(CMO) Chủ trì Hội nghị trực tuyến với 63 Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh về rà soát tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2020 vào chiều 31/7, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ lưu ý, các địa phương tiếp tục tăng cường công tác truyền thông, cần cung cấp thông tin liên quan đến kỳ thi thật chính xác nhằm ổn định tâm lý của phụ huynh, thí sinh và cộng đồng.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT yêu cầu sự phối hợp chặt chẽ giữa Ban chỉ đạo (BCĐ) cấp quốc gia và BCĐ các địa phương tổng rà soát, cập nhật tình hình để tăng cường công tác bảo đảm phòng chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho thí sinh, cán coi thi và cộng đồng.
Theo báo cáo của BCĐ cấp Quốc gia, đến thời điểm này, mọi công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 cơ bản hoàn tất, sẵn sàng cho kỳ thi diễn ra theo đúng kế hoạch. Theo đó, kế hoạch, phương thức tổ chức được đặt trong bối cảnh dịch bệnh, với các giải pháp đảm bảo kỳ thi an toàn, nghiêm túc, an toàn sức khoẻ cho thí sinh và thành viên Hội đồng thi cũng như hướng dẫn các địa phương phương án xử lý các tình huống phòng chống dịch bệnh trong suốt thời gian diễn ra kỳ thi.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Trần Hồng Quân, Trưởng Ban chỉ đạo kỳ thi, chủ trì điểm cầu Cà Mau. |
Tại hội nghị, các địa phương đã có ca nhiễm Covid-19 đề nghị Bộ GD&ĐT có hướng dẫn cụ thể hơn về việc tổ chức thi và chấm thi các bài thi thí sinh. Đại diện TP. Đà Nẵng thông tin, hiện tâm lý phụ huynh thí sinh rất lo lắng, hoang mang trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, số ca nhiễm bệnh vẫn tăng. Đà Nẵng kiến nghị Bộ xem xét việc dừng tổ chức kỳ thi tại Đà Nẵng và xét đặc cách cho thí sinh Đà Nẵng; có hướng chỉ đạo các trường ĐH, CĐ tạo mọi điều kiện cho thí sinh Đà Nẵng xét tuyển theo quy định.
Còn đối với tỉnh Quảng Nam, tuy đã tích cực chuẩn bị kỳ thi, mọi công tác chuẩn bị cơ bản sẵn sàng nhưng tỉnh vẫn đề nghị, căn cứ tình hình dịch bệnh, nếu đến ngày 6/8 dịch bệnh được kiểm soát thì tỉnh tổ chức kỳ thi; nếu quá phức tạp, Quảng Nam cũng xin dừng kỳ thi. Phương án 2 là tỉnh xin được lui lại sau 1 tháng để kiểm soát dịch bệnh tốt mới tổ chức thi.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đề nghị Bộ GD&ĐT và Bộ Y tế phải phối hợp chặt chẽ, thật cụ thể, thật chi tiết; công tác kiểm tra toàn bộ, trên diện rộng, kiểm tra thật kỹ, thật an toàn để đảm bảo tuyệt đối an toàn sức khoẻ cho Hội đồng thi ở các địa phương, phải có phương án xử lý các tình huống có thể xảy ra, kể cả thiên tai, dịch bệnh. Khuyến cáo tất cả các phòng thi không bật điều hoà, mở tất cả cửa sổ, bật quạt trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp theo đúng khuyến cáo của Bộ Y tế.
Việc đảm bảo an toàn tuyệt đối sức khoẻ cho thí sinh tham gia thi tốt nghiệp THPT năm 2020 được đặt lên hàng đầu. |
Ông Tuyên đề nghị, các địa phương lưu ý các trường hợp F0 được đặc cách theo quy định; F1 phải bố trí điểm thi riêng; F2 phải bố trí phòng thi riêng. Nhưng dù F1 hay F2 thì phải huy động toàn lực lượng kiểm soát tình hình sức khoẻ, kịp thời xử lý tình huống. Giáo viên tham gia coi thi cũng phải thực hiện nghiêm theo quy định. Tuyệt đối không lơ là, chủ quan.
Nhiều ý kiến cho rằng để đảm bảo an toàn thí sinh nên thực hiện giãn cách vị trí ngồi trong phòng thi, có thể bổ sung thêm điểm thi. Đối với các sản phẩm bài thi của thí sinh F1, F2 có thể là nguồn lây dịch bệnh cần phải được xử lý, đảm bảo công tác bảo quản, chấm thi... cũng phải an toàn tuyệt đối.
Bộ Trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, đây là kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 trong bối cảnh đặc biệt. Qua thực tế kiểm tra, hầu hết các tỉnh đều có sự chỉ đạo chặt chẽ, quan tâm của toàn hệ thống chính trị. Tuy nhiên, để đảm bảo kỳ thi thực sự an toàn về an ninh, công bằng, an toàn tuyệt đối về sức khoẻ, Bộ trưởng yêu cầu, tại thời điểm này, các địa phương phải rà soát công tác chuẩn bị thật chu đáo, cần bám sát từng giờ để kịp thời có phương án xử lý. Riêng đối với Đà Nẵng và Quảng Nam cần bình tĩnh, bám sát tình hình để trình xin ý kiến Thủ tướng về việc tổ chức kỳ thi trong tình hình diễn biến dịch bệnh.
Bộ trưởng đề nghị, các địa phương tiếp tục tăng cường công tác truyền thông, cần cung cấp thông tin liên quan đến kỳ thi thật chính xác nhằm ổn định tâm lý của phụ huynh, thí sinh và cộng đồng./.
Kỳ thi THPT năm nay, toàn tỉnh Cà Mau có hơn 9.600 thí sinh đăng ký dự thi, được bố trí 405 phòng thi (mỗi phòng không quá 24 thí sinh). Theo đó, tổ chức thành 17 Điểm thi và 1 điểm thi dự phòng. Cụ thể, tại TP. Cà Mau có 6 điểm thi, các huyện (trừ huyện Ngọc Hiển) có 11 điểm thi. Điểm thi dự phòng có sức chứa tối đa 480 thí sinh, đặt tại trường THCS Võ Thị Sáu, TP. Cà Mau. Giám đốc sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau Nguyễn Minh Luân cho biết, sau cuộc họp này, Ban chỉ đạo kỳ thi cấp tỉnh sẽ có hướng dẫn cụ thể kịp thời công tác tổ chức kỳ thi theo tình hình thực tế tại địa phương trong thời gian sớm nhất. |
Băng Thanh