(CMO) Ngày nay, mạng xã hội không còn xa lạ với bất cứ ai. Ở bất cứ nơi đâu, chỉ cần 1 chiếc smartphone, mọi người đã có thể kết nối, trở thành bạn bè với nhau. Thậm chí, chỉ cần ngồi tại nhà và lướt facebook, zalo… cũng có thể nắm được nhiều thông tin nóng, được quan tâm ở khắp mọi nơi.
Với tính năng ấy, mạng xã hội vừa là công cụ hỗ trợ con người, nhưng cũng vô tình trở thành "con dao hai lưỡi" khi người dùng chia sẻ nhiều thông tin, hình ảnh một cách vô tội vạ.
Khi cái chưa tốt "lên ngôi"
Có một thực tế đáng buồn là hiện nay trên mạng xã hội, cái xấu dường như đang có xu hướng hấp dẫn người xem và lấn át những điều tốt đẹp. Những câu chuyện liên quan đến các vấn đề về bạo lực gia đình, học đường, trộm cắp hay những câu chuyện chẳng mấy tốt đẹp khác liên tục được đăng tải và chia sẻ trên mạng xã hội. Những chuyện mang tính chất lạ, gây tò mò hoặc liên quan đến lạo lực… được quan tâm và chia sẻ rộng rãi, tràn lan. Hậu quả của việc chia sẻ những thông tin, hình ảnh mà không có sự chắt lọc, kiểm chứng này không thể lường trước được.
Tuổi trẻ là giai đoạn dễ bị tác động nhất bởi các yếu tố bên ngoài, trong khi đó các bạn trẻ, thanh niên, thậm chí học sinh THCS là những người thường xuyên tiếp xúc với mạng xã hội. Nếu những hình ảnh xấu, những câu chuyện về bạo lực, hình ảnh phản cảm cứ tràn lan lâu ngày như thế sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức, suy nghĩ của các em.
Em Lê Thuỳ Dương, học sinh lớp 12A11, trường THPT Đầm Dơi, chia sẻ: “Em thường xuyên sử dụng mạng xã hội. Ngoài tính năng kết nối bạn bè còn dùng để tìm hiểu thông tin. Thời gian gần đây, em thấy nhiều câu chuyện đau lòng về bạo lực trong trường học, những vụ án mạng nguy hiểm… được chia sẻ nên cảm thấy vô cùng hoang mang”.
Bí thư Đoàn trường THPT Đầm Dơi Nguyễn Phúc Hậu cũng là người có sử dụng mạng xã hội, bộc bạch: “Quản lý việc sử dụng mạng xã hội là điều không dễ, đặc biệt ở lứa tuổi các bạn trẻ nhiều lúc suy nghĩ, nhận thức còn chưa ổn định và chín chắn. Để phát huy tính năng tích cực của mạng xã hội và tránh tình trạng chia sẻ tràn lan thông tin, hình ảnh, mình nghĩ mọi người nên thay đổi thói quen sử dụng, chắt lọc thông tin”.
Có rất nhiều hình ảnh đẹp, câu chuyện hay nhưng chưa được mọi người quan tâm. Không đi đâu xa, ngay tại nơi chúng ta đang sống có những việc làm của người thật, việc thật làm rung động trái tim, lòng nhân ái của mọi người. Đó là câu chuyện về cậu học sinh nghèo Nguyễn Nhật Nam (trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai, xã Khánh Lâm, huyện U Minh) được tuyên dương vì nhặt được của rơi trả lại cho người đánh mất. Đó là câu chuyện cô giáo Phạm Thị Ngọc Thảo, Trường Tiểu học Phường 6/2, cứ mỗi thứ 3 hằng tuần phát bánh mì miễn phí cho học sinh nghèo. Hay chuyện một lớp học tình thương dành cho những mảnh đời kém may mắn trong cuộc sống ở Phường 1, TP. Cà Mau...; những chuyến về nguồn của các bạn đoàn viên, thanh niên mang theo nhiều phần quà, bánh và hơn hết đó là sự động viên về tinh thần cho học sinh nghèo có hoàn cảnh khó khăn tại những vùng nông thôn còn nhiều khó khăn, cách trở…
Hoạt động vui chơi giải trí vào những ngày hè được huyện Ngọc Hiển tổ chức cho các em thiếu nhi vùng ven biển. |
"Thay vì mất thời gian cho những thông tin xấu trên mạng xã hội, tại sao chúng ta không cùng nhau chia sẻ để những câu chuyện hay, những hình ảnh tốt đẹp xung quanh mình ngày càng lan toả hơn?", anh Nguyễn Phúc Hậu bày tỏ.
“Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp”
Đó là cuộc phát động của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đối với việc sử dụng mạng xã hội hiện nay của các bạn trẻ. Hiện tại tỉnh Cà Mau có 11/14 đơn vị Đoàn trực thuộc có trang facebook và fanpage, trong đó có 2 trang hoạt động được đánh giá cao, thường xuyên cập nhật thông tin là Huyện đoàn Năm Căn và Thành đoàn Cà Mau. Các trang này thu hút hàng ngàn lượt bạn đọc ở khắp nơi, huyện đoàn, thành đoàn và tỉnh đoàn trong cả nước kết bạn.
Lớp học tình thương ở Phường 1, TP. Cà Mau giúp nhiều mảnh đời kém may mắn trong cuộc sống. |
Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh đoàn Nguyễn Hồng Thắm cho biết: “Hiện nay, người dùng mạng xã hội thường xuyên nhất chính là các bạn trẻ, lực lượng đoàn viên, thanh niên. Tận dụng ưu thế nhanh, kết nối được nhiều người, cuộc phát động “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp” trên mạng xã hội sẽ là một kênh thông tin tuyên truyền, giáo dục đạo đức, định hướng lối sống của các bạn bằng những gương người tốt việc tốt, hình ảnh đẹp trong cuộc sống”.
Điều còn hạn chế là nhiều bạn có thói quen chỉ thích đọc và chia sẻ những hình ảnh tiêu cực. Do đó, muốn thay đổi thói quen và suy nghĩ này, cần phải có thời gian và sự chung tay của nhiều người.
Anh Nguyễn Trần Đăng, Bí thư Thành đoàn Cà Mau, cho biết: “Thành đoàn đã thành lập một fanpage riêng. Nhiều thông tin hoạt động hướng đến cộng đồng xã hội, những hình ảnh tuyên truyền về truyền thống, lịch sử được Thành đoàn đăng tải thường xuyên… Ngoài ra, chúng tôi còn kêu gọi các bạn đoàn viên, thanh niên tìm hiểu, viết, sưu tầm câu chuyện hay, tấm gương về người tốt việc tốt để làm phong phú thêm cho trang. Hy vọng rằng điều tích cực ấy sẽ được các bạn đoàn viên, thanh niên quan tâm nhiều và chia sẻ rộng rãi hơn nữa để cái tốt được nhiều người biết đến".
Tại một số trường THPT hiện nay, để khuyến khích học sinh sử dụng mạng xã hội một cách thông minh, hạn chế tối đa những thông tin tiêu cực, Đoàn trường đã thành lập các nhóm gắn với từng hoạt động ý nghĩa. Các hoạt động trao nhà cho học sinh nghèo, thăm trung tâm bảo trợ xã hội…được lưu giữ trên trang riêng để học sinh toàn trường có thể thấy. Theo anh Nguyễn Phúc Hậu: “Đây vừa là hình thức giáo dục đạo đức, lối sống, tình yêu thương cho học sinh, vừa là cách để lan toả những điều tốt đẹp trong cuộc sống”.
Dẫu biết rằng những cái xấu, cái ác là điều đáng lên án trong xã hội để mọi người tránh xa. Thế nhưng, thay vì để cái xấu lan truyền rộng rãi, mỗi bạn đoàn viên, thanh niên nên sử dụng mạng xã hội theo hướng đa chiều. Vậy nên, mọi người cần góp nhặt, chia sẻ những hình ảnh tốt đẹp xung quanh cuộc sống chúng ta, để cuộc vận động "Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp" ngày càng lan toả. Đó cũng là mục tiêu mà Trung ương Đoàn đang hướng tới./.
Kim Chi