ĐT: 0939.923988
Thứ ba, 29-4-25 22:21:56
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 50 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975-30/4/2025)

Kỷ niệm về anh

Báo Cà Mau Sau ngày đất nước toàn thắng và thống nhất, tôi từ miền Trung được chuyển về quê công tác. Mấy ngày ngồi trên xe đò từ Cố đô Huế trở về, trong đầu tôi hình dung biết bao hình ảnh về sự đổi thay của thị xã Cà Mau mà ngày tôi ra đi hơn 20 năm trước còn là một thị trấn khiêm tốn nằm ở tận cùng phương Nam Tổ quốc.

TP Cà Mau phát triển rạng rỡ sau 50 năm đất nước độc lập, thống nhất. Ảnh: NHẬT MINH

TP Cà Mau phát triển rạng rỡ sau 50 năm đất nước độc lập, thống nhất. Ảnh: NHẬT MINH

Ðến khi đặt chân xuống thị xã quê hương, tôi thật sự ngỡ ngàng. Cà Mau không như tôi nghĩ, mà được mở rộng rất nhiều. Phía bên dãy phố chợ duy nhất ngày xưa, bây giờ có thêm phố dọc, phố ngang sầm uất, đông vui không kém bất cứ một thị xã nào từ Bắc vào Nam. Khu vực sân banh, năm 1941, thực dân Pháp xử bắn Phan Ngọc Hiển và các đồng chí của anh, đã mọc lên nhiều ngôi nhà cao tầng đồ sộ. Phía bên kia sông qua Cầu Quay, ngày trước chỉ có con đường lộ đá từ Bạc Liêu đi xuống, còn lại là bãi đất rộng lau sậy lơ thơ với mấy túp nhà lá đơn sơ và mấy con đường hẹp, nay là những đường phố rộng với bệnh viện, căn cứ Tiểu khu, Toà hành chánh (UBND tỉnh bây giờ), dinh Tỉnh trưởng (nay là trụ sở Tỉnh uỷ), các công sở, khu dân cư, tịnh xá Phật giáo, thánh thất Cao Ðài, nhà thờ Thiên Chúa giáo... Dấu vết của một thị trấn nhỏ Cà Mau năm xưa không còn lại mấy so với lúc tôi cùng đồng đội giã biệt nơi này ra đi.

Vào một chiều, tôi đi dạo trên mấy đường phố chính còn rợp bóng cờ sao. Tại đầu đường, nơi ngã năm Cầu Mới đổ về phía Quốc lộ 4 (nay là Quốc lộ 1) đi Bạc Liêu, người ta vừa gắn biển tên đường mới: Nguyễn Ngọc Sanh. Tôi dừng lại nhìn hồi lâu và ngờ ngợ như mình đã rất quen thuộc với họ và tên của người được ghi trên tấm biển đường này... Và, tôi thực sự bồi hồi xúc động nhớ đến “anh Sáu Sanh - Nguyễn Ngọc Sanh” mà tôi đã cùng sống và làm việc với anh vào năm cuối cùng thời chống Pháp. Sau đó, tôi dò hỏi thì được biết, đó đúng là anh Nguyễn Ngọc Sanh. Thời chống Mỹ, anh lấy bí danh Mười Thiện. Hoá ra, người ta viết không đúng chữ lót giữa họ và tên của anh... Kỷ niệm những ngày được sống với anh hơn 20 năm trước lại hiện về mồn một trong tôi.

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đã bước vào năm cuối cùng, quân và dân ta trên khắp các chiến trường dồn sức tấn công địch để giành thắng lợi quyết định. Ðơn vị địa phương quân huyện Trần Văn Thời gồm những cán bộ, chiến sĩ cũ và mới tập hợp lại với đầy đủ biên chế tổ chức và trang bị.

Lúc ấy đơn vị chúng tôi đang đóng quân trong nhà dân ở Ngã ba Rạch Cui, xã Khánh Bình. Vào một buổi sáng sớm, đơn vị đang tập thể dục trên sân rộng trước nhà chú Ba Y và là nơi ở của tiểu đội Văn phòng Trung đội, thì có chiếc xuồng ba lá cập vào bến và một người có dáng dong dỏng cao, lưng hơi khom, vai mang túi dết bước lên bờ. Trung đội phó Trần Tâm Xuân nhìn xuống và nói như kêu lên: “Anh đến sớm hà?”. Người ấy cũng nhìn lên và trả lời: “Ừ, anh em mạnh hết hả?”. Trung đội phó Xuân quay lại phía trung đội hô: “Tất cả, nghiêm!”, rồi anh nói: “Xin giới thiệu với các đồng chí, đây là anh Sáu Sanh, Huyện uỷ viên, Chính trị viên phó Huyện đội, được huyện cử qua làm chính trị viên trung đội mình”. Anh Sáu nhìn cả đơn vị và chỉ nói: “Thôi, các đồng chí tiếp tục tập đi, anh em mình rồi sẽ nói chuyện sau!”. Rồi với dáng đi hơi khom và xốc tới, anh bước thẳng vào trong nhà.

Vì là lính văn phòng nên tôi được dịp sống và làm việc gần gũi với anh Sáu Sanh suốt thời gian anh về ở với trung đội cho đến khi tôi được cùng đơn vị lên đường tập kết ra miền Bắc theo quy định của Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 về Ðông Dương. Quê anh ở Rạch Lùm, xã Khánh Hưng, gốc nông dân “chánh hiệu”.

Nghe đồn những ngày được về nhà giúp việc gia đình, hai vợ chồng anh vừa phát vừa cào cỏ một ngày đến mấy công đất ruộng. Chuyện không rõ thực hư thế nào, nhưng người ta tin, vì trông tướng anh vạm vỡ và cần cù. Anh sống rất giản dị và gần gũi, với anh có thể nói là có phần hơi xuề xoà. Trong khi tất cả chúng tôi đều mặc quần áo lúc ấy gọi là “đồ lục quân”, quần tây, áo sơ mi dài tay, hai túi trên có nắp, cho áo vào trong quần rất chi là “chính quy”, thì riêng anh lúc nào cũng mặc bộ quần áo bà ba khá rộng. Anh cũng chỉ có hai bộ “nghiêm - nghỉ” - một bộ bằng vải hột dền màu đen, một bộ vải tám, nhuộm pin đèn màu xám tro. Khi đi tắm, anh làm rất nhanh mà anh thường gọi vui là “tắm cạn”...

Anh luôn luôn hoà mình, có khi dễ dãi với chiến sĩ. Ðám chiến sĩ trẻ mười tám, đôi mươi chúng tôi thường hay ngủ quên, đùa giỡn không giờ giấc, đồ đạc để bừa bộn, thiếu ngăn nắp... nhưng bao giờ anh cũng ôn tồn nhắc nhở, bảo ban như người anh lớn đối với đàn em trong gia đình. Tuy vậy, trong công việc anh rất cẩn thận, nghiêm túc và dứt khoát, có khi rất nghiêm khắc như là một người khó tính, đặc biệt đối với những sai phạm về kỷ luật dân vận.

Tôi nhớ có một lần chiến sĩ trinh sát Trần Quang Minh trong khi đùa nắm tay qua lại có vẻ thiếu đứng đắn với cô gái trong nhà đơn vị đóng quân, bà mẹ cô nhìn thấy và tỏ ý không bằng lòng. Sau đó anh Sáu gọi Minh lại phê bình gay gắt và giao cho Tiểu đội trưởng Văn phòng đưa Minh đến xin lỗi bà mẹ và gia đình. Mọi người đều nể phục phong cách sống và làm việc của anh.

Ðơn vị chúng tôi thường hành quân trên sông bằng xuồng chèo ba lá, mỗi xuồng đi một tổ 3 người - gọi là tổ “tam tam”. Khi hành quân có anh Sáu Sanh thì bao giờ anh cũng ra lệnh phải nguỵ trang cẩn thận cả người, đồ trang bị và xuồng; rồi phải chèo cách xa nhau mấy chục thước vì máy bay giặc Pháp thường bắn phá xuồng ghe đi dọc theo sông, bất kể dân thường, bộ đội hay cơ quan. Lúc nào anh cũng căn dặn: “Phải luôn luôn cảnh giác. Cẩn thận bao giờ vẫn hơn. Cái chính là thực chất, chớ không nên phô trương”. Ngược lại với anh Sáu, Trung đội phó Nguyễn Hoàng làm gì cũng phải cho ra vẻ “chính quy” - từ ăn mặc, tập hợp đơn vị sinh hoạt, huấn luyện đến hành quân... Anh Hoàng là người Nghệ An tốt nghiệp Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn ở ngoài Việt Bắc, được điều động vào miền Nam rồi về đơn vị chúng tôi. Lúc anh Sáu Sanh đi họp vắng, khi cần phải hành quân do anh Hoàng chỉ huy thì rất thoải mái. Chẳng những không phải nguỵ trang thứ gì mà cả xuồng lại được chèo gần nhau, còn giương cả cờ của các tiểu đội và hát hò nữa, thật là “oai”. Ðám lính trẻ chúng tôi vô cùng thích chí!

Một lần hành quân như vậy - dĩ nhiên là không có mặt anh Sáu Sanh, đoàn xuồng của cả Trung đội đang lướt nhanh trong ánh hoàng hôn từ vàm Rạch Ráng xuôi về phía cửa sông Ông Ðốc, thì mấy chiếc máy bay “còng cọc” (Spitfice) từ phía biển bay thẳng vào và bổ nhào xuống.... Cả đoàn xuồng như những chiếc lá chao đảo, lập tức tản nhanh vào các vòm lá dừa nước. Lúc bấy giờ dừa nước còn dày đặc ven sông.

Xuồng của đoàn chúng tôi chiếc chìm, chiếc lật, ai cũng ngụp lặn ướt loi ngoi, nhưng rất may là chẳng một ai có việc gì; đồ đạc, trang bị không bị trôi mất. Vì trời gần tối, hơn nữa mấy chiếc “còng cọc” này có thể nó đi bắn phá ở đâu đó về “tiện đường tạt qua” thôi. Chúng tôi, nhất là Trung đội phó Nguyễn Hoàng được một trận hú vía, lại càng thấm thía về bài học cảnh giác và cẩn thận của anh Sáu Sanh.

Như trên đã nói, tính tình anh Sáu rất hiền dịu, nhưng rất nghiêm túc trong công việc. Một hôm trong giờ rảnh, tôi đang đánh cờ tướng với chiến sĩ liên lạc Trần Hoà Bình thì anh gọi lại giao cho tôi viết bản báo cáo về công tác giúp dân của đơn vị để gửi về huyện. Tôi mới chơi cờ tướng nên rất là mê. Hễ có lúc nào rảnh rỗi là rủ nhau đánh cờ, hoặc thấy sòng cờ là xáp vô, có khi xâm phạm cả giờ giấc. Chuyện này anh Sáu cũng đã nhắc nhở đám lính trẻ chúng tôi mấy lần rồi. Anh thường bảo: “Nếu có thời giờ rỗi thì nên tìm sách, báo đọc cho đầu óc mở mang thêm. Chơi cờ cũng bổ ích, nhưng chơi bất kể ngày đêm là có hại”. Ðang tiếc nuối ván cờ nên tôi vẫn còn chần chờ chưa muốn rời đi, anh lại phải nhắc vì ở huyện giục gởi báo cáo qua sớm để tổng hợp.

Tôi đến bàn ngồi viết, và với số liệu công tác của đơn vị đã được ghi chép, nên không quá một giờ đồng hồ, tôi dự thảo xong bản báo cáo và đưa đến anh xem lại để ký. Mới nhìn lướt qua mấy trang giấy viết tôi vừa đưa, sắc mặt anh vốn tái xanh lại càng xanh tái thêm. Anh đặt bản báo cáo xuống mặt bàn và dằn mạnh tay lên, rồi nói như xiết từng tiếng một: “Chú viết vừa ẩu, vừa lộn xộn, đọc chẳng biết gì hết. Viết lại!”. So với các anh em trẻ trong đơn vị, tôi là người khá chữ hơn chút ít nên được điều động về làm thư ký văn phòng trung đội. Vì quá mê chơi cờ tướng nên tôi cố viết quấy quá cho xong và cũng không thiết xem lại để mau ra với cuộc cờ. Quả tình, khi cầm lại bản báo cáo, tôi phải lần dò hồi lâu mới hiểu hết được những gì do chính mình viết ra. Bấy giờ, anh Sáu Sanh mới ôn tồn nói với tôi: “Ở đời làm việc gì cũng cần phải cẩn thận và bao giờ cũng nên tính đến kết quả của nó. Nếu việc lớn mà cẩu thả thì sẽ rất nguy hiểm, có khi phải đổi bằng xương máu”. Chuyện chỉ có vậy và lời nói của anh chỉ giản đơn, mộc mạc, nhưng đã theo đuổi tôi qua suốt năm tháng hành trình của mình.

Ðến khi thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 về Ðông Dương, anh Sáu Sanh được phân công hoạt động ở lại miền Nam, tôi được cùng nhiều anh em trong đơn vị tập kết ra miền Bắc. Khi chia tay chúng tôi, anh thân tình dặn dò rất ít lời, nhưng lại rất quan thiết đối với người ra đi, trong đó anh lại nhắc câu: “Ở đời, làm việc gì cũng cần phải cẩn thận...”. Sau này, được đi nhiều và học tập hiểu biết rộng hơn, làm các công tác khác nhau, nhưng mỗi khi cầm bút viết hay đọc các văn bản, bao giờ tôi cũng bồi hồi nhớ lại kỷ niệm tuy nhỏ, nhưng không thể nào quên giữa tôi và anh Sáu - Nguyễn Ngọc Sanh.

Anh Nguyễn Ngọc Sanh - Mười Thiện từ một nông dân bình dị, cần cù, chất phác ở một làng quê xa xôi miền cực Nam của Tổ quốc, được Ðảng giác ngộ đã trở thành một người cộng sản kiên cường, một cán bộ lãnh đạo có bản lĩnh và kinh nghiệm dạn dày - từ Chủ tịch xã lên huyện, ở tỉnh rồi là Bí thư Tỉnh uỷ Cà Mau (1962-1966) và là Khu uỷ viên, phụ trách An ninh khu Tây Nam Bộ (1966-1969). Ðó là những năm tháng ác liệt trong cuộc chiến tranh giành độc lập và thống nhất của Nhân dân ta, và đó cũng là những tháng năm đẹp đẽ nhất của cuộc đời anh. Anh đột ngột ra đi vĩnh viễn giữa tuổi 46 - tuổi đang độ chín của đời một con người.Thời gian tôi được sống và cùng làm việc với anh Sáu Sanh không dài, kỷ niệm đối với anh không nhiều, nhưng đức tính, tư chất và phong cách của anh sống mãi trong tôi./.

 

Nguyễn Thu

 

50 năm nhớ ngày lịch sử vẻ vang

50 năm tôi được sống trong độc lập tự do, hưởng hạnh phúc cùng toàn dân tộc, tôi luôn biết ơn và trân trọng những gì mà người chiến sĩ cách mạng trên mọi mặt trận đã cống hiến, hy sinh để giành lại hoà bình, ấm no như ngày hôm nay.

Món quà ký ức

Trong căn nhà đơn sơ trên đường Lý Văn Lâm (Phường 1, TP Cà Mau), cựu chiến binh (CCB) Lâm Anh Lữ cầm trên tay cuốn “Kỷ yếu Ban Liên lạc Thị đội Cà Mau và Huyện đội Châu Thành” vừa in xong, mắt ánh lên niềm vui và xúc động: “Cuối cùng thì cũng hoàn thành. Mừng lắm!”. Gương mặt rạng ngời, tay ông run run lật từng trang sách còn thơm nồng mùi giấy mới...

Nhớ ngày tiếp quản Cà Mau

Ngày 30/4, ngày lịch sử trọng đại của dân tộc, ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam khỏi ách thống trị của bọn xâm lược và bè lũ tay sai, ngày mà triệu triệu người Việt Nam vỡ oà hạnh phúc.

50 năm - Bản hùng ca bất diệt

“Đại thắng mùa xuân năm 1975 là bản anh hùng ca bất diệt, là chiến công vĩ đại nhất trong lịch sử hào hùng dựng nước và giữ nước của dân tộc ta dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Chiến thắng đó đã chấm dứt hơn 100 năm đô hộ, xâm lược của chủ nghĩa thực dân, đế quốc”, đồng chí Nguyễn Hồ Hải - Bí thư Tỉnh Uỷ nêu tại buổi Họp mặt Kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ngày 26/4.

Học sinh miền Nam đặc biệt

Trong ký ức của các thế hệ học sinh miền Nam (HSMN) tập kết ra Bắc, luôn có hình ảnh hai gương mặt rất đặc biệt, đó là hai chị em người da đen Irene và Monique. Trong suốt những năm tháng học tập, bạn bè chỉ biết họ được Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nuôi dưỡng, còn gốc gác cụ thể thì ít người rõ.

Tự hào lịch sử, khơi mở tương lai

Cách đây 50 năm, dưới sự lãnh đạo của Ðảng ta, cả dân tộc đã làm nên Ðại thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ðây là mốc son chói lọi của cách mạng Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh, như Văn kiện Ðại hội lần thứ IV của Ðảng (1977) tổng kết: “Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi của Nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người và đi sâu vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc”.

Ngày 30/4/1975 Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử toàn thắng

Thực hiện mệnh lệnh của bộ tư lệnh chiến dịch, đêm 29, rạng sáng 30/4/1975, các binh đoàn chủ lực trên từng hướng đồng loạt tiến công vào nội đô, đánh chiếm các mục tiêu then chốt của chiến dịch.

Nhớ ngày lịch sử vẻ vang

Năm mươi năm được sống trong độc lập tự do, hưởng hạnh phúc cùng toàn dân tộc, tôi luôn biết ơn và trân trọng những gì mà người chiến sĩ cách mạng trên mọi mặt trận đã cống hiến, hy sinh để giành lại hoà bình, ấm no hôm nay.

"Báu vật" của gia đình

Gần 30 năm qua, kể từ khi người cha thân yêu qua đời, ông Nguyễn Thanh Phong (Ba Phong), sinh năm 1951, ngụ Khóm 2, thị trấn Thới Bình, huyện Thới Bình, vẫn cất giữ cẩn thận những "báu vật" của gia đình. Ðó là những tấm huân chương quý giá do Ðảng, Nhà nước tặng thưởng cha ông - cụ Nguyễn Văn Lỳ, ghi nhận thành tích đóng góp trong sự nghiệp cách mạng, bảo vệ Tổ quốc.

Nơi nhắc nhớ, tri ân những anh hùng

Ðối với người dân ở thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển cũng như người dân Cà Mau, Di tích Bến Vàm Lũng là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống, cũng là nơi thể hiện lòng tri ân những người anh hùng hiên ngang mở đường, góp sức làm nên những chiến công hiển hách. Ðể ngày nay, trước thời khắc đón nhận Bằng xếp hạng Di tích Lịch sử Quốc gia đặc biệt Ðường Hồ Chí Minh trên biển, người dân Cà Mau hướng về đây với cảm xúc tự hào và lòng biết ơn sâu sắc.