(CMO) Phía sau những kỷ vật đã úa màu theo thời gian là những câu chuyện đong đầy khát vọng độc lập của lớp lớp thanh niên, bộ đội Cụ Hồ. Đó là những câu chuyện mà bây giờ không còn của riêng ai.
Hơn 45 năm qua, gia đình ông Lê Văn Bảy (anh ruột của liệt sĩ Lê Văn Tám, ấp Đồng Tâm A, xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi) nhiều lần về nghĩa trang khắp các tỉnh miền Đông, cũng như gửi thông tin cho các cơ quan chức năng để tìm phần mộ em trai, nhưng chờ mãi vẫn không có hồi âm. Sau những năm tháng mỏi mòn trông đợi tin con, cha mẹ ông đã lần lượt về với tổ tiên.
Bức di ảnh 7 đồng đội
Ông Lê Văn Bảy kể: "Gia đình tôi có 6 anh em, những năm đó tất cả con trai trong nhà đều tham gia kháng chiến. Năm 1965, khi em tôi còn chiến đấu ở lực lượng địa phương quân, được đơn vị rút lên khu vực miền Đông. Nhưng không ngờ chuyến đi ấy lại là chuyến đi cuối cùng của nó, đến bây giờ gia đình cũng không biết nó hy sinh lúc nào và hài cốt nằm ở đâu".
Trên chiếc bàn thờ còn nghi ngút khói hương là bức ảnh thờ có đến 7 chiến sĩ. Lý giải về bức ảnh thờ đặc biệt này, ông Bảy cho hay, bức hình được chụp trong thời gian liệt sĩ Tám còn tham gia chiến đấu trong lực lượng địa phương quân. 5 trong số 7 người trong bức hình này là liệt sĩ khi tuổi đời chưa quá 20. Bức hình được vợ của một chiến sĩ trong ảnh tìm được, phục dựng lại rồi gửi về cho gia đình làm ảnh thờ liệt sĩ Tám.
Ông Lê Văn Bảy bên tấm ảnh 7 người chiến sĩ, trong đó có em ruột ông - liệt sĩ Lê Văn Tám. |
"Lúc gia đình nhận giấy báo tử, mẹ tôi ở nhà bệnh nặng nên không cho bà hay. Nó không vợ con, cũng không biết chết lúc nào nên không có ngày giỗ chính xác. Chỉ mong sẽ có ngày tìm được hài cốt đàng hoàng, không cần thiết phải đem về quê nhà cải táng, chỉ cần cho gia đình biết em tôi nằm nơi đâu là mãn nguyện rồi", ông Bảy rưng rưng.
Em và các con hãy đợi anh về!
Những lá thư từ chiến trường gửi về hậu phương như mở ra một góc nhìn khác về chiến tranh. Ở đó khốc liệt, gian khổ nhưng đầy ắp tình yêu thương của những chiến sĩ dành cho gia đình.
Mở chiếc hộp bằng thép, ông Mai Hoàng Khởi, ấp Đồng Tâm A, xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi cẩn thận bóc từng lá thư mà cha của mình - liệt sĩ Mai Hoàng Diệu (bí danh Ba Tiến) viết gửi về cho gia đình trong những năm tháng chiến đấu tại đất Cần Thơ.
Trong lá thư có đoạn: "Đây là lần thứ 3 anh gửi thư về nhà, em và các con có khoẻ không, ruộng vườn nhà mình sao rồi... Riêng con Nhi và con Nguyên nghe lời ba dặn ráng ở nhà phụ má, coi chừng em nghe con. Nghe lời má bây, không nghe lời là ba buồn dữ lắm. Em và các con ráng đợi anh về".
Ông Mai Hoàng Khởi xúc động đọc lại lá thư của cha mình viết gửi về gia đình trong thời gian chiến đấu tại chiến trường. |
Đến tận bây giờ, trong tâm trí ông Khởi, hình ảnh về cha mình chỉ tồn tại trong những hồi ức mông lung và những lá thư viết vội. Cha của ông rời quê nhà lên đường chiến đấu khi ông còn là đứa bé còn bồng bế trên tay. Cũng là lời hứa sẽ quay trở về khi chiến tranh chấm dứt, nhưng rồi ở cái tuổi ngoài 50, đã hơn 9 lần ông lặn lội đến khắp các nghĩa trang tại Cần Thơ để tìm nơi cha mình yên nghỉ.
Mấy chục năm trôi qua kể từ khi đất nước ngừng tiếng súng, kỷ vật của liệt sĩ Mai Hoàng Diệu vẫn được gia đình gìn giữ như báu vật. Những bức thư ố màu thời gian là tất cả tâm tư mà ông đã tự sự với gia đình trong nhiều năm quân trường khốc liệt.
Lời dặn dò gia đình an tâm đợi ngày chiến thắng nay đã thành sự thật, nhưng đất nước thanh bình rồi thì người cũng mãi ra đi, hồn anh hoá tượng đài.
Trong cảm xúc dâng trào, đôi dòng lệ rưng, ông Khởi nghẹn ngào: "Cả một đời mẹ tôi gánh vác thay chồng nuôi con khôn lớn, nay mẹ đã lớn tuổi, bà chỉ mong có ngày hài cốt của cha sẽ được trở về quê hương"./.
Lâm Hữu Nghĩa