Chị đã hy sinh oanh liệt cách đây 45 năm nhưng hình ảnh người con gái kiên trung vẫn còn in đậm trong tâm khảm của đồng bào huyện Châu Thành, tỉnh Cà Mau năm xưa và của đồng đội chị - đơn vị địa phương quân, Trung đội Nữ pháo binh huyện Châu Thành. Ðó là chị Lê Thị Cưng, bí danh Lê Ngọc Tuyết.
Chị đã hy sinh oanh liệt cách đây 45 năm nhưng hình ảnh người con gái kiên trung vẫn còn in đậm trong tâm khảm của đồng bào huyện Châu Thành, tỉnh Cà Mau năm xưa và của đồng đội chị - đơn vị địa phương quân, Trung đội Nữ pháo binh huyện Châu Thành. Ðó là chị Lê Thị Cưng, bí danh Lê Ngọc Tuyết.
Chị sinh ra ở ấp Bào Bèo, xã Lương Thế Trân, huyện Cái Nước, trong một gia đình nông dân có truyền thống cách mạng. 18 tuổi chị đã trở thành chiến sĩ giải phóng quân. Mới vài tháng phục vụ ở đơn vị địa phương quân huyện Châu Thành (các vùng ven tiếp giáp TP Cà Mau ngày nay) thì huyện thành lập Trung đội Nữ pháo binh, chị trở thành tay xạ thủ của đơn vị mới, chiến đấu ngoan cường, dũng cảm.
Chị Ngọc Tuyết tham gia nhiều trận đánh, trong đó có 6 trận nổi bật ở vùng chiến sự từ xã Hoà Thành, thị xã Cà Mau đến huyện Ðông Hải (tỉnh Bạc Liêu). Tương quan lực lượng không cân sức bởi nguỵ quân cấp tiểu đoàn còn tăng cường cả không lực và trọng pháo, nhưng đơn vị đã bẻ gãy nhiều trận càn, đổ quân của giặc. Lực lượng địa phương quân và Trung đội Nữ pháo binh huyện đã bắn chìm nhiều tàu chiến, máy bay của địch, cá nhân chị Lê Ngọc Tuyết được tuyên dương Dũng sĩ diệt nguỵ năm 1968, sau 8 tháng gia nhập quân đội cầm súng chiến đấu.
Ðánh giặc giỏi, mưu trí, luồng sâu vào hang ổ của địch để thực địa trước khi pháo kích vào mục tiêu, bao giờ chị Tuyết cũng đạt độ chính xác rất cao, như những đợt tấn công vào Chi khu Tắc Vân và các đồn lân cận. Gián điệp theo sát đơn vị nữ pháo binh vì chúng đánh giá được khả năng chiến đấu cũng như tinh thần bất khuất của những người phụ nữ đặc biệt này. Biết được mối đe doạ luôn rình rập, các chị khéo léo qua mắt kẻ thù để xây dựng trận địa pháo hiệu quả nhất, luôn thận trọng trong việc bố trí đội hình, nhất là chấm toạ độ để “rót” pháo đúng mục tiêu.
Thời kỳ đó, hầu hết vũ khí đều tự chế, các pháo thủ phải tiếp cận mục tiêu ở cự ly gần và pháo chỉ bắn được tối đa là 200 m, đây cũng là thách thức không nhỏ đối với các chị, nhưng lần nào trung đội nữ pháo binh cũng hoàn thành nhiệm vụ. Chiến tranh ngày càng ác liệt, nhất là giai đoạn sau tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1968, đến năm 1969, vùng tranh chấp giữa ta và địch ngày càng gay gắt. Trong trận chiến đấu tại ấp Lung Chim, xã Ðịnh Thành, huyện Châu Thành cũ, nay là huyện Ðông Hải, tỉnh Bạc Liêu, đội hình được bố trí trong đêm, công sự cũng hoàn thành, nhưng nơi đây là đồng trống, mùa khô chỉ trơ gốc rạ, dưới bờ kinh chỉ có cốc kèn, ô rô. Khi lực lượng ta đã vào vị trí thì pháo giặc bắn ngay đội hình, biết bị lộ nên chỉ huy ra lệnh đưa lực lượng chuyển hướng, tư trang, súng ống ngụy trang cẩn thận rồi để tại chỗ. Giặc xiết vòng vây từ 5 giờ sáng đến 12 giờ trưa, quân ta rơi vào thế bị động, một số mũi anh em hy sinh, số khác tự phân tán để bảo toàn lực lượng. Trong số người bị giặc bắt có chị Lê Ngọc Tuyết, đó là ngày 23/1/1969. Chị Tuyết bị thương nặng không đi được, 2 đồng đội là chị Pha và Phượng kè 2 bên. Máy bay trực thăng giặc sà xuống, định bốc các chị lên máy bay. Chúng nói là đi chữa thương nhưng mọi người biết là đã sa vào tay giặc, chỉ có con đường chết mà thôi.
Chị Nguyễn Kim Pha (Năm Pha) hiện là cán bộ hưu trí ở phường 9, TP Cà Mau, người kề cận trước khi Tuyết hy sinh, kể lại: “Tụi tôi hay nói với nhau, nếu chẳng may bị giặc bắt thì dùng lựu đạn “cưa hai” với chúng chứ không đầu hàng hay để chúng tra tấn, hành hạ. Hôm bị bắt, chúng tôi nói: “Bắt được tao thì tụi mầy bắn đi đừng dụ dỗ. Chị Phượng (Cao Thị Mận, hiện là cựu chiến binh xã An Xuyên, TP Cà Mau) cũng kiên quyết không để chúng đưa đi. Tuyết bặm môi vì đau đớn và mệt nhọc bởi máu ra nhiều, nhưng Tuyết xô tôi và Phượng ra rồi dõng dạc mắng vô mặt mấy tên lính áp giải: “Ðồ khốn nạn, quân bán nước! Mầy giết tao đi, tao có chết thì chết tại đây, tao không đi đâu hết! Tuyết hiên ngang trước mặt chúng và chửi dữ dội hơn, không chút sợ hãi. Chúng chĩa súng vào Tuyết. Tuyết chết ngay trước mắt chúng tôi…
Tuyết ngã xuống, chúng liền xông vào túm lấy tôi và Phượng lôi lên máy bay mặc cho 2 đứa gào khóc gọi tên Tuyết. Trong tù, hình ảnh người đồng chí thân thương, kiên cường Lê Ngọc Tuyết không lúc nào lu mờ trong chúng tôi, giúp chúng tôi có thêm nghị lực vượt qua bao nhiêu cực hình tra tấn của quân thù cho đến ngày được trao trả khi Hiệp định Paris có hiệu lực”.
Chị Nguyễn Hồng Nỹ, nguyên Trung đội trưởng Trung đội Nữ pháo binh huyện Châu Thành, kể lại: “Tuyết không đẹp rạng rỡ nhưng rất có duyên. Chị còn nhớ, Tuyết thích mặc đồ lục quân, dây nịch hẳn hoi, nón tai bèo, khăn rằn không quấn mà thắt vào cổ. Tác phong nhanh nhẹn, mạnh mẽ là vậy nhưng Tuyết sống rất tình cảm, bao giờ cũng nghĩ cho người khác, không so bì dù quyền lợi đó thuộc về mình. Cả đơn vị ai cũng yêu thương em Tuyết. Tuyết hy sinh là mất mát quá lớn, đau buồn không sao kể xiết. Nhất là cậu Phương - người chiến sĩ địa phương quân, 2 em hứa hẹn ngày hoà bình sẽ nên vợ nên chồng, vậy mà… Cậu Phương lao ra mặt trận, chiến đấu thật anh dũng để trả thù cho người yêu. 3 tháng sau, cậu ấy cũng hy sinh”. Chị Nguyễn Hồng Nỹ bùi ngùi: “Trong 5 cặp yêu nhau ở đơn vị pháo binh, sau năm 1969, không cặp nào nguyên vẹn. Tôi khóc cho họ mà ngỡ khóc cho chính mình. Ðau thương ngút trời cảnh tử biệt sinh ly! Không thể kể hết nỗi đau mà chiến tranh gây ra cho chúng tôi thời đó. Chiều còn quây quần bên nhau trong bữa cơm đạm bạc, sáng ra, kẻ ở người đã ra đi. Người còn lại đâu tiếc gì mạng sống. Nợ nước thù nhà đè nặng đôi vai nên chỉ biết chiến đấu và chiến đấu”.
Những câu chuyện thời chiến cho đến bây giờ vẫn không sao kể hết, mỗi cuộc đời là một tấm gương. Chị Lê Ngọc Tuyết cũng như biết bao người phụ nữ trung trinh tiết liệt khắp đất nước ta đã ngả xuống cho độc lập tự do của dân tộc, làm tròn sứ mệnh của lớp thanh niên anh dũng thời đại Hồ Chí Minh, xứng đáng là con cháu Bà Trưng, Bà Triệu. Xin dâng lên chị nén nhang thành kính của những người sống trong độc lập, tự do hôm nay và cả mai sau./.
Lê Ngọc