ĐT: 0939.923988
Thứ ba, 13-5-25 10:47:29
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Ký ức đồng quê

Báo Cà Mau (CMO) Chúng tôi đưa nhau về quê cũ. Quê hương trong ký ức một người con đi xa như tôi chẳng thể nào mờ phai. Mỗi gốc rạ, bờ tre giản dị mà mấy chốc hoá thành quê hương, nhuộm vào tâm hồn tôi từ cái thuở bi bô gọi tiếng "bà", tiếng "mẹ".

Sống giữa thành thị bon chen và hoa lệ, người ta dễ dàng quên lãng quê hương, quên đi cái nơi mình được sinh ra và có những tháng ngày hồn nhiên mơ mộng. Một chiều tôi ngồi ở ghế đá trước nhà, nghe chị nhà bên ngâm lên lời bài thơ của bác Đỗ Trung Quân, bài thơ mà thuở mới bắt đầu đi học má dạy tôi đánh vần từng chữ: “Quê hương là con diều biếc/ Tuổi thơ con thả trên đồng/ Quê hương là cầu tre nhỏ/ Êm đềm khua nước ven sông"… "Quê hương nếu ai không nhớ/ Sẽ không lớn nổi thành người”…

Lời thơ giản dị mà ngọt ngào biết bao. Những câu thơ ấy không đơn giản chỉ gợi lại hình ảnh thân thuộc của quê hương: là cánh đồng xanh mướt, là cánh diều tuổi thơ bay trên nền trời thăm thẳm, là con đường nhỏ má dẫn tôi cắp sách đến trường, là cầu tre qua sông lắc lẻo gập ghềnh, là con đò lặng mình khua nước… mà còn là nỗi nhớ vô bờ trong lòng đứa con xa xứ như tôi.

Quê tôi đẹp lắm!

Minh hoạ: MINH TẤN

Ai đi qua thời trẻ dại ở quê mà không một lần tắm sông hay lội đồng bắt cá. Chiều chiều, lũ trẻ chúng tôi cởi trần hô “một… hai… ba…”, cùng nhảy ùm xuống sông, nước văng lên trắng xoá. Tôi và thằng Tèo nghịch hơn, không đứng trên bờ nhảy xuống nước mà leo lên cầu khỉ nhảy xuống. Có lần má bắt gặp, kéo về đánh đến xưng mông. Khóc ròng và năn nỉ: "Má tha cho con lần này, con chừa…”. Vậy đó mà cũng tái phạm, trẻ con mà, ai không ngỗ nghịch...

Ngoài đồng mùa gặt nắng lắm, có hôm má ra ruộng cắt lúa giữa trưa trời như đổ lửa, mồ hôi nhễ nhại nhìn mà thương. Nhưng tôi còn nhỏ nên má không cho tôi xuống đồng phụ giúp, má bảo: “Chừng nào má gọi, mày đem cho má ca nước là được rồi!”. Tôi ngồi dưới bóng mát của bụi tre bên bờ ruộng, nhìn mông lung, thi thoảng hứng chí hát lên một vài câu hát vu vơ: “Tía em hừng đông đi cày bừa, má em hừng đông đi cày bừa… Cùng sống trên đồng bao la…”. Hát mệt. Tôi nằm dài xuống bãi cỏ, lấy áo quấn lại kê đầu, đánh một giấc, tới chiều mát má gọi mới thức dậy vào nhà ăn cơm. Có hôm nằm ngay bụi cỏ xước, chiều về phát hiện tay chân đỏ lừ, rướm máu…

Cơm chiều chỉ là mấy con cá ông nội đặt lờ đem vào kho khô, rau muống đồng luộc lên chấm tương mà no căng cả bụng. Hồi ấy nhà nghèo, ăn vậy là ngon lắm rồi, lâu lâu mới được ăn thịt một bữa mà má thường gọi là “cho tụi bây rửa ruột”. Nhiều lúc nghĩ lại hồi xưa thấy cực mà vui, giờ được ăn thịt ăn cá mỗi ngày, nhiều khi thèm lại cái món rau muống luộc chấm tương, cá kho khô có lớp nước đọng sệt lại lấy đũa quẹt lấy quẹt để… cũng không có mà ăn. Ra chợ mua về làm “y chan như má làm”, vậy mà ăn không bằng hồi xưa. Chắc là thèm vị quê khi mình còn bé. 

 Cánh đồng mới gặt, rạ nhô lởm chởm, vậy mà tôi và thằng Tèo, thằng Hưng dám chân trần chạy trên đó thả diều. Diều bay càng cao chúng tôi càng khoái chí, vỗ tay reo hò, rạ đâm vào chân chảy cả máu mà cũng chẳng hề hớn gì. Cánh diều thuở ấy tôi gửi vào đó những giấc mơ dại khờ cho nó bay lên cao, cao mãi… Diều hồi xưa cũng đơn giản lắm. Mấy thanh tre vót mỏng rồi ráp lại, dán giấy vào, trang trí cho đẹp mắt là thả bay được trên trời. Thả diều mệt, chúng tôi nằm lăn lóc trên đồng. Cái mùi rơm rạ thơm tho đến lạ lùng, nó lâng lâng dìu hồn tôi vào cõi mộng.

Tôi ngồi trên đống rơm, cầm cuốn tập đọc, đọc lại mấy câu thơ mà ngày xưa từng mê mẩn. Đó là những lời thơ da diết, ân tình của Nhà thơ Giang Nam mà hồi xưa tôi thích đến nỗi chép ra giấy để đầu giường đọc mỗi ngày:

“Thuở còn thơ ngày hai buổi đến trường
Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ...".

Lời thơ ngọt ngào và sâu lắng như một điệu nhạc ru hồn tôi trở lại cái “thuở còn thơ”. Nơi có gia đình tôi, có người má hiền từ và tần tảo sớm hôm, có những con trâu đen ngoài bờ đê ung dung mỗi chiều gặm từng bụi cỏ và có cả những ước mơ một thời vụng dại…/.

Hoàng Khánh Duy


 

Ấn tượng không gian trưng bày sách, ảnh tư liệu chào mừng 50 năm ngày thống nhất

Diễn ra từ ngày 26/4-4/5, tại khuôn viên Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Cà Mau, không gian trưng bày giới thiệu sách, các hình ảnh, tư liệu, hiện vật quý giá về cuộc kháng chiến chống Mỹ; Chiến dịch Hồ Chí Minh và đại thắng mùa xuân 1975 lịch sử; hành trình phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Cà Mau qua các thời kỳ... thành công tốt đẹp và để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng khách tham quan.

Một lần gặp Bác Ba Phi

Đã hơn 6 thập kỷ trôi qua kể từ ngày ông Trịnh Thành Thân đóng quân ở vùng Lung Tràm, được gặp bác Ba Phi. Thế nhưng, khi nhắc lại kỷ niệm này, trong ánh mắt và giọng nói của người cựu chiến binh tuổi ngấp nghé 80 này vẫn bộc lộ niềm vui xen lẫn tự hào. Có lẽ, bởi những câu chuyện “nói dóc tỉnh bơ” của bác Ba Phi không chỉ mang lại tiếng cười, mà còn là ký ức đẹp về vùng đất Cà Mau một thời trù phú...

Dấu ấn Việt Nam tại triển lãm “Thế kỷ Nghệ thuật Châu Á 2025”

Cuộc triển lãm “Asian Art Century - Thế kỷ Nghệ thuật Châu Á” lần thứ I năm 2025, diễn ra tại Chiang Mai, Thái Lan, là một sân chơi nghệ thuật tầm cỡ, nơi hội tụ những sáng tạo đương đại đặc sắc của các hoạ sĩ đến từ khắp nơi trong khu vực. Với tinh thần giao lưu, hội nhập, các hoạ sĩ Việt Nam đã ghi dấu ấn mạnh mẽ trên bản đồ mỹ thuật quốc tế.

Văn hoá, văn học - nghệ thuật phải mang hơi thở đương đại

“Văn hoá, văn học - nghệ thuật  là nền tảng, là động lực phát triển, tạo thành sức mạnh cộng hưởng để đóng góp và sự nghiệp phát triển của địa phương, mang hơi thở đương đại cuộc sống xã hội, trở thành nền công nghiệp văn hoá”, Phó bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Nguyễn Đức Hiển nêu tại buổi Toạ đàm 50 năm nền văn học, nghệ thuật tỉnh Cà Mau sau ngày đất nước thống nhất (30/4/1975-30/4/2025), chiều 29/4.

CẢM XÚC THÁNG NĂM

Chào tháng Năm ! Chào quê hương tươi đẹp thanh bình Tháng Năm vẫn trời xanh mây trắng Cánh đồng vàng thêm màu nắng Rơm rạ còn lưu dấu một mùa vui

Văn nghệ sĩ tỉnh Cà Mau với tất cả tấm lòng vì một cơ đồ Việt Nam

Chiều nay (28/4), tại Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Cà Mau diễn ra Lễ tổng kết, trao giải Cuộc thi sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật về chủ đề “Chung một cơ đồ Việt Nam”.

Bản hùng ca thống nhất

Hoà chung không khí cả nước mừng dấu mốc lịch sử trọng đại: Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Trung tâm Văn hoá tỉnh phối hợp Phòng Văn hoá, Khoa học và Thông tin các huyện, TP Cà Mau và xã, thị trấn tổ chức biểu diễn Chương trình nghệ thuật với chủ đề “Bản hùng ca thống nhất”.

Chương trình nghệ thuật "Vang mãi bản hùng ca thống nhất"

Với chủ đề “Vang mãi bản hùng ca thống nhất”, tối 25/4, tại Khu dân cư Minh Thắng (Phường 9, TP Cà Mau), tỉnh Cà Mau tổ chức chương trình nghệ thuật kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025).

Khởi sắc vùng căn cứ

Di tích lịch sử Khu Căn cứ Tỉnh uỷ tại Lung Lá - Nhà Thể (ấp Trần Ðộ, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước) là niềm tự hào của Nhân dân 2 tỉnh: Cà Mau và Bạc Liêu. Với sự quan tâm đầu tư của cấp uỷ, chính quyền các cấp, cùng sự nỗ lực vươn lên kiến thiết quê hương của người dân, vùng quê cách mạng đã và đang chuyển mình đi lên mạnh mẽ.

Giao thoa văn hoá 3 dân tộc

Trong quá trình gần 300 năm, đồng bào 3 dân tộc Kinh - Hoa - Khmer đã cùng nhau cộng cư trên mảnh đất Cà Mau với tinh thần đoàn kết, tương trợ cùng nhau phát triển. Mặc dù mỗi dân tộc có bản sắc văn hoá riêng, nhưng trải qua cuộc sống xen cư với nhau từ bao đời nay đã tạo nên sự giao thoa, gắn kết hài hoà, tạo nên bản sắc văn hoá độc đáo, đa sắc của xứ sở Cà Mau.