“Truyền thống cách mạng của dòng họ là sợi chỉ đỏ xuyên suốt, sản sinh ra những người con anh hùng, bất kể nam hay nữ. Bà Lê Thị Thơi, em gái thứ Bảy của ông Lê Văn Chương cũng đi kháng chiến hồi thời 9 năm (1945-1954). Những năm 1970 ác liệt, Nguyễn Việt Bắc - con trai duy nhất của bà Thơi - hy sinh khi chưa tròn 20 tuổi. Ngày ông Sen (chồng bà Thơi) trở về, hai vợ chồng - hai đồng chí - hai thương binh, đã ngót 60 tuổi.
Bà Thơi được Nhà nước phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng. Giờ vợ chồng mẹ Thơi đã ngoài 80 tuổi, chuyển về sinh sống ở TP Bạc Liêu", ông Lê Sơn Hải (Sáu Hải), Ấp 5, xã Tân Lộc, huyện Thới Bình, mở đầu câu chuyện về kiến họ Lê ở xứ này.
Dòng Rạch Ván uốn mình theo kinh xáng Láng Trâm bên kia. Rạch Ván còn được nối thông với nhiều con rạch xuyên qua xóm Chòm Cau, Ổ Heo rồi ra Cây Mốp về Ðồng Sậy… Cách chợ Tân Lộc (cầu Số 4) chưa đầy 2 km, nơi đây là cái nôi cách mạng xuyên suốt 2 thời kỳ kháng chiến chống Pháp và Mỹ.
Mẹ Việt Nam anh hùng Hồ Thị Lan có chồng và 1 con liệt sĩ. Mẹ là con của kiến họ Lê. |
“Khu vực này chỉ cách đồn bót địch phía cầu Số 4 và cầu Số 3 vài ba cây số. Nhưng xưa nhiều lần chúng hành quân đều bị ta phục kích bẻ gãy kế hoạch. Nhờ sự đồng lòng, đùm bọc của bà con mà lực lượng cách mạng được nuôi chứa và trưởng thành từ đây”, ông Lê Ðoàn Kết, Bí thư Chi bộ Ấp 5, xã Tân Lộc, huyện Thới Bình, nhớ lại.
Nhắc đến Rạch Ván, lại nhớ đến một mắt xích chống càn trong những năm 1972, 1973. Từ cầu Số 4 (khu vực chợ Tân Lộc ngày nay), giặc thường cơ động qua Ao Nước (khu vực ao nước sử dụng tập trung của người dân) đi vào các xóm: Ngọn Tre, ngọn Rạch Ván, xóm Chòm Cau, Ổ Heo hay vàm Cây Mốp… Với ý thức cảnh giác cao độ, Nhân dân thường báo tin kịp thời cho các lực lượng của ta, nhất là dân quân du kích bẻ gãy kế hoạch của chúng.
Hy sinh, mất mát của Nhân dân trong vùng cho cách mạng và đánh giặc khó có thể kể xiết. Ðiều đó càng làm tăng ý chí căm thù của người dân xứ này. “Mấy chục nóc nhà trên tuyến vàm Rạch Ván hầu hết đều theo cách mạng. Vàm Rạch Ván cũng như bao vùng đất khác trên quê hương này đều được giành lại bằng máu và nước mắt”, ông Lê Sơn Hải khẳng định.
Cũng ở vùng này, cách nay hơn 10 năm, vô tình tôi nghe được tâm sự một người cha, cả cuộc đời canh cánh bên lòng về người đồng đội của con trai thứ Tư của mình. Người đồng đội ấy đã viết nên những vần thơ bằng máu và nước mắt tóm lược cả cuộc đời hoạt động cách mạng của con trai ông - Lê Măng.
Người cha ấy là ông Lê Văn Chương. Ông có cả thảy 11 người con (9 trai, 2 gái). Hồi thời 9 năm kháng chiến chống Pháp, ông thoát ly tham gia kháng chiến. Nối gót ông, 3 người con trai lớn cũng tham gia và tập kết ra Bắc. Ðến kháng chiến chống Mỹ, gia đình ông tiếp tục tiễn thêm 7 người con cả trai và gái tham gia kháng chiến ở nhiều trận tuyến.
2 người con trai thứ Tư và thứ Tám của ông hy sinh khi đang làm nhiệm vụ. Anh thứ Tư trên đường về căn cứ, tranh thủ tạt qua nhà thăm mẹ, chưa kịp ăn bữa cơm mẹ nấu thì bị lính biệt kích phát hiện truy đuổi. Anh hy sinh khi mới tròn 21 tuổi.
Bọn Mỹ - nguỵ kéo xác anh về đồn phơi nắng. Vợ ông Chương (bà Nguyễn Thị Lén) đứt ruột cùng phụ nữ trong xóm đấu tranh đòi được chôn cất tử tế cho anh. Nỗi đau chưa nguôi ngoai thì nghe tin người con thứ Tám hy sinh trong trận máy bay oanh tạc ở Cạnh Ðền (Kiên Giang).
Gương hy sinh anh dũng của 2 người con của ông Chương khi ấy trở thành phong trào hành động cách mạng của tuổi trẻ xóm này. Ông Chương vẫn muốn biết rõ hơn về quá trình hoạt động cách mạng của con trai thứ Tư và tìm được mộ của con trai thứ Tám; song, đến cuối đời, ông và bà vẫn chưa tìm được.
Năm 2013, một lần vô tình biết được bài thơ "Măng và Lan" của tác giả Nghê Trường Sinh, tôi giới thiệu ngay cho gia đình mẹ Lén. Nhưng khi liên hệ thì ông Nghê Trường Sinh, đồng đội của con trai thứ Tư mẹ Lén cũng vừa mới trút hơi thở cuối cùng tại gia đình ở xã Phú Mỹ, huyện Phú Tân.
Gia đình mẹ Lén là một trong những gia đình giàu truyền thống cách mạng của kiến họ Lê ở vàm Rạch Ván, thuộc Ấp 5, xã Tân Lộc, huyện Thới Bình. Sau ngày giải phóng, 9 người con còn lại của mẹ tiếp tục đảm nhận nhiều nhiệm vụ công tác ở nhiều địa phương: Cà Mau, Vĩnh Long, An Giang, Kiên Giang.
Cô Lê Thị Dung, giáo viên chủ nhiệm lớp 3C, Trường Tiểu học Tân Lộc, giáo dục truyền thống cách mạng cho học sinh tại Nhà bia Ghi danh liệt sĩ xã Tân Lộc. |
Có lẽ, niềm hạnh phúc lớn nhất đời mẹ sau những đớn đau mất mát là quê hương không còn cảnh đạn bom, gia đình được sum họp. Từ năm 1985 trở về sau này, gia đình của mẹ được Nhà nước vinh danh 2 liệt sĩ và 8 thương binh. Mẹ vinh dự được Nhà nước truy tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng.
“Ngày mẹ Nguyễn Thị Lén được truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, các con, dâu, rể của mẹ dù đã ngoài 70 tuổi nhưng vẫn không cầm được nước mắt. Nhiều người dân ở Rạch Ván cũng kéo đến nhà để chúc mừng. Lâu lắm mới có được một ngày vui chung, bởi đây không chỉ là niềm tự hào của một dòng họ…”, ông Lê Ðoàn Kết nhớ lại.
Những ngày cuối năm 2016, Rạch Ván lại thêm niềm vui, đó cũng là niềm vui chung của Ðảng bộ và Nhân dân xã Tân Lộc - xã vinh dự có thêm 2 mẹ được truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Ông Lê Ðoàn Kết mở sổ ghi chép điểm lại: “Vậy là ấp mình đến nay có 34 gia đình liệt sĩ, 46 gia đình thương binh; 14 mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng. Trong số đó có 12 mẹ là con gái, con dâu của kiến họ Lê”.
Họ tộc vẫn thường hay nhắc nhở về những hạt nhân cách mạng đầu tiên của họ Lê từ thời 9 năm chống Pháp: Lê Văn Chương, Lý Văn Sạn, Từ Văn Ại, Lê Hải Triều. “Những chiến sĩ cách mạng ngày ấy ở Tân Lộc, của dòng họ Lê, nhiều người cũng đã chạm ngưỡng tuổi 80, nhưng vẫn hăng hái tham gia hoạt động tại địa phương. Họ là nhịp cầu nối giữa truyền thống và hiện tại để con cháu đời sau tiếp bước”, Bí thư Ðảng uỷ xã Tân Lộc Lê Thành Tây tâm tình./.
Trải qua 2 cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp và chống Mỹ, Ðảng bộ, quân và dân Tân Lộc vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân. Toàn xã có 51 Bà mẹ Việt Nam anh hùng và 375 gia đình có người hưởng chính sách người có công, hưởng trợ cấp thường xuyên. |
Bài và ảnh: Phong Phú