Một video TikTok 60 giây giúp ghi nhớ công thức Vật lý, một bài đăng Facebook tóm tắt sự kiện lịch sử trong 5 câu, hay một podcast 3 phút dạy cách phát âm tiếng Anh chuẩn - đó là cách mà nhiều học sinh Gen Z ngày nay tiếp thu kiến thức. Họ không còn hứng thú với những bài giảng dài lê thê, mà thích học theo cách nhanh hơn, ngắn hơn - xu hướng đang được gọi là Microlearning (học vi mô).
Em Trần Quốc Duy, học sinh Lớp 10A7, Trường THPT Ðầm Dơi, huyện Ðầm Dơi, đang gấp rút ôn luyện cho kỳ thi học sinh giỏi Ðịa lý. Trước khi đi ngủ, Duy dành 10 phút lướt TikTok, không phải để giải trí mà để học. Thay vì cặm cụi với những trang sách dày đặc chữ, em tận dụng các video ngắn để ôn tập kiến thức một cách hiệu quả. “Hồi trước, cứ mở sách ôn thi là em không biết bắt đầu từ đâu vì có quá nhiều thứ phải học. Nhưng từ khi học theo cách này, em thấy thoải mái hơn hẳn. Kiến thức được chia nhỏ, dễ hiểu, học tới đâu nhớ tới đó mà không bị quá tải”, Duy chia sẻ.
Không chỉ riêng Duy, nhiều học sinh Gen Z ngày nay đang rời xa phương pháp học truyền thống với những bài giảng dài lê thê. Họ tiếp cận tri thức theo cách hiện đại hơn, nhanh hơn, dễ nhớ hơn và phù hợp với lối sống số. Chính sự thay đổi này đã giúp Microlearning - phương pháp học qua những nội dung ngắn gọn, trọng tâm - trở thành xu hướng giáo dục của thời đại mới.
Tranh thủ giờ ra chơi, các em học sinh cập nhật kiến thức qua video ngắn trên TikTok và YouTube Shorts - cách học nhanh, tiện lợi và sinh động.
Microlearning không phải là khái niệm mới, nhưng với sự bùng nổ của công nghệ, phương pháp này đã phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Thay vì nhồi nhét hàng chục trang sách trong một buổi học, Microlearning chia kiến thức thành những mảnh nhỏ, dễ tiêu hoá. Mỗi bài học chỉ kéo dài từ 5-10 phút, tập trung vào một nội dung cụ thể, giúp người học không bị quá tải.
Hiện nay, Microlearning đang trở thành xu hướng học tập phổ biến, đặc biệt trong giới trẻ, nhờ tính ngắn gọn và dễ tiếp cận. Một trong những hình thức được ưa chuộng nhất là video ngắn trên mạng xã hội, nơi các khái niệm phức tạp được giải thích một cách đơn giản, trực quan. Bên cạnh đó, podcast ngắn cũng thu hút nhiều người khi giúp tóm tắt bản tin hoặc bài giảng chỉ trong 3-5 phút, thuận tiện để tiếp thu kiến thức ngay cả khi đang di chuyển.
Ngoài ra, nhiều bạn trẻ lựa chọn học qua các ứng dụng như: Quizlet, Duolingo hay Anki, tận dụng flashcard và câu đố tương tác để ghi nhớ hiệu quả hơn. Không chỉ vậy, những nội dung dưới dạng Infographic hay bài đăng trên mạng xã hội cũng được đánh giá cao nhờ khả năng tổng hợp thông tin nhanh chóng, dễ hiểu thông qua hình ảnh trực quan.
Bạn Lê Phương Anh, sinh viên năm nhất ngành Kinh tế, Trường Ðại học Bình Dương phân hiệu Cà Mau, kể: “Em rất ngán học từ vựng tiếng Anh vì mỗi lần mở sách ra là thấy một danh sách dài ngoằng, học trước quên sau. Nhưng từ khi dùng ứng dụng Quizlet, mỗi ngày em chỉ cần dành vài phút học 10 từ mới qua flashcard. Không ngờ cách học này lại đơn giản mà hiệu quả đến vậy”.
Cô Trần Kim Hạnh, giáo viên tiếng Anh, Trường THPT Ðầm Dơi, nhận định: “Các phương pháp học mới này không thể thay thế hoàn toàn phương pháp học truyền thống, nhưng nó là công cụ hỗ trợ rất hiệu quả. Quan trọng là cách người học áp dụng như thế nào. Nếu chỉ xem lướt qua mà không ôn tập lại, thì kiến thức sẽ không đọng lại lâu. Nhưng nếu kết hợp với phương pháp lặp lại có chủ đích thì hiệu quả sẽ rất cao”.
Tuy nhiên, đây không phải là phương pháp vạn năng. Cô Trần Ngọc Trân, giáo viên bộ môn Giáo dục Kinh tế và Pháp luật, Trường THPT Tân Ðức, huyện Ðầm Dơi, cho rằng: “Ðể tận dụng tối đa các phương pháp học hiện đại, người học cần chủ động tìm hiểu thay vì thụ động tiếp nhận thông tin. Quan trọng hơn, họ phải biết kiểm chứng tính chính xác của nội dung tiếp cận. Bên cạnh đó, việc kết hợp học với thực hành đóng vai trò then chốt, bởi kiến thức chỉ thực sự có giá trị khi được áp dụng vào thực tế. Trong bối cảnh thông tin tràn lan trên TikTok hay YouTube, kỹ năng chọn lọc nội dung chất lượng càng trở nên cần thiết”.
Microlearning không chỉ là xu hướng nhất thời mà có thể trở thành tương lai của giáo dục. Tuy nhiên, để thực sự “học sâu”, người học phải biết cách chọn lọc thông tin và áp dụng vào thực tế./.
Việt Mỹ