Chiều 27/10, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức hội nghị tổng kết 6 năm thực hiện Luật Báo chí 2016 gắn với 10 điều quy định về đạo đức nghề nghiệp, quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo.
Sau 6 năm thực hiện Luật Báo chí 2016 gắn với 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp, Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt, đã có 90 trường hợp nhà báo, hội viên, phóng viên vi phạm. Theo đó, Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp người làm báo ở Trung ương và các địa phương, đơn vị đã xem xét, xử lý đối với hơn 30 trường hợp vi phạm từ phê bình nhắc nhở đến khai trừ thu hồi thẻ hội viên.
Tại hội nghị, các đại biểu trình bày 16 tham luận về Luật Báo chí 2016 gắn với 10 điều quy định về đạo đức nghề nghiệp, quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam.
Từ đầu năm 2023 đến nay, Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp cấp Trung ương đã xử lý và kiến nghị xử lý 6 vụ việc liên quan đến 7 trường hợp là phóng viên, hội viên vi phạm pháp luật. Trong đó, tạm đình chỉ sinh hoạt Hội 2 trường hợp chờ kết luận của cơ quan chức năng, các trường hợp khác là cộng tác viên, phóng viên chưa phải là hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, 2 trường hợp bị xử lý kỷ luật bằng hình thức phê bình.
Ngoài ra, Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam ban hành 3 quyết định khai trừ, thu hồi thẻ 4 hội viên vi phạm pháp luật.
Từ những tồn tại và hạn chế, các đại biểu dự hội nghị cũng thảo luận, đưa ra những nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm để áp dụng Luật Báo chí 2016 gắn với 10 điều quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, quy tắc sử dụng MXH của người làm báo Việt Nam vào thực tiễn hiệu quả hơn. Đó là, sửa đổi, bổ sung Điều 8 Luật Báo chí theo hướng nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nhà báo Việt Nam trong giáo dục bồi dưỡng đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ người làm báo.
Hội nghị có sự tham dự của đại diện Hội nhà báo, các cơ quan báo chí 19 tỉnh, thành khu vực phía Nam.
Ngoài quy định về nhà báo và phóng viên thường trú, cần bổ sung quy định chặt chẽ về Văn phòng đại diện, về nhiệm vụ, quyền hạn của cộng tác viên ở văn phòng đại diện ở các địa phương để tránh những kẽ hở trong phối hợp với địa phương trong thu nhận, cung cấp thông tin.
Luật cần quy định chặt chẽ việc tuyển dụng phóng viên của các cơ quan báo chí để nâng cao chất lượng, hạn chế những sai sót của phóng viên. Cần quy định hoạt động của các đối tượng đang thực hiện nghiệp vụ phóng viên trong cơ quan báo chí dưới 2 năm, chưa đủ điều kiện cấp thẻ nhà báo...
Đồng thời, cần có những quy định cụ thể trong ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) trong hoạt động báo chí để góp phần định hướng truyền thông trên môi trường số, đồng thời ngăn chặn những tiêu cực có thể nảy sinh từ xu hướng đang phát triển mạnh mẽ…
Ông Trần Trọng Dũng, Phó chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, phát biểu tổng kết hội nghị.
Ông Trần Trọng Dũng, Phó chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, đánh giá, Hội nghị ghi nhận nhiều ý kiến trao đổi tâm huyết, sâu sắc của đại diện các hội nhà báo 19 tỉnh, thành phố phía Nam cùng các đại biểu tham dự. Các ý kiến bày tỏ mong muốn có sự tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa hội nhà báo địa phương với các cơ quan chức năng trong việc xử lý vi phạm pháp luật, đạo đức nghề nghiệp của người làm báo. Cùng với đó, đại biểu tập trung phân tích vai trò của công tác giáo dục chính trị tư tưởng, chủ trương chính sách, pháp luật đối với hội viên người làm báo để ngăn chặn các hành vi vi phạm Luật Báo chí, Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo, cũng như đưa ra các giải pháp cụ thể để nâng cao ý thức trách nhiệm của người làm báo khi viết báo và tham gia mạng xã hội.
“Lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam trân trọng cảm ơn các ý kiến, kiến nghị tâm huyết của đại biểu và sẽ chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan để hiện thực hoá những kiến nghị, đề xuất đó trong thời gian tới”, ông Trần Trọng Dũng cho biết.
Lam Khánh