(CMO) Cà Mau có lợi thế hơn một số tỉnh khác, có 3 mặt giáp biển với 254 km bờ biển, ngư trường hơn 70.000 km2; sản lượng khai thác biển đạt trên 150.000 tấn/năm (chiếm 40% tổng sản lượng thuỷ sản toàn tỉnh).
Tiềm năng cũng là thách thức
Ngoài thuận lợi trong khai thác biển, 6 huyện có biên giới biển và 23 xã, thị trấn ven biển cũng đang hứng chịu tác động trực tiếp của biến đổi khí hậu, triều cường và nước biển dâng, làm gia tăng cường độ sạt lở đê biển, bờ sông…
Bên cạnh đó, thời gian qua, các phương tiện khai thác nhỏ đã sử dụng xung điện, te, các dụng cụ khai thác có mắt lưới nhỏ không đúng theo quy định đã tận diệt nguồn lợi thuỷ sản ven bờ. Ðó cũng là một trong những nguyên nhân chính làm cạn kiệt nguồn lợi thuỷ sản, dẫn đến hệ luỵ gần trở thành thực trạng là ngư dân vi phạm trái phép vùng biển nước ngoài.
Ông Trần Văn Chiến, một trong những chủ ghe có thâm niên tại thị trấn Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời, bức xúc: “Việc khai thác theo kiểu tận diệt chủ yếu do các ghe nhỏ, ghe cào gần bờ gây ra. Tính chất và mức độ ngày càng nghiêm trọng, trong khi chúng ta chưa có chế tài đủ mạnh để răn đe. Bên cạnh đó, công tác quản lý và cấp phép còn nhiều lỏng lẻo, chưa sát với thực tế.
Thêm vào đó, các dịch vụ hậu cần nghề cá phát triển chưa xứng với tiềm năng của địa phương. Bảo quản thành phẩm sau khai thác chủ yếu theo phương pháp truyền thống nên hiệu quả kinh tế chưa cao. Nhà máy chế biến thuỷ sản tại chỗ chưa đáp ứng nhu cầu thực tế; sản phẩm sau khai thác phải vận chuyển đi xa, giảm chất lượng, giá thành.
Dịch vụ hậu cần nghề cá chưa xứng với tiềm năng phát triển ngành khai thác và chế biến thuỷ sản của tỉnh. |
Một nguyên nhân khách quan ảnh hưởng đến hoạt động khai thác thuỷ sản nữa là nhân công ngày càng khan hiếm. Ðã có rất nhiều mâu thuẫn trong chế độ quyền lợi giữa chủ ghe, tài công và ngư phủ dẫn đến xô xát, ẩu đả; nhiều vụ việc chưa giải quyết kịp thời, triệt để dẫn đến mâu thuẫn lớn và ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động khai thác thuỷ hải sản các địa phương.
Trên bờ đã có nhiều mâu thuẫn vậy, trên biển thì càng phức tạp hơn khi tình trạng trộm cắp ngư cụ, tranh chấp ngư trường khai thác vẫn xảy ra thường xuyên và tính chất ngày càng nguy hiểm. Ðã có những câu chuyện thương tâm xảy ra ngoài ý muốn.
Một nguyên nhân nữa là, nhiều cửa biển bị phù sa bồi lắng, ghe tàu ra, vào rất khó khăn. Công tác nạo vét vẫn chưa được triển khai. Ở các xã, thị trấn ven biển, hạ tầng giao thông chưa được đầu tư đồng bộ, khu neo đậu tránh trú bão chưa được đầu tư hoặc đầu tư chưa hợp lý; hạ tầng giao thông nông thôn chưa xứng với tiềm năng và lợi thế của những khu vực này.
Cần giải pháp đồng bộ
Thực hiện Nghị định 67 của Chính phủ, tỉnh Cà Mau đã hỗ trợ ngư dân vay vốn đóng mới, nâng cấp tàu cá được 34 tàu (đóng mới 32 tàu, nâng cấp 2 tàu) với tổng số tiền cho vay 351,128 tỷ đồng; hỗ trợ bảo hiểm thuyền viên; tổ chức đào tạo kỹ thuật khai thác, bảo quản sản phẩm, vận hành tàu vỏ thép, vỏ vật liệu mới được 8 lớp, tổng chi phí hỗ trợ 1,669 tỷ đồng; hỗ trợ chi phí vận chuyển hàng hoá; hỗ trợ thiết kế mẫu tàu vỏ gỗ 2 mẫu...
Ðã qua, trong quá trình triển khai, một số khó khăn được nhìn nhận: cơ sở hạ tầng nghề cá xuống cấp, quá tải, thiếu cơ sở hạ tầng nghề cá hiện đại. Nhận thức của ngư dân về quản lý, sử dụng, duy tu, bảo dưỡng tàu cá vỏ thép còn hạn chế. Số lượng và chất lượng thuyền viên chưa đáp ứng yêu cầu, ngư dân thiếu kỹ năng khai thác vận hành trang thiết bị hiện đại…
Một số ngư dân cho rằng, đây là tiền hỗ trợ của Nhà nước nên có tư tưởng lợi dụng, ỷ lại, không chủ động trong việc trả lại. Do chưa có trường hợp khách hàng có nợ quá hạn được xử lý dứt điểm nên phần nào tác động đến tâm lý buông xuôi theo kiểu “tới đâu thì tới” của một số khách hàng, tác động đến các khách hàng có thiện chí trả nợ tốt và làm ảnh hưởng chung đến việc thu nợ vay. Ngân hàng chưa có cơ chế quản lý dòng tiền phát sinh trong quá trình thực hiện dự án của khách hàng, vì không có cơ chế ràng buộc.
Về phía ngư dân, bà con cũng nhìn nhận một số khó khăn nhất định: “Ngư trường khai thác ngày càng cạn kiệt, yếu tố thời tiết ảnh hưởng nhiều đến việc khai thác của người dân. Lãi suất ngân hàng theo kỳ nên nhiều hộ bị “đuối” trong quá trình trả lãi, phải phát mãi ghe nhưng vẫn chưa bán được. Thêm vào đó, chính sách hỗ trợ dịch vụ hậu cần nghề cá hàng tháng bị cắt, chính vì thế ảnh hưởng đến quá trình sản xuất của ngư dân. Hơn nữa, bảo hiểm thân tàu ngưng thì khó khăn của ngư dân càng khó”, chị Trần Thuý Phượng, Khóm 4, thị trấn Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời, cho biết.
Về giải pháp để phát huy hiệu quả chính sách khi triển khai thực hiện, Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản tỉnh Cà Mau Ðỗ Chí Sĩ chia sẻ: “Chúng tôi tiếp tục tuyên truyền, phổ biến các chính sách theo Nghị định số 67/2014/NÐ-CP, Nghị định số 17/2018/NÐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2014/NÐ-CP ngày 7/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thuỷ sản, để ngư dân hiểu đúng về chính sách của Nhà nước, trong đó phải quán triệt rõ cho các chủ tàu hiểu trách nhiệm trước pháp luật về phần vốn vay của mình. Phối hợp với các cơ quan chức năng của địa phương tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức vận hành, khai thác thuỷ sản của tàu cá vỏ thép và vật liệu mới cho ngư dân”.
Ông Sĩ cũng kiến nghị Bộ NN&PTNT, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư rà soát, tham mưu Chính phủ bố trí nguồn ngân sách đầu tư cơ sở hạ tầng nghề cá trên địa bàn tỉnh Cà Mau; Bộ NN&PTNT hướng dẫn chủ tàu chuyển đổi nghề, kiêm nghề, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, nhưng vẫn được hưởng chính sách theo hướng đơn giản thủ tục hành chính.
Trưởng phòng Biển và Hải đảo (Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh) Nguyễn Hoàng An cho biết: “Tới đây, sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhằm nâng cao hơn nữa ý thức bảo vệ nguồn tài nguyên và môi trường ven biển. Xây dựng các khu bảo tồn biển; bảo vệ các vùng ven biển, cụm đảo; tăng cường quản lý tổng hợp tài nguyên biển, theo phương thức quản lý tổng hợp”.
Về tầm nhìn xa hơn, tỉnh sẽ tổ chức lại hoạt động kinh tế biển theo hướng: giảm khai thác gần bờ; đẩy mạnh khai thác xa bờ sao cho phù hợp với từng vùng biển. Tổ chức nuôi trồng thuỷ sản ven bờ gắn với bảo vệ rừng; quan tâm hơn việc phát triển kết cấu hạ tầng vùng ven biển, song hành với công tác đó là sắp xếp lại dân cư vùng ven biển. Có giải pháp giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, bão lũ, biến đổi khí hậu có thể tác động đến người dân đang sinh sống ven biển. Kêu gọi, thu hút đầu tư của các doanh nghiệp ở những xã, thị trấn có tiềm năng về kinh tế biển; vì sự phát biển bền vững và hiệu quả hơn./.
Phú Hữu