(CMO) Đồng hành trong nhiều chuyến từ thiện, khánh thành cầu giao thông nông thôn hay các chương trình trao học bổng cho sinh viên nghèo... do chính chị đứng ra vận động, tổ chức nên từ lâu tôi luôn dành sự ngưỡng mộ rất lớn đối với chị. Nơi nào có dấu chân chị đi qua thì y như rằng mọi khó khăn cần sự giúp đỡ sẽ được đáp ứng ngay sau đó.
Nhân lúc ngồi chuyện trò cùng nhau, tôi chợt hỏi: "Bí quyết gì giúp chị lúc nào cũng có thể hết mình với các hoạt động thiện nguyện, xã hội như thế?".
Nở nụ cười thật tươi trên gương mặt đầy vẻ phúc hậu, chị phấn khởi: "Người ta hay ví von rằng tôi có viên ngọc ước, mà ước cho mọi người chứ cá nhân là hỏng có nghen. Hễ điều gì bản thân phát tâm thực hiện đều được sự ủng hộ của cộng đồng. Có thể giúp đỡ được nhiều nơi, nhiều người là niềm hạnh phúc vô cùng to lớn rồi trở thành động lực để bản thân cứ muốn làm hoài những chương trình thật ý nghĩa".
Miệt mài tìm đến vùng sâu, vùng xa để tìm hiểu nắm bắt thực tế, tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa giúp đỡ, hỗ trợ cho bà con. |
"Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình..."
Chị tên thật là Nguyễn Thị Ánh Tuyết (sinh năm 1956), nhưng không biết tự bao giờ mọi người đã quen gọi với danh xưng gần gũi là chị Tuyết Nam. Nhiều năm qua cái tên thân thuộc này không những đã trở thành địa chỉ rất đáng tin cậy để các nhà hảo tâm tìm đến chung tay góp sức cho các hoạt động thiện nguyện mà còn là chỗ dựa vững vàng cho rất nhiều mảnh đời, hoàn cảnh cần sự giúp đỡ, hỗ trợ.
"Hồi đó nhà tôi nghèo lắm, hai mẹ con sống trong căn nhà nhỏ xíu. Tuổi thơ nghèo khó đến nỗi chiếc xe đạp để đi học cũng trở thành một ước mơ ấp ủ rất nhiều năm, nên khi lớn lên và có điều kiện chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn tôi như thấy lại hình ảnh của mình trong đó...", chị tâm sự với ánh mắt thoáng chút bâng khuâng.
Chị Tuyết Nam (thứ 3 từ phải sang) cùng với Nghệ sĩ Đại Nghĩa trong một lần trao nhà tình thương. |
Chính vì sự đồng cảm được sớm nuôi dưỡng nên những việc làm từ thiện luôn theo sát hành trình dài của chị Tuyết Nam theo kiểu "tự biên tự diễn". Hễ thấy chuyện cần giúp, cần cho là chị lại sẵn sàng bằng điều kiện có thể của bản thân. Năm 1997, cơn bão số 5 ập đến gây nhiều mất mát đau thương, chị là một trong những người đầu tiên tặng một tấn gạo cho đồng bào tỉnh nhà. Nhận thấy "một cây làm chẳng nên non", chị kêu gọi thêm nhiều người góp sức. Và đây chính là cơ duyên đưa đến cho chị quyết định phải dốc toàn tâm, toàn lực vào các hoạt động thiện nguyện, xã hội. Việc làm ăn đang trên đà trôi chảy được chị tạm gác lại phía sau để dành hết thời gian tập trung cho hướng đi mới mẻ này.
Đầu năm 1998, chị vận động thành lập bếp ăn tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau để cấp cơm, cháo từ thiện, nhằm mang đến bữa ăn chất lượng, dinh dưỡng và giảm được phần nào chi phí cho bệnh nhân nghèo trong quá trình điều trị bệnh. Tiếp đến, mở phòng bốc thuốc nam miễn phí cho tất cả mọi người có nhu cầu tìm đến tại chùa Sắc Tứ Quan Âm Cổ Tự (Phường 4, TP. Cà Mau) và cũng trong năm này chị mạnh dạn đề xuất thành lập Ban Từ thiện - Xã hội Phật giáo tỉnh Cà Mau nhằm kêu gọi sự chung tay của cộng đồng. Từ đó đến nay ngót 20 năm, những hoạt động trên vẫn được chị cố gắng duy trì xuyên suốt và không ngừng phát triển lớn mạnh hơn.
20 năm bước chân không mỏi
Khéo léo dẫn dắt theo dòng tâm sự của mình, người phụ nữ ngoài tuổi 60 này khiến người đối diện phải trầm trồ vì năng lượng tràn đầy dành cho công tác thiện nguyện, xã hội mà rất lâu rồi chị luôn xem đó chính là trách nhiệm thiêng liêng. Chị kể, những ngày đầu dấn thân vào "mặt trận" này cũng lắm gian nan vì khi đó chưa ai biết đến nhiều nên công tác vận động tài trợ rất khó, hơn nữa, do chưa có kinh nghiệm trong vấn đề tổ chức nên chỉ đơn giản là thấy hoàn cảnh nào khó khăn thì đứng ra trợ giúp.
Qua thời gian, với vai trò Phó Trưởng Ban Từ thiện - Xã hội Phật giáo tỉnh, chị cố gắng khắc phục dần những hạn chế, không ngại bỏ công sức đi đến những vùng nông thôn nghèo, khó khăn. Nghe đâu cần sự giúp đỡ là chị tìm đến khảo sát rồi cùng mọi người trong ban từ thiện tạo cầu nối đến các nhà hảo tâm, đồng thời vạch ra định hướng rõ ràng để những hoạt động đi vào khuôn khổ.
Với nguyên tắc rõ ràng, minh bạch, nguồn kinh phí vận động được sẽ dùng vào một mục đích duy nhất và hầu như những chi phí phát sinh cho rất nhiều chuyến từ thiện mỗi năm đều được chị sẵn sàng bỏ tiền túi để công việc chung ngày một thuận lợi hơn.
Chính vì thế, Ban Từ thiện - Xã hội Phật giáo ngày càng được tin tưởng. Nhiều nhà hảo tâm không chỉ trong nước mà còn ở nước ngoài như: Anh, Mỹ, Úc, Canada... thường xuyên tìm đến để sẵn sàng hỗ trợ cho các dự án, kế hoạch mà chị đề ra.
"Ở đâu trong tỉnh Cà Mau này cũng là quê hương của tôi, nên nếu nắm bắt và hiểu rõ nhu cầu thật sự cần thiết thì việc vận động để giúp đỡ luôn được sẵn sàng ngay. Đi nhiều, cho nhiều mới càng hiểu và thương, từ đó ý thức được trách nhiệm của ban từ thiện cũng như chính bản thân mình đối với quê nhà...", chị bộc bạch.
Hàng ngàn chiếc xe đạp được chị trao cho các em học sinh nghèo vùng sâu, vùng xa. |
Nhớ hoài lần đầu tiên đi làm chương trình cây nước sạch ở một ấp nghèo của xã Khánh Thuận, huyện U Minh, chị tận mắt chứng kiến người dân phải ngày ngày lấy nước dưới kinh lóng phèn để sinh hoạt. Từ đó, chị ra sức cùng Ban Từ thiện - Xã hội Phật giáo tỉnh vận động cho "cuốn chiếu" từng ấp một, chỉ sau 2 năm, xã Khánh Thuận đã có trên 200 cây nước được trao mang nặng nghĩa tình.
"Mừng quá chừng, đó giờ chúng tôi toàn lấy nước dưới ao, kinh thôi, cuối cùng tới đời con cháu của tôi đã có nước sạch để xài rồi". Những lời chân tình với cái nắm chặt tay chị mừng đến chảy nước mắt của một người dân năm ấy khi ước mơ có cây nước đã thành hiện thực mang lại niềm xúc động lớn, để lần lượt đến bây giờ, hơn 1.300 cây nước được xây dựng ở các huyện, trong tỉnh, niềm vui cứ thế nhân lên.
Rồi khi Chương trình "Nhịp cầu mơ ước" được phát động, chị lại len lỏi đến những vùng sâu, vùng xa để nắm bắt thông tin địa bàn đang thiếu thốn những nhịp cầu. Bằng sự chân tình của mình, chị tìm đến các nhà hảo tâm trong và ngoài nước để vận động nguồn hỗ trợ, đồng thời kết hợp với đội xây dựng chuyên làm từ thiện để có thể xây dựng những chiếc cầu chất lượng nhất. Sau bao năm xuôi ngược, kết quả mang về là gần 350 cây cầu đã được nối nhịp bờ vui, đảm bảo sự thuận lợi thông thương nhiều nơi.
Một trong những hoạt động được chị Tuyết Nam tâm đắc nhất chính là bếp ăn từ thiện tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau. Suốt 20 năm dài, hầu như lúc nào bếp ăn cũng được duy trì và chưa bao giờ tắt lửa. Từ đây, ngày ngày hàng trăm suất cơm, cháo với tiêu chí "ngon, sạch, bổ dưỡng" đã được đưa đến tay bệnh nhân bằng sự niềm nở, ân cần.
"Có thể sau này, khi tuổi đã lớn và kinh phí không cho phép thực hiện nhiều chương trình thì một số hoạt động sẽ hạn chế, nhưng nếu tôi còn thì những bếp ăn này nhất định phải được duy trì và mở rộng hơn nữa. Bởi những suất ăn không chỉ có ý nghĩa về mặt vật chất mà còn mang đến giá trị nhân văn vô cùng lớn", giọng nói của chị đầy tự tin.
Câu chuyện về những cây cầu, giếng nước, ngôi nhà tình thương, học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo... tất cả gần 100 chương trình mỗi năm cứ lần lượt được chị chia sẻ với đong đầy cảm xúc. Đối với chị, các hoạt động ý nghĩa cho cộng đồng không chỉ là sự chung tay góp sức làm cho quê hương ngày một phát triển hơn mà còn là sự cho đi và nhận lại niềm vui xuất phát từ chính tình thương của mỗi người đối với nhau trong cuộc sống.
Và những chuyến đi gắn với nhiều kế hoạch, dự định cứ được nối tiếp nhau thực hiện với bước chân mải miết của người phụ nữ chưa hề có điểm dừng hay sự mỏi mệt nào qua bao năm tháng./.
Trần Hoàng Phúc