(CMO) Chủ nghĩa xã hội là mục tiêu, lý tưởng của Ðảng Cộng sản và Nhân dân Việt Nam; đi lên chủ nghĩa xã hội là yêu cầu khách quan, là con đường tất yếu của cách mạng Việt Nam, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại.
Sau hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn. Tuy nhiên, các thế lực thù địch, phản động luôn cố tình đổi trắng thay đen, xuyên tạc bản chất, tính chất, những thành tựu to lớn của dân tộc ta trong sự nghiệp đổi mới đất nước và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.
Tranh: Minh Tấn |
Khẳng định thành tựu sự nghiệp đổi mới
Thực tế lịch sử cách mạng Việt Nam cho thấy, sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, nền kinh tế bắt đầu phát triển và phát triển liên tục với tốc độ tương đối cao, mức tăng trưởng trung bình khoảng 7% mỗi năm. Quy mô GDP không ngừng được mở rộng, năm 2020 đạt 342,7 tỷ USD, trở thành nền kinh tế lớn thứ tư trong ASEAN. Thu nhập bình quân đầu người tăng khoảng 17 lần, lên mức 3.512 USD; Việt Nam đã ra khỏi nhóm các nước có thu nhập thấp từ năm 2008.
Từ một nước bị thiếu lương thực triền miên, đến nay, Việt Nam không những đã bảo đảm được an ninh lương thực mà còn trở thành nước xuất khẩu gạo và nhiều nông sản khác đứng hàng đầu thế giới.
Công nghiệp phát triển khá nhanh, tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ liên tục tăng và hiện nay chiếm khoảng 85% GDP. Tỷ lệ hộ nghèo trung bình mỗi năm giảm khoảng 1,5%.
Ðến nay, hơn 60% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; hầu hết các xã nông thôn đều có đường ô tô đến trung tâm, có điện lưới quốc gia, trường tiểu học, trung học cơ sở, trạm y tế và điện thoại.
Việt Nam tập trung hoàn thành xoá mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học vào năm 2000 và phổ cập giáo dục trung học cơ sở năm 2010; số sinh viên đại học, cao đẳng tăng gần 17 lần trong 35 năm qua. Tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em và tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh giảm gần 3 lần. Tuổi thọ trung bình của dân cư tăng từ 62 tuổi năm 1990 lên 73,7 tuổi năm 2020. Ðời sống văn hoá cũng được cải thiện đáng kể; sinh hoạt văn hoá phát triển phong phú, đa dạng.
Việt Nam có khoảng 70% dân số sử dụng Internet, là một trong những nước có tốc độ phát triển công nghệ tin học cao nhất thế giới. Liên hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong việc hiện thực hoá các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ. Năm 2019, chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam đạt mức 0,704, thuộc nhóm nước có HDI cao của thế giới, nhất là so với các nước có cùng trình độ phát triển[1].
Kiến tạo xã hội mới mạnh về chất
Cả lý luận và thực tiễn đều cho thấy, xây dựng chủ nghĩa xã hội là kiến tạo một kiểu xã hội mới về chất, hoàn toàn không hề đơn giản, dễ dàng. Ðây là cả một sự nghiệp sáng tạo vĩ đại, đầy thử thách, khó khăn, một sự nghiệp tự giác, liên tục, hướng đích, lâu dài, không thể nóng vội. Trên cơ sở đó, tôi đề xuất một số giải pháp cần thực hiện thời gian tới như sau:
Một là, đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng chú trọng hơn chất lượng và tăng tính bền vững.
Hai là, đẩy mạnh công tác giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng y tế, giáo dục và các dịch vụ công ích khác, nâng cao hơn nữa đời sống văn hoá cho Nhân dân.
Ba là, phát huy mạnh mẽ vai trò sáng tạo, sự ủng hộ và tham gia tích cực của Nhân dân, tập trung phục vụ Nhân dân tốt hơn. Nhân dân vừa là mục tiêu nhưng cũng vừa phải là động lực. Việc đẩy thuyền cũng là dân mà lật thuyền cũng là dân nên vai trò của người dân phải đặt đúng tầm, đúng vị trí thì mới thành công. Khi phát huy được vai trò của Nhân dân thì tiềm năng của đất nước sẽ được khai thông và bứt phá. Khi ấy, mọi mục tiêu của Ðảng và Nhà nước sẽ thành công.
Bốn là, kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa trong quá trình cải cách, đổi mới xây dựng chủ nghĩa xã hội. Tính khoa học và cách mạng triệt để của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là những giá trị bền vững, đã và đang được những người cách mạng theo đuổi và thực hiện.
Năm là, kết hợp tổng kết lịch sử, vừa gắn với tổng kết thực tiễn quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội để định ra đường lối chiến lược phù hợp và những động lực phát triển đất nước. Chúng ta không tô hồng hay bóp méo lịch sử mà thông qua tổng kết để xác định chủ trương, đường lối đúng; xác định những biện pháp nhằm tiếp tục tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc thông qua các phong trào thi đua, các cuộc vận động; phát huy tốt tinh thần đoàn kết, dân chủ, quyết tâm đổi mới; chú trọng phân tích, dự báo tình hình và thường xuyên kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện; kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực để tạo sức lan toả trong cộng đồng.
Sáu là, kiên định, giữ vững vai trò lãnh đạo của Ðảng Cộng sản, không chấp nhận đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, trên cơ sở nền tảng của Ðảng là chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
Bảy là, quán triệt, tuyên truyền nội dung bài viết của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”. Ðây là nội dung quan trọng và có ý nghĩa rất sâu sắc xuất phát từ thực tiễn Việt Nam, cần được học tập, quán triệt sâu rộng trong cán bộ, nhân viên và người lao động, tạo sự thống nhất nhận thức về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam, về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam./.
[1] Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, H.2022, tr.30.
Trần Văn Thơm