(CMO) Cà Mau có trên 1,2 triệu dân, số người trong độ tuổi lao động chiếm khoảng 63% so với tổng dân số của tỉnh.
Cơ cấu lao động của tỉnh được chuyển dịch theo hướng tăng dần lao động ở khu vực công nghiệp và dịch vụ. Mặc dù nguồn lao động của tỉnh dồi dào nhưng trình độ học vấn, tay nghề của đa số người lao động còn thấp, lao động chưa qua đào tạo bài bản từ trường lớp còn nhiều.
Thế nên, nhu cầu đào tạo nghề nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực lao động tại địa phương để đáp ứng cho sự phát triển của tỉnh nhà là điều rất cần thiết. Xuất phát từ những nhu cầu trên, việc liên kết với các trường đại học triển khai các hình thức đào tạo phù hợp là yêu cầu tất yếu, trong đó có hình thức đào tạo từ xa, hình thức vừa học, vừa làm.
Trường Đại học Mở TP Hồ Chí Minh liên kết đào tạo với trường Cao đẳng Cộng đồng Cà Mau từ năm 2002. Tổ chức đào tạo các ngành: Quản trị kinh doanh, Kế toán, Kinh tế chuyên ngành Kinh tế luật, Luật kinh tế, Luật tài chính, Tài chính Ngân hàng, Xây dựng, Khoa học máy tính, Ngôn ngữ Anh, Xã hội học. Sau hơn 16 năm liên kết, đào tạo hệ từ xa đã có hơn 2 ngàn sinh viên tốt nghiệp (tỷ lệ tốt nghiệp đúng hạn trên 65%). Đào tạo hệ vừa học, vừa làm từ năm 2006 đến nay có khoảng 2 ngàn sinh viên đã tốt nghiệp. Số lượng học viên đăng ký theo học tăng lên theo từ năm học.
Sinh viên hệ đào tạo từ xa trong buổi lễ tốt nghiệp. |
Quá trình liên kết đào tạo giữa trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh và trường Cao đẳng Cộng đồng ngày càng được hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho việc nâng cao chất lượng của hình thức đào tạo từ xa.
Bà Đỗ Thị Viễn Hương, Phó hiệu trưởng trường Cao đẳng Cộng đồng Cà Mau, cho biết, thông qua hình thức đào tạo chính quy, không chính quy và liên kết đào tạo với các trường đại học có uy tín, trường cung cấp cho tỉnh nhà nguồn nhân lực lao động có trình độ, góp phần đáng kể trong việc nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo. Qua khảo sát, tỷ lệ học viên trường liên kết đào tạo khi ra trường trên 90%, nhiều học viên hiện đang công tác ở các ngành, các lĩnh vực quan trọng trong cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong tỉnh.
Trước bối cảnh đổi mới và hội nhập của đất nước, việc đào tạo cung cấp nguồn nhân lực lao động là rất cần thiết. Không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, giáo dục, thay đổi nhận thức, chia sẻ trách nhiệm về mô hình hợp tác đào tạo nhằm cung ứng nguồn lao động đủ sức, đủ tài để góp phần phát triển xã hội một cách bền vững trong tương lai./.
Phùng Ngọc