy cô lẫn học sinh. Ngoại trừ môn Ngữ văn bắt buộc phải thi tự luận, các môn khác nhà trường đều sử dụng hình thức trắc nghiệm để học sinh dễ dàng khi làm bài, giáo viên cũng thuận lợi khi chấm.
Cô Nguyễn Thanh Mẫn, giáo viên môn Ngữ văn, Trường THPT Nguyễn Việt Khái, cho biết, nếu học trực tiếp, khi ra một đề thi hoàn chỉnh phải đảm bảo 4 mức độ: thông hiểu, nhận biết, vận dụng và vận dụng cao thì mới có thể tiến hành kiểm tra, đánh giá toàn diện chất lượng học sinh. Còn thi Online, cách ra đề vẫn đảm bảo cấu trúc đề của Bộ Giáo dục và Ðào tạo nhưng lượng kiến thức sẽ được giảm tải. Bên cạnh đó, giáo viên từng bộ môn phải tính toán để đề kiểm tra phù hợp với năng lực học sinh.
“Ðể tránh tình trạng các em bỡ ngỡ khi làm bài, trước khi bắt đầu ngày kiểm tra chính thức, tôi đã tổ chức 2 lần thi thử để các em làm quen với cách vào phòng thi, nộp bài bằng hình thức Online. Ðối với nội dung đề, tổ chuyên môn tiến hành họp Online thống nhất tinh thần ra đề là học gì thi đó. Học Online đã khó, không thể để kỳ kiểm tra trở nên áp lực nặng nề cho các em”, cô Mẫn chia sẻ.
Theo kế hoạch năm học 2021-2022, đến nay các khối lớp trung học đã trải qua 12 tuần học Online theo phân phối chương trình của Bộ Giáo dục và Ðào tạo. Tuỳ vào tình hình của từng trường, việc kiểm tra đánh giá giữa học kỳ 1 sẽ diễn ra từ giữa tháng 11/2021.
Thầy Chung Mạnh Tưởng, Phó hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Việt Khái, cho biết, trường chủ động xây dựng lại phân phối chương trình, đáp ứng theo những công văn, hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Ðào tạo trên tinh thần giảm tải những kiến thức quá khó, tập trung vào nội dung cốt lõi, cơ bản. Chính vì thế, lần tổ chức kiểm tra đánh giá định kỳ này, đề thi sẽ bám sát với những gì các em đã học, không ra đề ở các phần giảm tải tự học.
“Ðể giám sát học sinh trong quá trình làm bài, trường áp dụng quy trình giám sát kiểm tra qua phần mềm K12 Online, khuyến khích giáo viên lấy ý kiến học sinh về thời gian kiểm tra, đặt chế độ phù hợp để tránh tình trạng mạng chập chờn, bảo toàn thời gian làm bài cho các em. Trước khi làm bài, học sinh có 10 phút để kiểm tra thiết bị”, thầy Tưởng cho biết thêm.
Thầy Chung Mạnh Tưởng, Phó hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Việt Khái (TP Cà Mau) sử dụng phần mềm K12 Online để dạy học, đồng thời giám sát học sinh kiểm tra giữa kỳ trực tuyến. |
Về phần giáo viên, ngay từ đầu nhà trường đã chỉ đạo các tổ chuyên môn biên soạn ma trận đề, ngân hàng câu hỏi. Một trong những lo ngại mà rất nhiều giáo viên băn khoăn, có thể xảy ra tình trạng học sinh nhờ sự trợ giúp của người thân trong gia đình, mặt khác tình trạng mạng chập chờn, học sinh chậm nộp bài cũng dễ bị “văng ra” khỏi lớp.
Thầy Chung Mạnh Tưởng cho rằng: “Những khó khăn, bất cập đó mình phải chấp nhận vì không còn cách nào khác, giải pháp bây giờ cũng chỉ là tuyên truyền, nêu cao tinh thần tự giác, trung thực của học sinh. Bên cạnh đó, nhà trường yêu cầu giáo viên tổ chức kiểm tra phải công tâm, minh bạch, phân phối thời gian hài hoà, nhẹ nhàng”./.
Hữu Nghĩa