Thời gian gần đây, các thế lực thù địch lợi dụng việc phát hiện, xử lý những vụ việc tham nhũng phức tạp trong cán bộ, đảng viên để tung ra những luận điệu xuyên tạc nhằm đánh mất niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Ðảng, gây hoài nghi trong dư luận. Ðể vạch trần mọi âm mưu xuyên tạc của các thế lực thù địch, đòi hỏi chúng ta phải đồng lòng, chung tay tuyên truyền, phản bác, ngăn chặn các luận điệu xuyên tạc, bịa đặt về công tác này, củng cố niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Ðảng.
Tranh: MINH TẤN
Nhận diện âm mưu xuyên tạc
Thời gian qua, nhiều vụ việc tham nhũng được đưa ra ánh sáng, cũng từ đó dư luận xã hội lại càng quan tâm hơn. Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thành lập càng thể hiện quyết tâm cao, dần khắc phục được tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, tạo sự thống nhất chặt chẽ từ Trung ương đến tận cơ sở.
Thực tế cho thấy, mỗi khi có vụ việc tham nhũng đưa ra xét xử thì trên các diễn đàn xuất hiện nhiều thông tin trái chiều của các thế lực thù địch, nhằm đánh vào nhận thức không chỉ đối với người dân mà còn vào một bộ phận cán bộ, đảng viên.
Công nghệ truyền thông phát triển thì những “anh hùng sâu mọt” trên bàn phím cũng xuất hiện với tần suất dày đặc. Chúng đặt điều, tung ra các luận điệu xuyên tạc cho rằng, đấy là “đấu đá nội bộ, phe cánh”. Các thủ đoạn xuyên tạc ngày càng thâm sâu hơn, nào là “chế độ cộng sản thì ai cũng tham nhũng và không thể chống được tham nhũng”... Mục đích nhằm chia rẽ nội bộ, phá hoại sự đồng thuận của xã hội, lôi kéo tạo sự “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong cán bộ, đảng viên.
Nghiêm trọng hơn, chúng lợi dụng các sự kiện quan trọng của đất nước, địa phương để đăng tải, chia sẻ thông tin, bài viết với nội dung chống phá Ðảng, Nhà nước. Lôi kéo một bộ phận những người hiếu kỳ, nhẹ dạ cả tin đứng về phía họ để chống lại chế độ ta; đăng thông tin thiếu kiểm chứng, sai sự thật về công tác phòng, chống tham nhũng của Ðảng ta để “câu like”, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của các cá nhân và tổ chức; phát tán thông tin xấu độc, làm nhiễu thông tin trong dư luận để chúng ta không kịp đưa ra những biện pháp phản bác.
Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã nhận được sự ủng hộ, tin tưởng ngày càng lớn của Nhân dân và cán bộ, đảng viên đối với vai trò lãnh đạo của Ðảng, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội. Dù cán bộ đương chức hay nghỉ hưu, phát hiện ai sai phạm đều bị xử lý công khai, điều đó thể hiện sự nghiêm minh của Ðảng, sự thượng tôn pháp luật, cảnh tỉnh, răn đe mạnh mẽ đối với những cán bộ, đảng viên có chức, có quyền trong hệ thống chính trị.
Nhân kỷ niệm 93 năm Ngày Thành lập Ðảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2023), Cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực góp phần xây dựng Ðảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch vững mạnh” của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã được xuất bản, nêu lên giá trị sâu sắc về lý luận và thực tiễn.
Ngay sau khi ra mắt bạn đọc, trên các nền tảng mạng xã hội, website, các thế lực thù địch đã cố tình xuyên tạc, phủ nhận ý nghĩa và giá trị của cuốn sách, cũng như phủ nhận những kết quả phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Việt Nam. Tất cả những luận điệu ấy nhằm mục đích phủ nhận, đánh lạc hướng dư luận, bào mòn niềm tin của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân.
Thực tế cho thấy, đâu chỉ riêng ở Việt Nam, mà nhiều nước phát triển cũng đẩy mạnh việc tuyên truyền phòng, chống tham nhũng và còn thành lập trung tâm thông tin về tham nhũng. Cho nên, tham nhũng, tiêu cực xuất hiện ở nước ta không có gì gọi là bất thường, một khi phát hiện có dấu hiệu tham nhũng thì điều tra xử lý và đấu tranh ngăn chặn, vấn đề quan trọng đáng để tự hào là Ðảng ta đã thẳng thắn thừa nhận và dũng cảm đấu tranh quyết liệt cho công tác này.
Kiên định, kiên trì phòng, chống tham nhũng
Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta, trực tiếp là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo, đã đạt được những kết quả tích cực, để lại ấn tượng tốt đẹp, được cán bộ, đảng viên và Nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao.
Với tinh thần chỉ đạo kiên quyết của Trung ương, sự vào cuộc của các cấp, ngành, từ đầu nhiệm kỳ Ðại hội Ðảng lần thứ XIII đến nay, nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng đã được đưa ra xét xử nhanh chóng, không để tình trạng án đọng kéo dài, gây bức xúc trong xã hội.
Tuy nhiên, điều cần nhất lúc này là sự tự giác, thống nhất cao về ý chí và hành động. Ðảng, Nhà nước và Nhân dân đồng lòng, hiệp sức để chiến đấu, dập tắt các hành vi tham nhũng; đồng thời đập tan những luồng dư luận trái chiều của các phần tử xấu. Ði đôi với các chủ trương, quy định về mặt văn bản đã được ban hành, phải gắn chặt với công tác điều tra, xử lý nghiêm các vụ việc tham nhũng để tạo sức răn đe, cảnh tỉnh cho nhiều người.
Ðể làm được điều này, mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị và cá nhân phải khách quan, kịp thời nhận định tình hình, đánh giá chính xác những thông tin trái chiều, không đúng sự thật; chủ động trong việc cung cấp và chia sẻ thông tin cho báo chí, nhằm giải toả tâm lý bất an của người dân, trấn an dư luận.
Mục tiêu lớn nhất của Ðảng ta là xây dựng Ðảng ngày càng trong sạch, vững mạnh; tất cả vì công bằng xã hội, hạnh phúc của Nhân dân. Ðể các thế lực phản động không thể bóp méo sự thật về cuộc chiến chống tham nhũng, đòi hỏi toàn Ðảng, toàn dân ta cùng nhau đoàn kết, chung sức, đồng lòng phản bác lại các quan điểm, luận điệu sai trái, thù địch. Dù là khó khăn, nhiều thử thách, nhưng với quyết tâm cao, sự đồng lòng nhất trí của toàn Ðảng, toàn dân, thì chắc chắn cuộc chiến này sẽ thành công.
Thời gian tới, để công tác phòng, chống tham nhũng tiếp tục lan toả mạnh mẽ hơn nữa, phải phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, tạo niềm tin vững chắc cho Nhân dân; phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi phạm tội.
Nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên, nhất là vai trò của người đứng đầu cấp uỷ. Sẵn sàng đưa ra khỏi Ðảng những đảng viên không đủ tư cách, phẩm chất, uy tín làm nguy hại đến quốc gia, dân tộc.
Mỗi cán bộ, đảng viên cần tỉnh táo, không ngừng trau dồi học tập, nghiên cứu, bồi dưỡng lý luận chính trị, rèn luyện phẩm chất đạo đức để giữ gìn cái tâm trong sáng, gìn giữ phẩm giá của người đảng viên, đấu tranh vượt qua mọi cám dỗ.
Ðối với người dân, cần chủ động tiếp cận thông tin từ những kênh chính thống; không để dao động, mơ hồ trước những luận điệu xuyên tạc về vấn đề phòng, chống tham nhũng.
Ðối với bản thân mỗi người, cần giữ vững lập trường tư tưởng, kiên định ủng hộ chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bác bỏ mọi âm mưu đả kích, xuyên tạc của kẻ thù. Có như vậy, mới góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân, cùng đồng tâm hiệp lực đưa nước ta tiến bước đi lên con đường chủ nghĩa xã hội./.
Nguyễn Thanh Nhàn