Chung tay bảo vệ môi trường sống xanh, sạch, đẹp hơn mỗi ngày, các chi hội phụ nữ trên địa bàn tỉnh nỗ lực với nhiều giải pháp phòng, chống ô nhiễm nói chung và rác thải nhựa nói riêng. Ðiển hình như các tổ chức hội phụ nữ tại huyện Ðầm Dơi.
Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Quách Phẩm Bắc triển khai mô hình xử lý rác thải bằng lò đốt rác và ủ rác làm phân bón, góp phần tạo môi trường xanh, sạch, đẹp tại địa phương.
Chị Lê Thị Suốt, ấp Nhà Dài, xã Quách Phẩm Bắc, cho biết: “Nhà tôi phân loại rác và xử lý rác theo hướng dẫn, tận dụng rác thải hữu cơ ủ phân để bón cho cây trồng. Nhờ đó, cây trái, rau củ quanh nhà tươi tốt, phục vụ bữa ăn gia đình. Thêm nữa, nhà cửa và môi trường cũng sạch hơn, không còn mùi hôi thối vì rác ứ đọng như trước”.
Phụ nữ xã Quách Phẩm Bắc chia sẻ cách ủ phân bón từ chất thải hữu cơ.
Hội viên còn đăng ký thực hiện các hoạt động chống rác thải nhựa; tuyên truyền về hậu quả ô nhiễm môi trường do các sản phẩm nhựa dùng một lần; tổ chức tập huấn về tái sử dụng rác thải nhựa. Mỗi tháng, các thành viên tập trung, cùng thu gom rác tại các tuyến đường về phân loại, xử lý và bán phế liệu, góp thêm vào nguồn quỹ ủng hộ phòng, chống thiên tai.
Chủ tịch Hội LHPN xã Quách Phẩm Bắc, chị Ðặng Nhân Ái cho biết: “Chúng tôi tuyên truyền, nhân rộng mô hình ra các ấp, từ đó từng bước nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân trong bảo vệ môi trường, góp phần tích cực thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” và xây dựng nông thôn mới ở địa phương”.
Còn tại Hội LHPN xã Tân Ðức, từ năm 2023, Hội đã xây dựng mô hình "Ngôi nhà xanh" tận dụng rác thải nhựa để bán gây nguồn quỹ mua bảo hiểm, đồng phục cho học sinh. Năm 2024, nguồn kinh phí này được sử dụng để hỗ trợ phụ nữ nghèo, hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là tặng học bổng cho học sinh nghèo hiếu học.
Chị Nguyễn Hoàng Nhật, Chủ tịch Hội, chia sẻ: “12 ấp có 14 ngôi nhà xanh. Có những ấp nhân rộng đến 2 ngôi nhà xanh để chị em dễ dàng tham gia. Trong năm 2025 sẽ duy trì mô hình và nhân rộng đối tượng áp dụng, mua gạo hỗ trợ người già neo đơn. Xã đang bảo bọc 2 cụ già neo đơn, từ tiền bán rác thải nhựa sẽ được quy đổi thành nhiều vật chất giúp cuộc sống các cụ tốt hơn”.
Từ năm 2022, xã Thanh Tùng phát động phong trào bảo vệ môi trường, phòng chống rác thải nhựa. 100% chị em có ý thức bảo vệ môi trường sống. Các chị em xây lò đốt rác để xử lý rác ngay tại hộ gia đình; nhà nào có điều kiện sẽ tự xây, còn không có điều kiện thì 2-3 nhà hùn tiền cùng xây một lò. Xã cũng có mô hình "Ngôi nhà xanh" thu gom rác thải nhựa để bán gây quỹ giúp đỡ cho trẻ mà hội nhận đỡ đầu từ năm 2022-2024, mô hình hiện được duy trì tốt.
Phụ nữ xã Thanh Tùng ra quân hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới.
Chị em xã Thanh Tùng còn phát động thu gom rác thải nhựa tại gia đình bán để góp vào quỹ mỗi lần hội họp, cuối năm thực hiện chương trình "Áo mới cho em". Mỗi chi hội tặng 3-4 suất quà cho trẻ mồ côi, trẻ đặc biệt khó khăn, từ 300-500 ngàn đồng/trẻ.
Chị Nguyễn Hồng Dậm, Chủ tịch Hội LHPN xã Thanh Tùng, cho biết: “Hội viên được tập huấn về phân loại và xử lý rác. Trên địa bàn xã có điểm thu gom tập kết rác, không riêng gì phụ nữ, mà người dân hiện nay có ý thức thu gom xử lý rác rất văn minh. Mỗi năm huyện có 2 lớp tập huấn về phòng chống rác thải nhựa”.
Bên cạnh đó, năm 2024, xã Thanh Tùng còn thực hiện mô hình "Ðổi rác thải nhựa lấy cây xanh và hạt giống" nhằm phát động mạnh mẽ phong trào thu gom rác thải nhựa bảo vệ môi trường, trồng cây xanh quanh nhà, nhân rộng mô hình vườn rau tại nhà phong phú hơn. Vào tháng 8/2024, Hội LHPN xã Thanh Tùng tổ chức đập heo đất tiết kiệm từ nguồn bán rác thải nhựa, được 18,9 triệu đồng, tất cả dành hỗ trợ đúng người, đúng hoàn cảnh./.
Lam Khánh