(CMO) Qua phản ánh của Báo Cà Mau, ngày 22/3, UBND xã An Xuyên, TP. Cà Mau đã thực hiện những thủ tục buộc điểm khai thác đất trái phép của ông Trần Văn Biên, tại Ấp 4 ngưng hoạt động. Những tưởng cảnh "xẻ thịt" đất mặt ruộng chỉ sôi động ở 1 khu vực, thế nhưng gần đó, ở xã Tân Lộc, huyện Thới Bình, việc khai thác đất mặt trái phép cũng nhộn nhịp không kém.
Thực hiện: Nhóm Phóng Viên |
Phía bên kia cầu Tân Lợi, thuộc địa phận Ấp 8, xã Tân Lộc, việc khai thác đất ruộng đang rất rầm rộ.
Xe ben hằng đêm đang thoải mái "cày" Quốc lộ 63.
Đoạn Quốc lộ 63 từ cầu Tân Lợi đến cầu Tân Lộc (Cầu số 3 – Cầu số 4) chưa đầy 1 km nhưng phía cánh đồng Ấp 8 có đến 3 con đường mòn thông ra giữa đồng. Đó là dấu tích của những làn xe ben lũ lượt ra vào mang theo đầy đất ruộng cày. Ở đây có 10 chiếc xe ben, 2 xe cuốc luôn sẵn sàn “dỡ hàng”. Khu vực cách đồng Ấp 8 về đêm trở nên náo nhiệt và sáng rực đèn xe.
Theo phản ánh của một số hộ dân ở Ấp 2 và Ấp 8, hoạt động này chủ yếu diễn ra ban đêm và do người địa phương thực hiện.
Một sự thật khó có thể chấp nhận rằng, hàng chục xe ben lũ lượt ra đồng rồi chở đất chạy rầm rập trên Quốc lộ 63 mang đi bán nhưng chính quyền địa phương không hề có động thái nào.
Trước đó, ngày 19/3, trao đổi với phóng viên Báo Cà Mau, ông Nguyễn Văn Toàn, Chủ tịch UBND xã Tân Lộc, quả quyết, trên địa bàn xã năm nay tình hình khai thác đất mặt ruộng không còn diễn ra như thời gian trước.
Tuy nhiên, thực tế lại khác. Khi đêm xuống thì cảnh tượng khai thác đất ruộng trên địa bàn xã Tân Lộc hoàn toàn trái ngược với những gì ông Chủ tịch UBND xã nói. Giá mỗi xe ben đất mặt ruộng (loại thùng xe 5m3) được chào bán giá từ 500-700 ngàn đồng.
Tối 23/3, tại dốc cầu Tân Lợi (khu vực giáp ranh giữa Thới Bình với TP. Cà Mau), phóng viên Báo Cà Mau ghi lại được cảnh ách tắc giao thông do xe ben chở đất bị lún bánh và một chiếc xe khác bị dính bố thắng.
Quốc lộ 63 đang oằn mình gánh tải bởi lũ lượt dòng xe ben chở đầy đất ruộng mang đi bán mà không bị bất kỳ một động thái ngăn cản nào từ chính quyền địa phương. Nhân dân địa phương, khách lữ hành đều biết và bức xúc khi giao thông náo loạn nhưng chính quyền xã, huyện thì án binh bất động.
Đành rằng làm việc công sở theo giờ hành chính, nhưng nếu chính quyền địa phương gắn tròn trách nhiệm vì mục đích chung, vì sự phát triển cộng đồng thì những chuyến xe khai thác đất trái phép dù hoạt động ở khung giờ nào cũng sẽ bị ngăn chặn.
Điều tra của Nhóm phóng viên
Công văn số 184/STNMT- TNNKS, ngày 31/1/2018 của Sở Tài nguyên và Môi trường về triển khai phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh nêu rõ từng trường hợp vi phạm và chế tài xử lý. Đồng thời, công văn này cũng quy định rõ mức xử phạt trong lĩnh vực khai thác khoáng sản ở từng cấp. Theo đó, UBND cấp xã, phường có quyền phạt cảnh cáo, phạt tiền đến 5 triệu đồng, tịch thu phương tiện và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định. |