ĐT: 0939.923988
Thứ tư, 27-11-24 09:58:04
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Lớp học "6 trong 1"

Báo Cà Mau (CMO) Ngoài thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, những người lính quân hàm xanh Ðồn Biên phòng Hòn Chuối (Bộ đội Biên phòng Cà Mau) còn là chỗ dựa vững chắc cho cư dân trên đảo. Bên cạnh đó, việc học hành của con em trên đảo đều do Ðồn Biên phòng đảm nhận. Từ hơn 20 năm trước, lớp học được hình thành, đến nay đã được xây dựng khang trang.

Hiện tại, thầy giáo đứng lớp là Ðại uý Trần Bình Phục, học trò thì không giống bất kỳ ngôi trường nào trong đất liền, bởi các em có nhiều lứa tuổi khác nhau. Năm học 2020-2021, lớp học này có 22 học sinh từ lớp 1 đến lớp 6, trong đó có nhiều em là con em đồng bào Khmer.

Ghé thăm lớp học của thầy Phục, rất bất ngờ khi thấy 3 cái bảng dài được gắn vào 3 bức tường, mỗi cái bảng lại chia thành 2, 3 phần, mỗi phần có nội dung học khác nhau. Học trò nhóm ngồi xuôi, nhóm ngồi ngược, nhóm ngồi ngang. Thầy Phục đi vòng tròn để giảng giải cho học trò theo từng nhóm lớp.

Thầy và trò cùng vượt dốc, đều đặn hàng ngày lên lớp.

Nhìn những đứa trẻ sạch sẽ, tinh tươm trong bộ đồng phục học trò, chăm chỉ ngồi ghi từng nét chữ, lễ phép khi thấy người lạ xuất hiện… mới hiểu công sức mà thầy Phục và các đồng đội của anh đã dành cho con em cư dân trên đảo như thế nào. Với thầy Phục, để trẻ biết ước mơ, nuôi dưỡng ước mơ rất quan trọng. Con người ta còn mơ ước là còn phấn đấu và sẽ luôn có niềm tin vào tương lai tốt đẹp hơn.

Hàng đêm, sau tiếng còi báo ngủ, anh em trong đơn vị đều tắt đèn, lên giường, nhưng phòng Ðại uý Phục vẫn sáng đèn. Công việc soạn giáo án cho 6 lớp đã chiếm hầu hết thời gian rảnh của anh. Ðại uý Phục bộc bạch: “Học trò học ở đảo, rồi vào đất liền học tiếp. Ngắm những tấm giấy khen học trò mang đến khoe, tôi mừng muốn rớt nước mắt. Hạnh phúc của tôi giờ chính là lớp học nhỏ này”.

Là cư dân sinh sống lâu năm trên đảo nên bà Nguyễn Thu Lan chứng kiến những việc làm hàng ngày của bộ đội Ðồn Biên phòng Hòn Chuối đối với bà con cư dân trên đảo. Bà Lan cho biết, các chú bộ đội không chỉ dạy cho bọn trẻ trên đảo biết đọc, biết viết, mà các chú còn kiêm luôn cả việc làm cha, làm anh bọn trẻ. Vì địa hình hiểm trở, nhất là bên gành Nam, không an tâm cho các em tự đi qua những đoạn dốc để đến lớp, nên mỗi sáng, cứ tầm 6 giờ 30 là các em tập trung dưới chân hòn để các chú bộ đội xuống dắt lên lớp học. Cứ thế hàng ngày, đưa lên dạy xong lại đưa các em về với gia đình.

Qua câu chuyện với bà Lan, chúng tôi được biết từ lớp học tình thương này, con trai lớn của bà đã vào bờ tiếp tục theo học và tốt nghiệp Trường  Ðại học Bình Dương phân hiệu tại Cà Mau, đứa nhỏ cũng đang học tại đây. Vì vậy, sự thấu hiểu và cảm thông với việc dạy và học của thầy trò trên đảo như thế nào bà Lan là người hiểu nhất; ngày nào, bé nào vắng, bé nào ốm là bà Lan đều biết. Anh em bộ đội trên đảo hay gọi vui bà Lan là giám thị của lớp.

Tranh thủ giờ ra chơi, Ðại uý Trần Bình Phục chia sẻ: "Lớp học được hình thành từ lòng nhiệt huyết yêu thương của bao thế hệ bộ đội ở Ðồn Biên phòng này và từ lớp học này gia đình nào có điều kiện thì tiếp tục cho con vào bờ theo học chương trình cao hơn. Những em khác không có điều kiện thì ở lại đảo xây dựng hạnh phúc gia đình, bám đảo, bám biển phát triển kinh tế, xây dựng đảo. Nhờ sự động viên của bộ đội và quyết tâm của các em học sinh nay trên đảo đã có 5 em học xong chương trình đại học. Cùng với sự trưởng thành của các em thì cũng có những người thầy năm xưa đã nghỉ hưu, chuyển ngành và nhiều thầy là chiến sĩ hoàn thành nghĩa vụ trong quân đội, trở về địa phương tiếp tục xây dựng quê hương.

Nhờ sự quan tâm của các cấp, các ngành, các em có sân chơi ngay bên cạnh lớp học.

"Chúng tôi dạy các em bằng tình yêu thương và trách nhiệm của người lính, nên thời gian cứ trôi qua và tình thầy trò gắn bó với nhau mà không có sự toan tính. Dù nơi đảo xa và lớp học nằm heo hút trên đỉnh cao của đảo, xung quanh là những cây xoài già bao phủ. Mỗi ngày lên lớp, cả thầy và trò phải leo qua hàng trăm mét thềm dốc đứng xuyên qua cánh rừng, mùa nắng thì đổ mồ hôi, mùa mưa thì trơn trượt, quần áo lấm lem nhưng không vì thế mà các em vắng lớp", thầy giáo Phục chia sẻ thêm.

Ở xa đất liền, tình quân dân trên đảo luôn đoàn kết gắn bó, từ ký gạo, lít nước ngọt họ đều chia sẻ cho nhau khi thiếu hay biển động. Cái tình, cái nghĩa quân dân đã góp phần xây dựng đảo Hòn Chuối thành mái nhà chung đầm ấm, giúp cư dân an tâm sinh sống, bám biển cùng với các lực lượng làm nhiệm vụ trên đảo bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển, đảo của Tổ quốc./.

 

Lê Khoa

 

Học để vui - Vui để học

“Năm học 2024-2025, trường đã triển khai Chương trình Học để vui - Vui để học, nhằm khuyến khích tinh thần học tập và tạo sân chơi bổ ích cho các em học sinh. Ðây là lần đầu tiên nhà trường áp dụng chương trình này, với hy vọng đem lại sự hứng khởi và những trải nghiệm thú vị cho học sinh”, thầy Hồ Quốc Cần, Hiệu trưởng Trường THCS Quách Phẩm Bắc, huyện Ðầm Dơi, chia sẻ.

Giáo dục kỹ năng phòng, chống tai nạn đuối nước cho học sinh

Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh luôn được xem là nhiệm vụ quan trọng, giúp các em tự tin, chủ động và linh hoạt xử lý các tình huống trong cuộc sống.

Sáng tạo không gian xanh

Thực hiện công trình măng non và giúp các em học sinh yêu quý thiên nhiên, Trường Tiểu học Nguyễn Tạo (TP Cà Mau) đã sáng tạo một không gian xanh trong khuôn viên nhà trường để các em có nơi vui chơi, học tập.

Hào hứng cùng Gala Sách và Hành động PVCFC 2024 “Mũi mở sóng”

Ngày 24/11, Gala Sách và Hành động PVCFC 2024 “Mũi mở sóng” được tổ chức tại Trường THPT Chuyên Phan Ngọc Hiển với sự tham gia của gần 200 học sinh THPT đến từ các CLB Sách và Hành động PVCFC trên địa bàn tỉnh.

Ấm áp không khí họp mặt kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam

Chiều 20/11, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Cà Mau tổ chức họp mặt kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982-20/11/2024).

Nhật ký làm theo lời Bác

Để lan toả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong trường học và giáo dục các em học tập, rèn luyện theo lời Bác, Liên đội Trường Tiểu học Hàng Vịnh (huyện Năm Căn) thực hiện phong trào “Viết nhật ký làm theo lời Bác Hồ dạy”.

Khơi gợi niềm tự hào, lòng yêu nước cho thế hệ trẻ

Giáo dục truyền thống trong học đường được các trường xác định là nhiệm vụ thường xuyên và liên tục. Theo đó, hằng năm, các trường đều xây dựng kế hoạch, tổ chức các hoạt động giáo dục thực tiễn như: văn hoá, văn nghệ ca ngợi Ðảng, Bác Hồ, quê hương, đất nước; hành trình về nguồn, kết nạp Ðảng, Ðoàn, Hội, Ðội tại các khu di tích lịch sử cách mạng; tri ân, đền ơn đáp nghĩa hướng về cội nguồn dân tộc, thu hút đông đảo giáo viên và học sinh tham gia; đồng thời lồng ghép nội dung này vào chương trình giảng dạy.

Tiếng lòng từ thầy của những... người thầy

Công việc giảng dạy của những người thầy được ví như đưa đò tri thức. Cứ mỗi chuyến đò cập bến là đong đầy niềm vui lẫn trăn trở khôn nguôi. Thầm lặng chèo đò, chở những mảnh ghép tri thức vun đắp cuộc đời, đến khi nghỉ hưu, rời xa tiếng trống trường, những nhà giáo ấy vẫn cứ dõi theo công việc giảng dạy của thế hệ sau, về những bước phát triển của ngành giáo dục tỉnh nhà, lẫn niềm xúc động bồi hồi mỗi khi đến Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Cậu học trò đam mê Tin học

Ðam mê Tin học, cộng với đức tính cần cù, chăm chỉ trong rèn luyện và học tập, cậu học trò Cao Nguyên Khang, Lớp 12A, Trường THPT U Minh, thị trấn U Minh, không chỉ duy trì thành tích học sinh khá giỏi mà còn sở hữu nhiều thành tích ấn tượng tại các cuộc thi Tin học.

Phạm Ðức Thuận và giải thưởng Ðại sứ Văn hoá đọc

Chọn đề tài viết tiếp tác phẩm "Bến quê" của Nhà văn Nguyễn Minh Châu và đề xuất nhiều sáng kiến, kinh nghiệm phát triển văn hoá đọc cho học sinh vùng sâu, vùng xa, Phạm Ðức Thuận, Lớp 10A1, Trường THPT Ðầm Dơi (huyện Ðầm Dơi) đoạt giải Khuyến khích toàn quốc cuộc thi Ðại sứ Văn hoá đọc năm 2024.