(CMO) Đoàn 962 anh hùng được thành lập ngày 19/9/1962 tại xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. đoàn 962 được giao nhiệm vụ xây dựng các bến (Cà Mau, Bến Tre, Trà Vinh, Bà Rịa) tiếp nhận vũ khí, hàng quân sự từ “Đoàn tàu không số”, cất giữ, vận chuyển cho các chiến trường nam bộ, góp phần vào giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Tiếp nối thành tích Đoàn 962 anh hùng, Lữ đoàn 962 trực thuộc Quân khu 9 (đóng quân trên địa bàn thành phố Long Xuyên và huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) viết tiếp truyền thống vẻ vang thời bình.
Thế hệ trẻ về nguồn tìm hiểu, lắng nghe những câu chuyện về truyền thống Đoàn 962 anh hùng tại Tượng đài Bến Vàm Lũng. |
Anh dũng trong kháng chiến
Từ khi thành lập đến ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, qua chặng đường 13 năm (1962-1975), với địa bàn hoạt động phân tán, từ Cà Mau đến Bà Rịa, Đoàn 962 đã tổ chức nhiều chuyến tàu trực tiếp mở đường vượt biển ra Bắc xin Trung ương chi viện vũ khí cho chiến trường miền Nam; tổ chức các bến tiếp nhận và vận chuyển vũ khí ra các mặt trận; xây dựng lực lượng, tổ chức chiến đấu bảo vệ bến, bãi, kho tàng trong điều kiện địch bao vây, phong toả nghiêm ngặt và đánh phá ác liệt, đầy gian khổ, hy sinh, với muôn vàn khó khăn thiếu thốn, có lúc tưởng chừng không thể vượt qua nổi.
Song, nhờ lòng yêu nước, ý chí kiên cường, tinh thần đoàn kết gắn bó và khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ của Đoàn 962 đã một lòng tận trung với Đảng, tận hiếu với dân, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Cùng với Đoàn 125, Quân chủng Hải quân làm nên con đường huyền thoại “Đường Hồ Chí Minh trên biển”; xây dựng những bến cảng giữa rừng, bến cảng không có trong tiền lệ lịch sử “Bến cảng giữa lòng dân”, đón nhận và vận chuyển trên 7.000 tấn đạn dược, khí tài quân sự; trực tiếp chiến đấu 251 trận lớn nhỏ, tiêu diệt 3.840 tên địch, bắt sống 285 tên, loại khỏi vòng chiến đấu hàng ngàn tên khác. Bắn chìm và cháy 306 tàu chiến các loại, trong đó có 11 tiểu pháo hạm, diệt 65 xe tăng, phá huỷ 37 khẩu pháo; bắn rơi 18 máy bay, phá huỷ tại sân bay 24 chiếc khác; tham gia giải phóng 11 đảo trên vùng biển Tây Nam.
Đoàn 962 còn vinh dự được đưa đón các đồng chí Lê Đức Anh, Võ Văn Kiệt và nhiều cán bộ cao cấp khác của Đảng và Nhà nước vào Nam, ra Bắc an toàn. Cũng chính trong những tháng năm lịch sử ấy, 162 cán bộ, chiến sĩ của đơn vị đã anh dũng hy sinh. Đoàn 962 được Đảng, Nhà nước tuyên dương đơn vị Anh hùng LLVT Nhân dân ngày 20/10/1976; 167 huân chương các hạng: 3 Huân chương Quân công hạng Nhì, Ba; 161 Huân chương Chiến công giải phóng hạng Nhất, Nhì, Ba; Đại đội 169 được tặng danh hiệu “Thành đồng”; 8 đồng chí được tuyên dương Anh hùng LLVT Nhân dân và hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ được tặng thưởng huân, huy chương các loại, cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.
Bản lĩnh trong thời bình
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Đoàn 962 được cấp trên quyết định rút gọn thành Trung đoàn 962 (Năm 2009, Bộ Quốc phòng quyết định tổ chức lại từ Trung đoàn thành Lữ đoàn). Năm 1977, bọn phản động Pôn Pốt gây ra chiến tranh biên giới Tây Nam, Trung đoàn tiếp tục làm nhiệm vụ trực tiếp chiến đấu và phục vụ chiến đấu cho Sư đoàn 339, Sư đoàn 4, Sư 8, các đơn vị Pháo binh, Tăng thiết giáp và các Tiểu đoàn bộ binh cơ động của các tỉnh chiến đấu bảo vệ vững chắc biên giới Tây Nam của Tổ quốc.
Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quốc tế giúp nước bạn Campuchia (12/1989), Trung đoàn bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện, xây dựng đơn vị, phục vụ vận tải, phòng chống lụt bão, cứu hộ cứu nạn. Là đơn vị binh chủng - kỹ thuật, nhưng với phương tiện tàu thuyền lạc hậu, chủ yếu là thu được của Mỹ, việc sửa chữa, thay thế trang bị kỹ thuật thiếu đồng bộ, nên quá trình khai thác, sử dụng gặp rất nhiều khó khăn.
Đại tá Lê Thanh Nhã, Chính uỷ Lữ đoàn 962, cho biết: "Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng uỷ, Bộ Tư lệnh Quân khu 9; sự thương yêu, giúp đỡ tận tình của các cấp uỷ Đảng, chính quyền và Nhân dân địa phương, Đảng uỷ - Ban Chỉ huy Lữ đoàn từng bước khắc phục khó khăn, kiện toàn các tổ chức, nâng cao trình độ và năng lực chiến đấu của đội ngũ cán bộ. Bên cạnh đó, phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ chủ trì ở từng cơ quan, đơn vị, hướng các hoạt động từng bước đi vào nền nếp. Từ đó, Lữ đoàn đã không ngừng phát triển, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao".
Là đơn vị binh chủng, địa bàn đóng quân rộng, phân tán, tác chiến trên sông, biển, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ trong những năm qua, Lữ đoàn có nhiều thành tích xuất sắc trong giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội, luôn trung thành với Tổ quốc. Từ năm 2008 đến nay, Lữ đoàn đã cứu hộ thành công trên 50 xuồng ghe các loại (trong đó có 6 xà lan từ 300-850 tấn) bị chìm, lật và hàng trăm người dân gặp nạn trên sông. Tham gia dập tắt 3 đám cháy lớn, kịp thời sơ tán hàng trăm người dân và nhiều tài sản có giá trị đến nơi an toàn. Di dời hàng trăm hộ dân ra khỏi khu vực sạt lở, chạy lũ… Những thành tích trên khẳng định bản lĩnh chính trị vững vàng, khả năng sẵn sàng chiến đấu cao, tinh thần chủ động sáng tạo khắc phục khó khăn, lòng dũng cảm, sẵn sàng hy sinh của cán bộ, chiến sĩ trong giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội, luôn trung thành với Tổ quốc.
Phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật được đơn vị quan tâm lãnh đạo và thực hiện đạt kết quả khá tốt. Đại tá Lê Thanh Nhã cho biết thêm: “Những năm qua, Lữ đoàn đã có 35 sáng kiến và 4 đề tài được Bộ Quốc phòng, Quân khu và đơn vị nghiệm thu đưa vào áp dụng thực tế. Tiêu biểu có các đề tài: Hệ thống nâng hạ cửa đổ bộ tàu LCM8 bằng thuỷ lực; Hệ thống lái thuỷ lực tàu PCF; Thiết bị ép đa tác dụng; Cần cẩu cứu hộ cứu nạn trên tàu ST 175; Hệ thống chống chìm tự động trên tàu… Các sáng kiến, cải tiến đã góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện, bảo đảm an toàn và tiết kiệm hàng trăm triệu đồng cho đơn vị”.
Thấm nhuần đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, trong những ngày tháng Tám lịch sử, hướng tới kỷ niệm 60 năm Ngày Truyền thống Lữ đoàn 962 (19/9/1962-19/9/2022), Lữ đoàn 962 sẽ tổ chức chuyến hành quân về nguồn, thăm, tặng quà gia đình chính sách tại xã Tân Ân và thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển - Nơi Trung đoàn 962 anh hùng được thành lập cách nay 60 năm. Mọi công tác chuẩn bị đều được sẵn sàng.
Đại tá Lê Thanh Nhã chia sẻ: “Chuyến hành quân về nguồn nhằm thắt chặt hơn nữa mối quan hệ đoàn kết, gắn bó giữa đơn vị với cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể ở địa phương; là dịp để mỗi cán bộ, chiến sĩ nhắc nhớ về lịch sử, truyền thống 60 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Lữ đoàn. Đặc biệt, là dịp để thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” đối với sự hy sinh và những đóng góp to lớn của các thế hệ cha anh đi trước. Qua đó, khơi dậy lòng tự hào, ý chí quyết tâm cao, ra sức thi đua xây dựng Lữ đoàn vững mạnh trong thời gian tới”./.
Đỗ Chí Công