(CMO) Phát biểu tại Hội thảo “Liên kết thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Cà Mau hiệu quả trong bối cảnh mới” diễn ra chiều ngày 26/7, ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo Hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Cà Mau (Ban Chỉ đạo) khẳng định, lãnh đạo tỉnh sẽ tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để Cà Mau có một môi trường khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thuận lợi nhất. Đồng thời, tiếp tục phát huy, đề cao vai trò, trách nhiệm của các ngành, các cấp, các tổ chức, cá nhân có liên quan để các hoạt động khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh thật sự có hiệu quả, trở thành khâu đột phá trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Sau hơn 3 năm thành lập Ban Chỉ đạo, việc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực như: thu hút được sự quan tâm, tham gia của nhiều tổ chức, cá nhân; khơi dậy được khát vọng khởi nghiệp, ý chí vươn lên làm giàu trong đoàn viên, thanh niên, phụ nữ, hội viên nông dân và đội ngũ học sinh, sinh viên trong tỉnh; nhiều ý tưởng kinh doanh đã được hiện thực hóa...
Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử (thứ 2 từ trái sang) và các đại biểu chứng kiến Lễ ký kết hợp tác giữa Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp và Vườn ươm Công nghệ Công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc. Ảnh: HOÀNG DIỆU |
Tuy nhiên, năm 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều hoạt động khởi nghiệp của tỉnh không thực hiện được do phải tập trung nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch. Do đó, hội thảo này được Ban Chỉ đạo phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) tổ chức nhằm tìm giải pháp để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các cơ quan, đơn vị trong thực hiện các nhiệm vụ khởi nghiệp; trao đổi, chia sẻ những thông tin, kiến thức về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và bức tranh của các doanh nghiệp khởi nghiệp trong bối cảnh tác động của đại dịch vừa qua; những cơ hội và tiềm năng của Cà Mau, từ đó hoạch định và tổ chức hoạt động có hiệu quả góp phần thiết thực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tại hội thảo, Phó giám đốc VCCI Cần Thơ Nguyễn Thị Thương Linh đã chia sẻ những kinh nghiệm, thông tin về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong bối cảnh cạnh tranh và phục hồi kinh tế; đồng thời đề xuất một số giải pháp để liên kết và thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại tỉnh Cà Mau.
Ngoài ra, hội thảo còn ghi nhận nhiều ý kiến thảo luận của đại biểu. Đây là những ý kiến bổ ích mà các cơ quan quản lý, thành viên Ban Chỉ đạo, các đối tượng tham gia khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp khởi nghiệp của tỉnh cần tiếp thu để có các giải pháp thích hợp, từng bước hoàn thiện và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp của tỉnh trong thời gian tới.
Đại biểu tham quan các sản phẩm khởi nghiệp được trưng bày tại hội thảo. |
Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử cho rằng, công tác hỗ trợ khởi nghiệp của tỉnh Cà Mau trong thời gian qua đã được triển khai thực hiện toàn diện; các cấp, các ngành đã cụ thể hóa các đề án của Trung ương và đạt được những kết quả nổi bật ở khu vực ĐBSCL. Tuy nhiên, kết quả đạt được chưa tương xứng với tiềm năng, các sản phẩm từ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo còn ít; chưa có các doanh nghiệp lớn tham gia để dẫn dắt các hoạt khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh phát triển.
Khẳng định, mục tiêu cuối cùng của việc xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp là nhằm gia tăng số lượng và chất lượng của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh đề nghị lãnh đạo các cấp, các ngành phải thực sự quan tâm đến hoạt động khởi nghiệp trên địa bàn, lĩnh vực mình quản lý. Bên cạnh đó, thành lập Câu lạc bộ Khởi nghiệp tỉnh nhằm kết nối, chia sẻ, học tập lẫn nhau để hoàn thiện, phát triển những ý tưởng khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp, bên cạnh sự hỗ trợ chính sách từ nhà nước thì cần tập trung ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), bởi CNTT ngày càng đóng vai trò không thể thiếu trong quá trình quản trị, điều hành các hoạt động sản xuất kinh doanh.
Theo báo cáo của Sở Khoa học và Công nghệ, trong kế hoạch năm 2022 có 1 tỷ đồng hỗ trợ cho 8-10 dự án khởi nghiệp thực hiện theo các tiêu chí quy định của Đề án 844. Tuy nhiên, các tiêu chí quy định tại Đề án 844 rất khó để các dự án, doanh nghiệp khởi nghiệp của Cà Mau có thể tham gia. Do đó, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử đề nghị Sở Khoa học và Công nghệ nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách phù hợp với đặc thù của doanh nghiệp khởi nghiệp tỉnh.
Sáng cùng ngày, đoàn công tác Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) và các thành viên Mạng lưới Khởi nghiệp ĐBSCL (MSN) đã có chuyến khảo sát mô hình khởi nghiệp tại Hợp tác xã Ba khía Đầm Dơi của chị Trần Thị Xa. Ảnh: HOÀNG DIỆU |
“Trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo Hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Cà Mau rất mong VCCI Cần Thơ, các thành viên Mạng lưới Khởi nghiệp ĐBSCL (MSN), các doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức có liên quan tiếp tục đồng hành với tỉnh Cà Mau trong việc chia sẻ kinh nghiệm để kết nối, thu hút nguồn lực nhằm phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của địa phương tương xứng với thế mạnh và tiềm năng sẵn có”, ông Lê Văn Sử kỳ vọng./.
Băng Thanh