(CMO) Ðội ngũ giảng viên lý luận chính trị ở các trung tâm chính trị cấp huyện, có vai trò quan trọng góp phần vào sự thành công trong công tác đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng ở cơ sở. Ðặc biệt, phải biết lồng ghép trong quá trình giảng dạy lý luận gắn với đấu tranh, phản bác lại các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Ðảng.
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Không học tập lý luận thì ý chí kém kiên quyết, không trông xa thấy rộng, trong lúc đấu tranh dễ lạc phương hướng, kết quả là mù chính trị, thậm chí hủ hoá, xa rời cách mạng”[1]. Vì vậy phải nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, nâng cao chất lượng bài giảng, để khắc phục tình trạng ngại học, lười học lý luận chính trị trong cán bộ, đảng viên ở cơ sở hiện nay.
Tranh: Tô Minh Tấn |
Những vấn đề đặt ra
Trong giảng dạy lý luận chính trị ở các trung tâm chính trị cấp huyện của tỉnh Cà Mau hiện nay nhiều giảng viên chuyên trách và kiêm nhiệm đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, tâm huyết với nghề, tự tìm tòi đổi mới phương pháp dạy học tích cực, lấy học viên làm trung tâm.
Kết hợp phương pháp dạy học truyền thống với phương pháp dạy học tích cực, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc soạn giáo án điện tử, khai thác hình ảnh tư liệu, kết hợp video, tăng cường đối thoại với người học, tạo không khí sôi nổi trong học tập, giúp học viên tiếp thu nhanh nội dung bài giảng.
Tuy nhiên, trong giảng dạy vẫn còn những giảng viên chưa phân định được một buổi báo cáo viên, tuyên truyền miệng với một buổi giảng dạy lý luận chính trị. Không ít giảng viên còn nặng về phương pháp “độc diễn” từ đầu đến cuối làm cho không khí của một buổi học nặng nề, nhàm chán; ngày trước “đọc - chép”, ngày nay thì “chiếu - chép”; bây giờ xuất hiện “chiếu - chụp”; giảng viên chiếu lên màn hình, học viên lấy điện thoại chụp hình, lưu lại.
Khi lấy ví dụ thực tiễn chứng minh còn quá sa đà, kể lể những vụ án, những hiện tượng tiêu cực trong xã hội, lẽ ra người giảng viên phải biết kết luận, để cho học viên thấy được: “Cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực của Ðảng ta là: Không ngơi nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ dù người đó là ai”. Nếu không kết luận thì vô hình trung làm cho người học nhìn thấy xã hội toàn màu “đen”, phai nhạt niềm tin, lý tưởng, vi phạm nguyên tắc tính Ðảng trong giảng dạy lý luận chính trị.
Bên cạnh đó, đội ngũ giảng viên kiêm nhiệm được cấp uỷ phân công làm nhiệm vụ giảng dạy tại trung tâm tuy có kiến thức, kinh nghiệm công tác nhưng do đặc thù công việc nên ít tập trung thời gian cho khâu soạn giáo án, còn ngán ngại nhận giảng những bài mang tính lý luận cơ bản; chưa được bồi dưỡng về nghiệp vụ sư phạm, nên chất lượng bài giảng vẫn còn khiêm tốn.
Nâng cao chất lượng giảng viên
Ðể nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên trung tâm chính trị, đấu tranh có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Ðảng, cần thực hiện tốt một số nội dung, yêu cầu sau:
Một là, thường xuyên bồi dưỡng nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất, đạo đức cách mạng của đội ngũ giảng viên lý luận chính trị, tuyệt đối tin tưởng mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Ðảng. Ðây là yêu cầu quan trọng hàng đầu, quyết định chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục lý luận chính trị. Bản lĩnh chính trị của đội ngũ giảng viên lý luận chính trị được thể hiện ở sự kiên định, tuyệt đối trung thành với mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Ðảng; kiên định những vấn đề có tính nguyên tắc đó là: Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hành động của Ðảng và của cách mạng Việt Nam. Ðộc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Hai là, tăng cường sự lãnh đạo của cấp uỷ, người đứng đầu cấp uỷ đối với hoạt động giảng dạy và học tập tại trung tâm chính trị cấp huyện. Ðây là biện pháp quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục lý luận chính trị, xuất phát từ yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn hoá đội ngũ cán bộ, đảng viên ở cơ sở hiện nay. Tăng cường sự lãnh đạo của cấp uỷ và người đứng đầu cấp uỷ, đối với hoạt động giảng dạy và học tập ở trung tâm chính trị cấp huyện; giúp cấp uỷ thấy được những thuận lợi, khó khăn trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên cơ sở, đồng thời thấy được chất lượng của đội ngũ giảng viên hiện nay để có kế hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và chuẩn hoá đội ngũ giảng viên, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, nhân tố quyết định chất lượng giáo dục lý luận chính trị ở trung tâm chính trị cấp huyện.
Ba là, làm tốt công tác quản lý nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng gắn với quản lý đội ngũ giảng viên. Ðây là biện pháp thường xuyên, thông qua công tác quản lý, các hoạt động dự giờ, thăm lớp, lấy phiếu khảo sát của học viên đóng góp cho giảng viên, giúp lãnh đạo trung tâm chính trị cấp huyện thấy được thực trạng, chất lượng của từng giảng viên. Từ đó, tham mưu với ban thường vụ cấp uỷ thay thế, bổ sung những giảng viên không đạt yêu cầu; kiện toàn đội ngũ giảng viên kiêm nhiệm nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên.
Bốn là, thường xuyên đổi mới kỹ năng, nghiệp vụ, phương pháp sư phạm sát với đối tượng người học. Ðây là yêu cầu căn bản trong giảng dạy lý luận chính trị hiện nay. Thực tế có một bộ phận cán bộ, đảng viên ở cơ sở ngán, ngại học tập lý luận chính trị. Nếu đội ngũ giảng viên không đổi mới kỹ năng, nghiệp vụ, phương pháp thì không thể thu hút người nghe, không tạo được không khí, sôi nổi, hứng thú trong học tập lý luận chính trị.
Năm là, tạo môi trường làm việc thuận lợi để mỗi giảng viên nêu cao tinh thần trách nhiệm, gắn nhiệm vụ giảng dạy với nhiệm vụ nghiên cứu khoa học./.
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sdđ. t8, tr 280.
Trần Ðại Nghĩa