(CMO) Ðúng 7 giờ 15 phút, tiếng trống trường điểm, tất cả các lớp học ở điểm lẻ Lung Lá, Trường Tiểu học Thạnh Phú, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước, tập trung vào học. Cũng tiếng gõ thước nhịp nhàng theo từng con chữ, nhưng tại trường này còn có 1 lớp học của Trường Mẫu giáo Thạnh Phú mà nhiều thầy cô giáo nơi đây quen gọi là lớp học “nhờ”.
Không riêng Trường Mẫu giáo Thạnh Phú, nhiều nơi khác trên địa bàn tỉnh Cà Mau, lớp học “nhờ” xuất hiện từ rất lâu. Lớp học có tên gọi như thế là do một số trường mầm non không đủ điều kiện xây dựng điểm lẻ mẫu giáo, đành mượn tạm phòng của cấp tiểu học để dạy. Dù chủ yếu dạy ở độ tuổi lớp lá nhưng lớp học đã giúp nhiều học sinh đủ chuẩn bước vào lớp 1.
Cô trò lớp học “nhờ” của Trường Mầm non Hữu nghị Việt Ðức tại Trường Tiểu học Trung Hưng, xã Lương Thế Trân, luôn nỗ lực học tập, rèn luyện. |
Một phòng 2 cấp học
Theo chân Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Thạnh Phú, tôi đến lớp học “nhờ”. Ðoạn đường từ điểm chính đến lớp học khoảng 4 km. Phía trước cổng đề bảng tên Trường Tiểu học Thạnh Phú, điểm lẻ Lung Lá. Nếu nhìn từ bên ngoài vào dãy phòng học, nhiều người nghĩ giáo viên đang dạy lớp 1. Cũng phòng học, bàn ghế đầy đủ, nhưng học sinh lại ở độ tuổi mầm non.
Khác hoàn toàn với lớp học mầm non đúng nghĩa, thay vì các bé có được phòng học thoáng mát, đầy đủ dụng cụ học tập từ thực hành đến trực quan thì lớp học này do mượn tạm nên các bé phải ngồi học trên bàn ghế của học sinh tiểu học. Chỉ 20 em theo học nhưng nếu xoá lớp này, đồng nghĩa với việc các bé phải nghỉ học.
Hơn 15 năm gắn bó với nghề gõ đầu trẻ, cũng ngần ấy thời gian, cô Trần Thị Kiều, giáo viên Trường Mẫu giáo Thạnh Phú, phụ trách lớp học “nhờ” tại các điểm trường tiểu học. Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng cô vẫn âm thầm nỗ lực giúp học sinh đủ điều kiện bước vào lớp 1.
Trường Tiểu học Thạnh Phú còn thiếu phòng học, nên không thể dành hẳn 1 phòng cho lớp học này. Lớp học “nhờ” dạy 7 buổi/tuần và dạy vào buổi sáng, vì buổi chiều phải trả phòng lại để khối lớp 5 của trường tiểu học vào học.
Cô Võ Hồng Quởn, Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Thạnh Phú, bày tỏ: “Nhà trường đã tạo điều kiện tốt nhất để duy trì lớp học này. Nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học nhưng không thể xoá lớp. Do hoàn cảnh gia đình nên phụ huynh không thể đưa con em mình đến học tập trung tại điểm chính. Chia sẻ với những khó khăn ấy, cô giáo đứng lớp tại đây đã hết sức nỗ lực để đồng hành cùng các cháu, hoàn thành chương trình để vào lớp 1”.
Xoá thì thương, vương thì tội
Còn tại Trường Mầm non Hữu Nghị Việt Ðức, thuộc xã Lương Thế Trân, huyện Cái Nước, hiện tại có 1 điểm chính, 1 điểm lẻ và 5 điểm có lớp học “nhờ”.
Căn phòng mượn tạm, lớp học “nhờ” tại Trường Tiểu học Trung Hưng, thuộc ấp Trung Hưng, xã Lương Thế Trân, nay đã xuống cấp. Phòng được trang trí bảng, bàn ghế, quạt trần nhưng có cái đã hư hỏng. Mùa nắng nóng, oi bức, còn những lúc triều cường thì nước dâng lên tới phòng học.
Cô Hồng Kim Chủng, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hữu Nghị Việt Ðức, tâm sự: “Ði dọc theo con lộ cũng đủ thấy đường quá khó khăn, khi từ điểm này cách điểm chính tới 8 km. Trường tiểu học nơi đây rất chia sẻ với chúng tôi để có được lớp học cho các bé. Nhưng mượn tạm thì khó lòng trang trí, bày trí, quản lý nên các bé phải học tập như cấp tiểu học. Giờ nếu dời đi hoặc xoá luôn thì phụ huynh không thể đưa trẻ đến trường. Chương trình mẫu giáo khác rất nhiều so với tiểu học, nhưng hoàn cảnh nên chúng tôi phải duy trì, để đúng theo quy định phổ cập trẻ 5 tuổi”.
Nếu như chương trình đúng chuẩn của bậc mầm non, các bé chỉ hơn 2 tiết học/ngày, số còn lại đa phần các bé sẽ được hướng dẫn các kỹ năng trong đời sống, kiến thức cơ bản thực hành. Học bán trú có thể giúp các bé rèn luyện tính tự lập, sinh hoạt cá nhân đúng cách, ăn uống khoa học… Tuy nhiên, các lớp học “nhờ” đều hoàn toàn không thể thực hiện.
Nhiều khó khăn của lớp học “nhờ” là thế, nên Trường Tiểu học Trung Hưng cũng sẻ chia để chăm bồi, giúp các bé mầm non được thuận lợi đến trường. Thầy Nguyễn Thành Nhu, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trung Hưng, trần tình: “Hiện tại, điểm chính này chỉ có 5 phòng học, nhưng chúng tôi đành nhường 1 phòng để các bé mầm non học buổi chiều. Phòng học xuống cấp không đáp ứng giảng dạy cho các bé ở độ tuổi này, nhưng cô trò mầm non vẫn nỗ lực vượt khó. Thời gian tới, nhà trường dự kiến sẽ xây dựng thêm 6 phòng học nữa và sẽ dành hẳn 1 phòng để cho cấp mầm non có thể tự trang trí, bảo quản, giảng dạy theo đúng chương trình quy định, để các bé mầm non được rèn luyện, học tập đúng với độ tuổi này”.
“Hiện tại, trên địa bàn huyện có 28 lớp, với 692 trẻ học nhờ điểm trường tiểu học. Những lớp học nhờ này gặp rất nhiều khó khăn vướng mắc, để đảm bảo đạt chuẩn phổ cập giáo dục cho trẻ em mầm non 5 tuổi. Nhưng do một số nơi điều kiện đi lại khó khăn, học sinh ít nên không thể gom về điểm tập trung”, Trưởng phòng GD&ÐT huyện Cái Nước Nguyễn Minh Phụng thông tin.
Theo báo cáo của UBND huyện Cái Nước về kết quả rà soát, đề xuất giải pháp khắc phục lớp học “nhờ” đối với cấp học mầm non huyện Cái Nước, ngày 25/3/2021, đề xuất kiến nghị đối với Sở GD&ÐT tham mưu với UBND tỉnh xây dựng kế hoạch, lộ trình, giải pháp khắc phục tình trạng lớp học “nhờ” đối với bậc học mầm non. Vì hiện tại còn rất nhiều lớp học mầm non - mẫu giáo học nhờ điểm trường tiểu học, do đó, cần lộ trình, thời gian phù hợp. Mặt khác, nếu xoá lớp mẫu giáo học nhờ điểm tiểu học thì không thể thực hiện tốt công tác phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi, do mỗi ấp chỉ có 1 lớp mẫu giáo, có nơi 2 ấp trong một xã mới đủ trẻ để mở được 1 lớp mẫu giáo. Mặt khác, nếu xây dựng phòng học cho từng lớp mẫu giáo điểm lẻ ở các ấp thì huyện không có khả năng cân đối nguồn kinh phí thực hiện. |
Hằng My