Ngành thuỷ sản tỉnh Cà Mau hiện nay có vị trí quan trọng trong ngành thuỷ sản của cả nước. Sự phát triển của ngành thuỷ sản Cà Mau đồng đều ở cả 3 lĩnh vực: khai thác, nuôi trồng và chế biến thuỷ sản xuất khẩu. Số lượng tàu bè của tỉnh đứng hàng thứ 2 cả nước (sau Kiên Giang), sản lượng nuôi trồng chiếm ½ và chế biến chiếm 16% tổng sản lượng thuỷ sản cả nước. Tổng giá trị sản phẩm (GDP) ngư - nông - lâm nghiệp năm 2014 đạt 8.819 tỷ đồng (theo giá so sánh năm 2010), tăng 6,9% so năm 2013.
Ngành thuỷ sản tỉnh Cà Mau hiện nay có vị trí quan trọng trong ngành thuỷ sản của cả nước. Sự phát triển của ngành thuỷ sản Cà Mau đồng đều ở cả 3 lĩnh vực: khai thác, nuôi trồng và chế biến thuỷ sản xuất khẩu. Số lượng tàu bè của tỉnh đứng hàng thứ 2 cả nước (sau Kiên Giang), sản lượng nuôi trồng chiếm ½ và chế biến chiếm 16% tổng sản lượng thuỷ sản cả nước. Tổng giá trị sản phẩm (GDP) ngư - nông - lâm nghiệp năm 2014 đạt 8.819 tỷ đồng (theo giá so sánh năm 2010), tăng 6,9% so năm 2013.
Cơ cấu ngư - nông - lâm nghiệp theo giá hiện hành chiếm 36,5% tổng GDP trong tỉnh. Giá trị con tôm ngày càng được nâng cao, giá trị xuất khẩu hằng năm đều tăng, năm 2014 đạt gần 1,3 tỷ USD, thị trường xuất khẩu thường xuyên được mở rộng.
Phát triển toàn diện
Ông Phạm Văn Đức, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật, Chủ tịch Hội Nghề cá Cà Mau, nhận định: “Từ khi chuyển dịch cơ cấu sản xuất đến nay (từ khoảng năm 2000), kinh tế thuỷ sản bắt đầu có sự chuyển biến rõ rệt. Từ chỗ người dân chỉ biết lấy nước vào và xả nước ra để thu hoạch tôm thì nay nhiều nông dân trong tỉnh đã thành công với việc nuôi tôm có ứng dụng sâu khoa học - kỹ thuật (tôm - lúa, tôm quảng canh cải tiến, tôm công nghiệp…). Trong lĩnh vực chế biến, từ chỗ chỉ có 2 nhà máy với công suất vài chục tấn/năm (sau giải phóng), nay trên địa bàn tỉnh đã có gần 30 nhà máy chế biến với công suất hàng trăm ngàn tấn/năm. Đây là kết quả của quá trình lãnh đạo, chỉ đạo đúng hướng và quyết liệt của ngành cũng như của chính quyền địa phương”.
Một dây chuyền chế biến thuỷ sản của Công ty Cổ phần XNK Nông sản thực phẩm Cà Mau (Agrimexco Cà Mau). Ảnh: MINH TẤN |
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau Châu Công Bằng cho hay: “Mặc dù từng lúc, từng nơi sự phát triển của ngành thuỷ sản có những khó khăn nhất định, nhưng nhìn chung ngành ngày càng lớn mạnh. Cụ thể, trong lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản, nếu những năm đầu mới chuyển dịch người dân chỉ biết độc canh con tôm thì nay trình độ thâm canh khá cao. Chỉ tính khoảng 10 năm trước đây, tôm công nghiệp chỉ khoảng 1.000 ha thì nay con số đó đã hơn 8.000 ha; tôm quảng canh cải tiến chỉ khoảng 5.000 ha thì nay đã là 65.000 ha. Sản xuất tôm - lúa, tôm - rừng cũng phát triển, góp phần rất lớn vào quá trình tăng thu nhập cho người dân”.
Lĩnh vực khai thác thuỷ sản cũng có bước phát triển đáng kể. Nếu như sau giải phóng, hơn 70% ngư dân khai thác ven bờ và phương tiện khai thác cũng hết sức thô sơ thì đến nay các phương tiện cũng được đầu tư hiện đại, đủ sức ra khơi dài ngày. Từ đó, sản lượng khai thác không ngừng tăng và việc bảo quản sau khai thác cũng được ngư dân quan tâm hơn.
Lĩnh vực nuôi trồng, chế biến xuất khẩu thuỷ sản đã góp phần thay đổi diện mạo kinh tế tỉnh. Năm 2014, sản lượng nuôi trồng là 299.420 tấn, đạt 100,3% kế hoạch. Diện tích nuôi trồng thuỷ sản phát triển khá ổn định, toàn tỉnh có khoảng 298.000 ha nuôi trồng thuỷ sản, trong đó có 268.500 ha nuôi tôm, năng suất tôm nuôi bình quân đạt 556 kg/ha/năm, nuôi thuỷ sản nước ngọt 29.962 ha. Tôm quảng canh cải tiến đạt 60.200 ha, vượt 0,3% kế hoạch, năng suất bình quân 570 kg/ha/năm. Tôm công nghiệp diện tích 8.200 ha, vượt 17% kế hoạch, năng suất bình quân 7,5 tấn/ha (thẻ 8,2 tấn/ha, sú 5 tấn/ha).
Đó là kết quả của sự định hướng phát triển đúng tiềm năng và thế mạnh của tỉnh nhà.
Nâng giá trị thuỷ sản
Để tiếp tục phát huy những lợi thế của ngành thuỷ sản, năm 2015, Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau phấn đấu đạt sản lượng thuỷ sản trên 560.000 tấn, tăng 80.000 tấn so với năm 2014. Trong đó, sản lượng nuôi trồng phấn đấu đạt 335.000 tấn, khai thác đạt 260.000 tấn. Phấn đấu tổng kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 1,4 tỷ USD, tăng 100 triệu USD so với năm 2014.
Ông Châu Công Bằng nhấn mạnh đến những nhiệm vụ năm 2015: “Điều chỉnh quy hoạch sản xuất theo hướng không mở rộng diện tích nuôi tôm, giữ ổn định ở mức 290.000 ha như hiện nay. Bên cạnh đó, cần nhân rộng những mô hình nuôi trồng hiệu quả như nuôi quảng canh cải tiến, nuôi tôm kết hợp với trồng lúa, nuôi tôm công nghiệp với quy mô vừa và nhỏ, khuyến cáo nông dân không nên ồ ạt nuôi tôm thẻ chân trắng và nuôi công nghiệp quy mô lớn. Tập trung phương tiện để đánh bắt xa bờ, hạn chế tối đa đánh bắt gần bờ; phát triển mạnh các loại dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển. Tập trung thu hút đầu tư về kết cấu hạ tầng, cơ sở sản xuất và chế biến đạt chuẩn với quy mô sản xuất tập trung công nghiệp, nhằm góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm thuỷ sản Cà Mau khi xuất khẩu ra nước ngoài”.
Qua 40 năm xây dựng và phát triển, ngành thuỷ sản Cà Mau đã khẳng định được vị thế quan trọng trong cơ cấu kinh tế của tỉnh nhà. Điều đó khẳng định sự quy hoạch và định hướng phát triển tích cực của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong cơ chế kinh tế thị trường./.
Huệ Như