Với 10 năm kinh nghiệm phụ trách phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi, thầy Lê Văn Dụ, giáo viên bộ môn Vật lý, Trường THCS Phan Bội Châu, TP Cà Mau, chia sẻ: Các sự vật, hiện tượng vật lý rất quen thuộc, gần gũi với các em. Việc tạo lòng say mê, hứng thú, tìm tòi kiến thức phụ thuộc rất nhiều vào nghiệp vụ sư phạm của người thầy.
Với 10 năm kinh nghiệm phụ trách phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi, thầy Lê Văn Dụ, giáo viên bộ môn Vật lý, Trường THCS Phan Bội Châu, TP Cà Mau, chia sẻ: Các sự vật, hiện tượng vật lý rất quen thuộc, gần gũi với các em. Việc tạo lòng say mê, hứng thú, tìm tòi kiến thức phụ thuộc rất nhiều vào nghiệp vụ sư phạm của người thầy. Vì vậy, không nên cứng nhắc thông qua kết quả kiểm tra mà cần căn cứ vào năng lực biết phân tích hiện tượng, biết suy luận của học sinh, để đánh giá được những học sinh nào nổi trội, từ đó, theo sát các em.
Phải biết giữ “lửa” cho học sinh, thầy Lê Văn Dụ cho biết, bằng cách kịp thời động viên, khuyến khích thường xuyên trong quá trình học tập, cũng như khi ôn luyện để các em lạc quan, có động lực phấn đấu, vươn lên. Song song đó, giáo viên phải không ngừng nghiên cứu tìm tòi phương pháp, kỹ năng giảng dạy mới; cập nhật những phương pháp, hình thức và nội dung kiểm tra, đánh giá tiên tiến.
Việc tạo lòng say mê, tìm tòi kiến thức phụ thuộc rất nhiều vào nghiệp vụ sư phạm của người thầy. |
Ðơn cử, qua công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, thầy nhận thấy bước đầu các em chưa có kỹ năng giải bài toán Vật lý nâng cao về chuyển động, vì các em còn thiếu những hiểu biết kỹ năng quan sát, phân tích thực tế, thiếu các công cụ toán học trong việc giải thích phân tích, chưa đề ra phương pháp giải cụ thể cho từng dạng bài tập.
Thầy Lê Văn Dụ cho rằng, để học sinh có thể hiểu một cách sâu sắc về hệ thống từng loại bài tập thì nhất thiết trong quá trình giảng dạy, giáo viên phải phân loại các dạng bài tập và xây dựng các phương pháp giải cụ thể cho từng loại bài, đặc biệt đối với các bài tập chuyển động. Muốn làm được bài tập, bắt buộc học sinh phải biết vận dụng các thao tác tư duy, so sánh, phân tích, tổng hợp, khái quát hoá… để xác định bản chất vật lý, trên cơ sở đó chọn ra công thức thích hợp. Kết quả, sau khi áp dụng các giải pháp đã nêu, thầy thấy các em học sinh giỏi đều giải các bài toán vật lý cơ bản chuyển động, yêu thích học bộ môn Vật lý và đã chủ động khi giải bài toán này.
Lý thuyết môn học thì vô cùng rộng, giáo viên là người đóng vai trò tổng hợp kiến thức, tổng hợp tài liệu và hướng dẫn cho các em tự nghiên cứu. Thầy cho biết: “Rất nhiều học sinh và thậm chí giáo viên lầm tưởng rằng học sinh giỏi không cần học trong sách giáo khoa (SGK). Kiến thức SGK là căn bản và rất quan trọng. Bởi vậy, hiểu đúng, đủ, cặn kẽ kiến thức SGK là điều thực sự cần thiết”.
Học sinh giỏi phải biết biến kiến thức trong sách vở đã nghiên cứu thành kiến thức của mình để vận dụng một cách sáng tạo trong giải quyết các vấn đề được đưa ra tại các kỳ thi. Sau khi biết cách tiếp cận và giải quyết các vấn đề trong vật lý, giáo viên nên giao cho các em các tập đề thi học sinh giỏi các cấp để luyện tập, tự nâng cao khả năng giải bài. Hãy để các em tự sửa bài, chỉ nên xoáy sâu vào những vấn đề các em đang gặp khó khăn.
Theo thầy Dụ, những đợt tập trung bồi dưỡng và thi tuyển chọn học sinh giỏi các cấp, có tác dụng đặc biệt, nhất là đối với kỹ năng thực hành của học sinh. Bởi, không chỉ riêng ở Trường THCS Phan Bội Châu, tại các trường THCS, THPT ở các địa phương khác, tình trạng thiếu thiết bị thực hành là phổ biến, hoặc có phòng và thiết bị thí nghiệm nhưng chỉ dùng để làm những bài thực hành minh hoạ lý thuyết.
“Từ sáng kiến kinh nghiệm của thầy Lê Văn Dụ trong công tác bồi dưỡng những năm qua, có từ 2 học sinh trở lên đạt giải cao học sinh giỏi vòng tỉnh mỗi năm. Năm học này, thầy bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi gồm 6 em. Những đóng góp của thầy đã góp phần nâng cao chất lượng mũi nhọn của nhà trường đề ra”, cô Tạ Kim Huế, Hiệu trưởng Trường THCS Phan Bội Châu, ghi nhận./.
Bài và ảnh: Lan Uyên